Điện ảnh Việt: nỗi đau di căn

07/09/2012 09:12 GMT+7 | Phim

Dạo này lại thấy rộ lên những lời than phiền về chuyện phim chiếu rạp xuống dốc thậm tệ. Ngày lễ Quốc khánh, phim mới chỉ có Nàng men chàng bóng ra rạp. Thật là… cười ra nước mắt.


Còn nhớ cách đây hơn một năm, trong cuộc hội thảo tại làng Văn hoá các dân tộc Việt Nam do thứ trưởng bộ Văn hoá – thể thao và du lịch Hồ Anh Tuấn chủ trì, nhiều nghệ sĩ đã nặng lời về hiện trạng của điện ảnh Việt, và quy lỗi cho chính sách và cách ứng xử với điện ảnh của các cấp lãnh đạo. Có người cho rằng cuộc họp mang khí vị một “hội nghị Diên Hồng cho điện ảnh” ấy chỉ là động thái xoa dịu nỗi phẫn nộ của nghệ sĩ điện ảnh trước sự kiện thất thoát 44 tỉ đồng ở cục Điện ảnh. Hơn một năm nhìn lại, thấy quả là nhận định ấy... không sai, bởi sau một thời gian dài các nghệ sĩ cả tin cứ kiên nhẫn chờ đợi cơ quan chức năng xử lý vụ việc cho “ra môn ra khoai” thì bất ngờ nhận được thông tin: đình chỉ vụ án.

Càng đau hơn, là di chứng để lại từ vụ việc. Hai năm trời, vì “nó” mà không một bộ phim nào do Nhà nước đầu tư được ra đời. Không có động thái đáng kể nào từ các cơ quan chuyên ngành như cục Điện ảnh, hội Điện ảnh… chuẩn bị cho loạt sự kiện kỷ niệm lớn sẽ diễn ra trong ba năm liền (2013, 2014, 2015) chỉ vì không có tiền.

Vì thế, Nàng men chàng bóng tung tăng đi dạo trên màn ảnh là điều tất yếu. Nhưng có thể trách các nhà sản xuất phim tư nhân đã không có sản phẩm cho “dòng phim chính thống” đặng phục vụ việc nâng cao dân trí? Ai cũng biết, làm phim đạt tiêu chí nghệ thuật cao, hay có tầm tư tưởng… đều cầm chắc không có doanh thu cao. Vậy tại sao lại bắt những người đang bỏ tiền nhà của họ ra để đầu tư sản xuất phim phải hy sinh cho nền văn hoá nước nhà, trong khi chính những người được trao quyền tạo dựng và bảo vệ nền tảng văn hoá ấy trong điện ảnh đã làm thất thoát mấy chục tỉ đồng mồ hôi nước mắt của người đóng thuế?

Giá những người ra cái quyết định quái gở kia hiểu rằng, sau cái thông báo khẳng định vụ việc đã chìm xuồng, dòng phim chính thống của Việt Nam có nguy cơ mất luôn những đốm lửa nhiệt tình còn lại, những đốm lửa vốn được hun đúc bởi khát vọng làm đẹp xã hội, tôn vinh quá khứ, tạo bệ phóng văn hoá cho tương lai…

Người viết bài này từng thấp thỏm vui mừng trước sự lớn mạnh của dòng phim tư nhân, khi thấy các nhà đầu tư mạnh dạn tiến quân vào địa hạt nghệ thuật. Dù chưa có phim nào thật sự hoàn hảo, nhưng cái ham muốn tạo ra những sản phẩm đạt chuẩn văn hoá và hướng tới cái đẹp thể hiện qua các phim như Áo lụa Hà Đông, Dòng máu anh hùng, Cánh đồng bất tận… là những tín hiệu đáng mừng. Những tưởng Nhà nước sẽ nhân đà ấy mà đưa ra một bộ quy chế thưởng phạt công minh, tạo điều kiện cho các nhà sản xuất phim tư nhân vững tâm trên con đường tạo nên dòng chảy nghệ thuật mới cho điện ảnh nước nhà, đồng thời thúc đẩy các sản phẩm được tài trợ bởi ngân sách nhà nước trở thành một dòng chảy chính thống, tạo nên diện mạo đích thực của điện ảnh Việt… thì chỉ vì vụ thất thoát 44 tỉ đồng, mọi thứ như chìm xuống bùn lầy một cách thảm hại. Hai năm liền không có phim do Nhà nước tài trợ xuất hiện trên màn ảnh rộng. Hai năm liền khát vọng làm phim có chất lượng nghệ thuật cao của các hãng phim tư nhân lẳng lặng lụi tàn.

Nền điện ảnh của một quốc gia vốn là thế, có sản phẩm giải trí, và có sản phẩm mang tính định hướng văn hoá, nâng cao thẩm mỹ của toàn dân… Còn hiện tượng thả nổi để lúc chỉ toàn cái nọ, lúc lại toàn cái kia là không bình thường.

Ngẫm lại, trong một thị trường điện ảnh phụ thuộc hoàn toàn vào tư nhân như thế, thì khán giả “có gì xem nấy”, than thở ích gì?

Theo Sài Gòn Tiếp Thị


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm