17/06/2022 05:55 GMT+7 | Bóng đá Việt
Ngay sau những màn trình diễn ấn tượng của U23 Việt Nam tại VCK châu Á, dư luận cho thấy niềm tin của giới hâm mộ đối với tương lai của bóng đá nước nhà, khi “tre chưa già thì măng đã mọc”. Đó là hạnh phúc của bất kỳ nền bóng đá nào, nhưng với bóng đá Việt, nó lại mang vị chát.
“Tuổi nào cho U23”?
Trong danh sách của U23 dự VCK châu Á năm 2022 vừa qua, chỉ có 6 cầu thủ từng là thành viên của U19 dự giải châu Á năm 2018. Thế hệ U19 khi đó từng được tập trung đầu tư phục vụ cho “Giấc mơ World Cup” 2026.
Thế nhưng, như đã thấy, qua thời gian, số cầu thủ trẻ tài năng ấy giảm dần theo thời gian. Đấy là quy luật của bóng đá, mọi thứ đều phải dựa trên quá trình sàng lọc từ hoạt động thi đấu. Không ai và không thể có những “suất nghiễm nhiên” được là một phần của tương lai, kể cả khi tài năng xuất chúng đến đâu.
Thế nên, với U23 hiện nay cũng vậy. Màn trình diễn tại Uzbekistan có thuyết phục như thế nào thì con đường của các cầu thủ vẫn phải dẫm lên sự khốc liệt tại V-League. Tính từ thời điểm 1995, khi bóng đá Việt Nam bắt đầu cuộc chinh phục các đầu trường quốc tế, thì chỉ có một vài ngoại lệ ở đội tuyển quốc gia dành cho những cầu thủ đang đá tại giải hạng Nhất, như Tài Em, Xuân Thành năm 2002, Thành Lương năm 2009 … Nhưng về cơ bản, các cầu thủ đó đều có đẳng cấp V-League.
Trong 11 cầu thủ ra sân tại trận tứ kết trước Saudi Arabia, chỉ có 4 cầu thủ đang đá chính ở V-League, phần lớn ngồi dự bị tại CLB và 3 người khác đang chơi bóng tại giải hạng Nhất. Xét trên góc độ tập thể, U23 Việt Nam có thể là đội bóng mạnh, nhưng bóc tách ra từng cá nhân, các cầu thủ chưa bảo đảm có chỗ đứng chính thức ở các CLB đá tại V-League.
Liệu sau những màn trình diễn tỏa sáng trong màu áo U23 thì họ có được các CLB trọng dụng hay không, đó là câu chuyện hoàn toàn khác. Mà nếu không thể ra sân thường xuyên ở V-League, thì cũng có thể vì họ không đủ chất lượng.
Nói gì thì nói, giá trị của cầu thủ nằm trên sân bóng. Sau chức á quân U23 châu Á 2018, thủ môn Bùi Tiến Dũng, tiền đạo Hà Đức Chinh được tung hô ầm ĩ nhưng thực tế cho thấy họ không có suất chính thức tại V-League dù cũng cố gắng chuyển sang các CLB khác để thi đấu. Ngược lại, có những người hầu như vô danh như trường hợp của tiền đạo Phạm Tuấn Hải, không trụ nổi ở Hà Nội FC thì sang Hà Tĩnh chơi rất tốt và được HLV Park Hang Seo đưa lên đội tuyển Việt Nam để ngày càng trưởng thành. Hoặc như tiền đạo Nguyễn Tiến Linh, người từng dự U20 World Cup nhưng sau đó tưởng là “biến mất”. Nhờ được ra sân thường xuyên tại Bình Dương mà anh dần chiếm chỗ chính thức tại đội tuyển quốc gia, để bây giờ gần như là không thể thay thế.
Nói cho cùng, sự nghiệp của cầu thủ tại CLB lâu dài và quan trọng hơn việc được khoác áo đội tuyển quốc gia. Nếu đã là ngôi sao tại CLB, thì con đường lên đội tuyển chỉ là vấn đề thời gian, đâu có gì phải vội.
Muốn nhanh cứ phải …từ từ
Chính vì thế, từ chỗ lo lắng không tìm ra sự kế thừa, thì sau thành công tại SEA Games 31 và U23 châu Á, bóng đá Việt Nam lại lâm vào cảnh “có mà không dùng được”.
Lấy ví dụ, trong đội hình U23 Việt Nam có 3 cầu thủ vốn là người của HAGL nhưng vì không có chỗ ra sân nên cho các CLB khác mượn. Bây giờ, dù có được đánh giá cao, thì hoàn cảnh của họ chắc chẳng có gì thay đổi. Hoặc thủ môn Văn Chuẩn và bộ đôi Tiến Long - Văn Trường của Hà Nội FC cũng phải đợi một thời gian nữa mới có thể đá chính, bởi đội bóng Thủ đô hiện vẫn ổn định nhân sự. Ngay tay chạy cánh Phan Tuấn Tài đang chơi ở giải hạng Nhất, vốn là người của Viettel đang thừa nên đem cho mượn.
Tại các CLB V-League hiện nay, vị trí thủ môn cùng 3 suất ngoại binh gần như không thay đổi, tức là chỉ còn 7 vị trí khác trên sân. Tìm được 1 chỗ đứng cho cầu thủ U23 là không đơn giản, ngoại trừ CLB có chính sách ưu tiên phát triển cầu thủ trẻ.
Các trụ cột của U23 Việt Nam hiện nay phần lớn đến từ Hà Nội FC và Viettel, nhưng 2 đội bóng này thì lại có nhiều tuyển thủ quốc gia khác, chắc chắn là kinh nghiệm và năng lực thi đấu tốt hơn hẳn dàn U23. Tất nhiên, các cầu thủ U23 có 2 chọn lựa: Ở lại để cạnh tranh hoặc tìm CLB khác để có cơ hội ra sân thường xuyên. Vấn đề là liệu họ có nhiều chỗ để đi không?
V-League hiện chỉ có 14 đội, quá ít. Bóng đá Việt Nam lại đang ở mô hình tháp ngược: Trên to dưới nhỏ. Đào tạo có nhiều bao nhiêu mà số CLB chuyên nghiệp quá ít, số lượng trận đấu mỗi năm bị hạn chế, thì cũng khó mà phát triển tài năng.
Nhưng muốn tăng số đội thì lại đụng đến bài toán tài chính, đầu tư. Hồi năm 2012, đã có lộ trình tăng lên 18 đội vào năm 2020, nhưng nỗ lực bất thành vì …không có tiền. Ngay ở giải hạng Nhất, dù mức đầu tư chỉ bằng 1/10 so với V-League, mà hiện có đến 50% số đội phải sống bằng ngân sách địa phương.
Phải mất đến 5 mùa, thì giải hạng Nhất mới tăng được từ 9 lên con số 14 hiện nay . Tiền không có, thì đương nhiên cũng chẳng thể có hệ thống các giải đấu U23 hay “đội dự bị” như mô hình bóng đá châu Âu, Nhật Bản để giúp các cầu thủ trẻ có thêm sự cọ xát.
Thậm chí, đến những giải U, hiện còn phải nhờ các đơn vị ngoài xã hội đứng ra xoay sở, mỗi năm tổ chức chừng hơn một tháng mà còn vất vả tìm tài trợ để duy trì.
Làm bóng đá chuyên nghiệp không phải cứ muốn là được, và cho đến nay, bóng đá Việt Nam vẫn cứ trong tình trạng “tít mù rồi lại vòng quanh” như thế.
Vậy mới nói, bằng niềm đam mê của mình, hệ thống đào tạo vẫn vun trồng được những tài năng, nhưng cái kết của niềm vui ấy lại nhiều khi toàn vị chát.
Long Khang
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất