21/10/2015 05:46 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - Vắt qua tuổi 19 các VCK U21 QG – Báo Thanh Niên đã được tổ chức, tuy nhiên, có cảm giác như bóng đá trẻ Việt Nam chưa thoát được căn bệnh thành tích thâm căn cố đế của nền bóng đá.
Từ mô hình U21 + 3
Những năm đầu tiên khi giải bóng đá trẻ uy tín bậc nhất nền bóng đá này được phôi thai, nhà tổ chức (VFF và Báo Thanh Niên, giờ là Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên – PV) mặc định độ tuổi VĐV là 22 trở xuống, dù tên gọi là U21 QG. Và ở tuổi 19, khi độ tuổi được quy định bắt buộc là dưới 21, thì một đội bóng vẫn được phép đăng ký thêm 3 cầu thủ 22 tuổi. Theo giải thích của người trong cuộc, đây là một trong những phương thức nhằm tăng tính hấp dẫn cho giải đấu.
Tuy nhiên, một bất cập khác không biết hỏi ai, đấy là việc tất cả các đội bóng giành quyền tham dự VCK (8 đội, bao gồm đội chủ nhà và 7 đội khác phải trải qua vòng đấu loại), vẫn chủ ý kéo các ngôi sao trên đội 1, thậm chí đã và đang khoác áo các ĐTQG còn trong độ tuổi, để tăng sức mạnh cho tuyến U21. Sự có mặt của các ngôi sao gắn mác ĐT, đương nhiên làm tăng tính quảng bá cho giải đấu. Nhưng, về lâu dài, nó hoàn toàn không có lợi cho sự phát triển của nền bóng đá.
Trả lời thắc mắc của Thể thao & Văn hoá, Phó TTK VFF đồng thời là Phó BTC giải, ông Dương Nghiệp Khôi cho rằng, bóng đá quốc tế cũng không thiếu những trường hợp như thế, nên không có vấn đề gì cả? “Được tham dự VCK U21 QG, cầu thủ trẻ có cơ hội được triệu tập bổ sung các ĐT U23 QG hoặc Olympic Việt Nam, tham dự các giải đấu quốc tế. Và thực tế, không hiếm các trường hợp lên Tuyển từ giải đấu trẻ uy tín này”, ông Dương Nghiệp Khôi nói.
Đấy không được cho là lời giải thích thoả đáng, bởi khi V-League và hạng Nhất đã có chủ trương hạn chế suất đăng ký ngoại binh và “tây” nhập tịch, hòng tạo nhiều hơn cơ hội ra sân cho cầu thủ trẻ trưởng thành từ lò đào tạo CLB, thì chẳng có lý gì một giải đấu dành cho các tuyến trẻ lại bắt các ngôi sao đã thành danh phải quay lại phục vụ lợi ích của người lớn, dù họ đã vừa trải qua một giải đấu kéo dài, cũng như các trận đấu quốc tế cấp ĐTQG. Đấy là chưa kể đến các viện binh khác.
Và sự vắng mặt khó hiểu của PVF và Viettel
Những năm vừa qua, ngoài việc Học viện HAGL Arsenal JMG đã trình làng một lứa cầu thủ trẻ đầy tiềm năng, lứa của những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Đông Triều, Văn Toàn,… thì các lò đào tạo khác như PVF và Viettel cũng dần khẳng định được vị thế trong hệ thống các giải bóng đá trẻ Việt Nam, từ U13 – U19 QG. Tuy nhiên, thật trùng hợp khi cả 2 lò đào tạo này lại không thể giành quyền dự VCK U21 QG – Cúp CLEAR Men 2015, sau khi thất bại ở vòng loại.
Tại chiến dịch vòng loại, Viettel nằm ở bảng A có sự tham dự của đương kim á quân Hà Nội T&T và Nam Định, họ chỉ về nhì và tuột mất cơ hội cọ xát quan trọng. Cùng chung số phận với Viettel, PVF đã không thể giành ngôi nhất bảng D (do Sanatech Khánh Hoà làm bảng trưởng). Nhưng, bất ngờ thậm chí còn lớn hơn khi lần đầu tiên trong lịch sử giải đấu tuổi 19, đương kim vô địch không thể qua được vòng đấu loại. Đấy là U21 SLNA tại bảng B do chính họ làm bảng trưởng.
Rõ ràng, thành tích tại các sân chơi trẻ chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để quyết định thành công ở tầm cao hơn. Đầu ra và là môi trường phấn đấu, tầm vóc sân chơi có mang tính tiên quyết. Hãy cứ soi vào lứa của Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh,… của HAGL đã nhọc nhằn đến đâu trong việc tìm vé trụ hạng V-League 2015 làm ví dụ. Dù trước đó và thậm chí ngay lúc này, họ vẫn nhận được rất nhiều kỳ vọng. Bóng đá có sự sàng lọc tự nhiên, giống như bao địa hạt khác của xã hội vậy thôi.
VCK U21 QG – Cúp CLEAR Men 2015 sẽ khởi tranh trên SVĐ Thống Nhất, TP.HCM từ ngày mai (22/10 – 1/11, trong khi, giải U21 quốc tế - Cúp CLEAR Men sẽ diễn ra vào cuối tháng 11/2015.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất