25/09/2014 14:05 GMT+7 | Âm nhạc
Hạng mục Best Worldwide Act (Nghệ sĩ quốc tế xuất sắc) tại Giải thưởng âm nhạc châu Âu (Europe Music Awards - EMA) do kênh truyền hình MTV tổ chức đã có lịch sử 3 năm, với kết quả thường gây tranh cãi. Điều đáng chú ý là các ngôi sao lớn của Âu Mỹ đều thua trước sao châu Á. Lễ trao giải MTV EMA lần thứ 20 sẽ diễn ra vào ngày 9/11 tại Glasgow, Scotland.
Quy mô toàn cầu trên hình thức
“Nghệ sĩ quốc tế xuất sắc” nằm trong số 15 hạng mục chính của EMA từ năm 2011. Đây là giải thưởng hoàn toàn do người hâm mộ bầu chọn, với mục đích thu hút sự chú ý của người yêu nhạc toàn cầu.
Các đề cử tại hạng mục thường bao gồm đại diện đến từ đủ các khu vực theo vị trí địa lý, gồm châu Phi, Ấn Độ, Trung Đông, châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, khu vực Mỹ Latin và Bắc Mỹ.
Xét về hình thức, hạng mục “quốc tế” của EMA được tổ chức bầu chọn rất quy mô. Tại châu Âu (châu lục chủ quản), MTV lập ra một hạng mục bầu chọn ở từng quốc gia. Các châu lục còn lại (các châu Á, Phi, Mỹ, khu vực Thái Bình Dương) được chia thành nhiều hạng mục nhỏ, trong đó những quốc gia và vùng lãnh thổ có nền âm nhạc phát triển được lập hạng mục riêng, gồm Ấn Độ, Australia, New Zealand, Trung Quốc và Hong Kong (TRung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Brazil, Mỹ, Canada.
Việt Nam được đưa vào hạng mục nhỏ gồm các quốc gia Đông Nam Á. Sau khi bầu chọn xong ở các hạng mục chia lẻ này, MTV đưa những người chiến thắng vào một hạng mục lớn hơn, đại diện cho khu vực. Vượt qua vòng này, người chiến thắng sẽ tiến thẳng vào đề cử EMA với tư cách đại diện không chỉ cho quốc gia mà còn cho cụm khu vực.
Giải thưởng dừng chân ở cấp châu lục
Dù qua quá trình tuyển lựa ngặt nghèo, nhiều công đoạn như vậy nhưng bảng đề cử “Nghệ sĩ quốc tế xuất sắc” hàng năm của EMA cho thấy sự chênh lệch rõ rệt về danh tiếng giữa các nghệ sĩ Bắc Mỹ, Anh và một số quốc gia Mỹ Latin, châu Âu với phần còn lại của thế giới.
Điều trái khoáy hơn nữa là chiến thắng luôn không thuộc về các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới, mặc dù MTV luôn dùng danh tiếng của họ để quảng bá cho hạng mục này.
Cụ thể, lần đầu tiên trao giải “Nghệ sĩ quốc tế xuất sắc” vào năm 2011, MTV giới thiệu đây là hạng mục mà “Britney Spears đấu với phần còn lại của thế giới”. Các đề cử khác ngoài Spears là nhóm nhạc Big Bang (đại diện châu Á - Thái Bình Dương), nam ca sĩ Abdelfattah Grini (châu Phi - Ấn Độ - Trung Đông), nữ ca sĩ Lena (châu Âu), ban nhạc Restart (Mỹ Latin).
Cuối cùng, ban nhạc Big Bang của Hàn Quốc thắng giải, được ca ngợi là “đánh bại Britney Spears”. Đây là thành tích làm nức lòng người hâm mộ nhóm nhạc này (khá đông ở Hàn Quốc và Đông Nam Á), đồng thời gây ngạc nhiên với công chúng quốc tế.
Năm 2012, ban nhạc Restart tiếp tục được đề cử, tham gia cuộc đấu với các đối thủ là nữ ca sĩ Rihanna (Mỹ Latin), nam ca sĩ Hàn Canh (châu Á - Thái Bình Dương), nam ca sĩ Ahmed Soultan (châu Phi - Ấn Độ - Trung Đông), nam ca sĩ Dima Bilan (châu Âu).
Rõ ràng xét về danh tiếng và thành công, các đề cử còn lại đều không đấu nổi Rihanna, giọng ca gốc Barbados rất thành công trong làng nhạc Mỹ và thế giới. Nhưng theo kết quả bầu chọn, Hàn Canh đã chiến thắng.
Năm 2013 có thay đổi lớn ở hạng mục này, khi các khu vực được chia nhỏ hơn chứ không dừng lại ở 5 khu vực như trước. MTV quảng bá “Nhóm nhạc One Direction và nam ca sĩ Justin Bieber tranh giải Nghệ sĩ quốc tế xuất sắc tại EMA”. Năm đó, ngoài 2 tên tuổi lớn được giới trẻ hâm mộ này còn có đến 8 đề cử khác.
Họ gồm Ahmed Soultan (đại diện châu Phi - Ấn Độ - Trung Đông), Cody Simpson (Australia - New Zealand), One Direction (Bắc Âu), Lena (Trung Âu), Bednarek (Đông Âu), Marco Mengoni (Nam Âu), Fresno (Mỹ Latin), Justin Bieber (Bắc Mỹ), EXO (Nhật Bản - Hàn Quốc) và Lý Vũ Xuân (Trung Quốc - Hong Kong - châu Á - Thái Bình Dương). Cuối cùng, Lý Vũ Xuân chiến thắng.
Có thể thấy khi đề ra giải thưởng với cái tên tham vọng như Nghệ sĩ quốc tế xuất sắc nhất, MTV đã nỗ lực thu hút sự chú ý của người yêu nhạc trên toàn cầu. Ban tổ chức cũng nỗ lực điểm tên nghệ sĩ đại diện cho đầy đủ các khu vực để thể hiện sự công bằng và làm tròn tinh thần quốc tế. Nhưng sau 3 năm trao giải, chiến thắng 2 lần thuộc về Trung Quốc, một lần thuộc về Hàn Quốc (đều ở châu Á) đã gây ra không ít ì xèo. Nhiều tranh cãi đã xảy ra, quanh việc liệu giải thưởng có xứng đáng với tên gọi của nó hay không?
(Còn tiếp)
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất