Bi kịch của nhà văn Harper Lee: Bị 'cướp… con chim nhại'

11/07/2013 12:57 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Ít ai ngờ sau một cuộc đời lừng lẫy, nữ nhà văn Harper Lee, 87 tuổi, lại phải đấu tranh để giành lại bản quyền cuốn tiểu thuyết đã giúp bà nổi tiếng thế giới - Giết con chim nhại (To Kill A Mockingbird).

Theo Vanity Fair, trong đơn kiện được trình lên tòa án ở Manhattan, Los Angeles hồi tháng 5, Lee tuyên bố bà đã bị lừa ký giấy đồng ý nhượng quyền sở hữu tác phẩm cho người đại diện văn học của mình tên là Samuel Pinkus. Pinkus là một người cộng sự và bạn thân tín lâu năm của Lee.

Cướp con chim nhại?

Đây không phải là chuyện nhỏ: nửa thế kỷ đã qua từ khi sách được xuất bản lần đầu và mỗi năm Giết con chim nhại vẫn "lặng lẽ" bán được 750.000 bản. Vào năm 2009, cuốn sách từng thu về 1,6 triệu USD trong vòng 6 tháng, theo một khảo sát ngẫu nhiên. Khi ra mắt vào năm 1960, cuốn sách lập tức nổi tiếng và được trao giải Pulitzer vào năm 1961.

Dù cuốn sách vẫn lừng danh, tác giả của nó đang sống khiêm tốn và ẩn dật ở vùng quê Monroeville, bang Alabama (Mỹ), trong một trung tâm chăm sóc người cao tuổi. Thỉnh thoảng người ta thấy bà cho vịt ăn hoặc chơi bài tại một sòng bạc gần đó.

Đó là sòng bạc Wind Creek Casino & Hotel có phong cách Las Vegas, nơi không ai nhận ra bà là nhà văn nổi tiếng. Mấy năm trước Lee còn dành nhiều giờ mỗi ngày để chơi, trước khi bà quá yếu.

Hiện nay, sức khỏe của bà đã giảm sút nhiều: thị lực giảm, thính lực hỏng, và theo một người bạn thì bà đang dần bị liệt bên trái và bắt đầu bị lẫn. "Trí nhớ ngắn hạn của bà không tốt lắm, nhưng trí nhớ dài hạn thì vẫn tốt" - một người bạn học của Lee tên là George Thomas Jones nói với nhà báo Mark Seal của Vanity Fair. Năm 2007, Lee còn bị đột quỵ.

Sau đó, tạp chí Vanity Fair đã phát hiện ra rằng, trong tình trạng không minh mẫn đó, Lee đã ký tên chuyển nhượng bản quyền cuốn tiểu thuyết, tác phẩm nổi tiếng nhất và cũng là duy nhất bà từng viết ra trong đời.

Cũng vì thị lực giảm nên Lee chỉ đọc được những tài liệu được in chữ thật to. "Bà ấy không nhớ nhiều thứ và có thể ký vào bất kỳ thứ gì mà bất kỳ ai đặt trước mặt bà" - Vanity Fair trích lời một người bạn khác của Lee.

Theo bài báo, với việc ký kết này, Lee đã bị người chủ hãng đại diện là Samuel Pinkus - một người vốn được bà tin tưởng - lợi dụng. Tờ tạp chí dành đến 11 trang để kể câu chuyện này trong số mới nhất sắp ra vào tháng 8. Bài báo mang tên To Steal A Mockingbird? (Cướp con chim nhại?).

Tình thân tan vỡ vì toan tính

Trước đây, đại diện văn học của Harper Lee là một người bạn đáng tin cậy và một người đọc quan trọng của Giết con chim nhại ngay từ khi tác phẩm còn chưa hoàn thành.

Sau khi người bạn này qua đời, trong một thời gian dài hãng M&O đảm nhận công việc này và làm rất tử tế. Nhưng về sau, khi người chủ hãng già đi và ốm yếu, người con rể của ông này là Samuel Pinkus đã tiếp quản và có cách hành xử vô đạo đức.

Pinkus đã xoay sở để chuyển quyền sở hữu một số tác phẩm văn học, trong đó có Giết con chim nhại, sang hãng riêng của anh ta là Veritas Media, Inc. bằng nhiều thủ thuật tài chính. Pinkus chính thức sở hữu Giết con chim nhại từ 5 năm trước.

Hiện, vụ kiện hồi tháng 5 được thực hiện với danh nghĩa Harper Lee đã thành công và bản quyền cuốn sách đã trở lại với bà. Đích thân Pinkus đã ký nhượng lại cho Lee. Trong đó, Lee cũng được bồi thường số lợi nhuận có được từ cuốn sách, nhưng khoản tiền không được tiết lộ.

Trong một thời gian dài, Lee đã rất tin và yêu quý Pinkus. Một dẫn chứng là khi được Tổng thống Bush trao tặng Huân chương Tự do vào năm 2007, bà đã trao lại cho Pinkus giữ. Việc bị Pinkus lừa trong những năm gần cuối đời cũng là một bi kịch đối với nữ nhà văn.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm