Haruki Murakami không giành Nobel 3 năm liền: Đừng tin vào cá cược!

11/10/2014 07:06 GMT+7 | Đọc - Xem

(giaidauscholar.com) - Bắt đầu từ năm 2012, tác gia Nhật Bản được độc giả Việt Nam mến mộ liên tiếp “dẫn đầu” cuộc đua đến giải Nobel Văn chương, đồng nghĩa với việc luôn đứng đầu danh sách cá cược. Nhưng ông chưa một lần chiến thắng.

Phải nói ngay rằng danh sách cá cược là thứ không hề đáng tin và giải thưởng mà Viện Hàn lâm Thụy Điển trao hằng năm không vận hành theo một logic chung với danh sách cá cược. Ít nhất điều này đủ để tạp chí Time viết một bài khuyến cáo độc giả, ngay trước thềm giải Nobel năm nay: “Đừng mất công cá cược vào giải Nobel Văn chương”.

Về phần mình, Haruki Murakami đã đứng đầu danh sách cá cược của các năm 2012, 2013, 2014. Nhưng người thắng Nobel lần lượt trong các năm đó là Mạc Ngôn (Trung Quốc), Alice Munro (Canada) và Patrick Modiano (Pháp).

Cá cược không phải cơ sở vững chắc

Các “Harukist” - tên gọi toàn cầu dành cho những độc giả trung thành của Murakami, đã lần lượt hồi hộp và lần lượt thất vọng. Trong số đó,có những người vẫn miệt mài đặt cược vào Murakami trong suốt 3 năm, dù họ không hiểu rõ tiêu chí của giải Nobel Văn chương là gì.

Năm 2011, một trong những người “dẫn đầu” cuộc đua cá cược là... danh ca Bob Dylan người Mỹ. Nguyên nhân do người hâm mộ của ông cho rằng ca từ các bài hát mà ông viết xứng đáng trao giải Nobel. Báo chí cũng đã chế nhạo việc này, coi hy vọng của người hâm mộ Dylan thật hoang đường, là ví dụ cho thấy cá cược giải Nobel Văn chương thật vô bổ.


Nhà văn Haruki Murakami, tác giả Rừng Nauy, vẫn “vô duyên” với giải Nobel Văn chương

Nhưng năm sau, Dylan vẫn tiếp tục có tên trong danh sách cá cược, dù không đứng ở vị trí cao.

Trang New Republic đã tiến hành một khảo sát so sánh giữa danh sách người thắng và người được cá cược nhiều nhất ở giải Nobel Văn chương trong 10 năm, từ 2004 đến 2014. Khảo sát cho thấy rằng duy nhất 1 trong 10 lần cá cược có kết quả đúng. Đó là năm 2004, khi nhà văn Orhan Pamuk (đã được dịch ở Việt Nam) thắng giải.

Tỷ lệ thấp cho thấy danh sách cá cược rất hiếm khi chính xác, không xứng là một cơ sở để người hâm mộ dựa vào mà nuôi hy vọng.

“Nhược điểm” sách bán chạy

Theo Time, các bảng cá cược có xu hướng đặt vào những nhà văn nổi tiếng, có truyền thống được các giải thưởng ưa chuộng, đồng nghĩa với việc văn chương ít mạo hiểm hơn so với người chiến thắng thực tế. Ví dụ Adonis, nhà thơ Syria đã được công nhận rộng rãi, cũng được cá cược nhiều không kém Murakami. Ông từng 3 lần dẫn đầu trong bảng cá cược, nhưng chưa từng chạm tới giải Nobel.

Trong khi đó, giải Nobel thường được trao cho các nhà văn gây tranh cãi như Harold Pinter (Nobel 2005), hoặc viết trần trụi gây sốc như Elfreide Jelinek (Áo, Nobel 2004) hay tối tăm mờ mịt như Jean-Marie Gustave Le Clézio (Pháp, Nobel 2008). Sách bán chạy, gây sốt và Nobel hiếm khi gặp nhau.

Riêng trường hợp Murakami, một nhà văn có đông độc giả trung thành ở Nhật Bản, Việt Nam và nhiều nước châu Á, tác phẩm của ông có một nhược điểm là… bán rất chạy. Doanh số tiểu thuyết mới của ông thường lên đến hàng triệu bản, chỉ trong thời gian ngắn.

Bản thân nhà văn từng nói với tờ New Yorker hồi năm 2012: “Nếu bạn là nhà văn và bạn có độc giả, tức là bạn đã có tất cả. Bạn không cần thêm nhà phê bình hay các bài phê bình”. Ông cũng có tuyên bố về khả năng đoạt giải Nobel: “Không, tôi không muốn giải thưởng. Điều đó cho thấy sự nghiệp của bạn đã xong xuôi rồi”.

Người ta nhắc nhiều đến tính chính trị của Nobel Văn chương, nhưng điều này không phải bao giờ cũng được thể hiện rõ rệt. Về danh nghĩa, giải Nobel Văn chương trao cho cá nhân vì một thành tựu nào đó có ý nghĩa nhân loại, không phải cho cả một đất nước.

Khi Mạc Ngôn đoạt giải Nobel năm 2012, Trung Quốc cho rằng đó là minh chứng cho “quyền lực văn hóa” của đất nước này. Nhưng với các quốc gia phương Tây, nhất là châu Âu (người châu Âu chiếm 69% của giải), họ tập trung nhiều hơn đến khía cạnh cá nhân nhà văn.

Dẫn chứng là khi Modiano đoạt giải Nobel năm nay, người ta bàn nhiều đến sự nghiệp, lối viết, con người ông, ít thấy nhắc đến việc ông đã nâng tầm “quyền lực văn hóa” cho nước Pháp như thế nào.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm