24/11/2011 19:36 GMT+7 | Âm nhạc
(TT&VH Online) - Hát Xoan đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới cần bảo vệ khẩn cấp vào trưa hôm nay (24/11) theo giờ Việt Nam. Để có được danh hiệu này là cả một quá trình đầy gian nan.
Khai thác "mỏ quặng" dân gian
Nhiều nhà nghiên cứu văn hoá dân gian một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đã có ý định tìm hiểu về hát Xoan và xem đây là một loại hình nghệ thuật đặc biệt - hiện thân của vùng văn hoá thời kỳ lúa nước với những hình thức diễn xướng độc đáo và ấn tượng. Tuy nhiên, những hoạt động đó đến nay vẫn đơn thuần diễn ra trong phạm vi của địa phương, chưa có những nghiên cứu tổng thể.
Hát Xoan chỉ thực sự được bạn bè và giới nghiên cứu văn hóa khu vực biết đến thông qua chương trình phục vụ hội thảo âm nhạc dân gian quốc tế được tổ chức tại Thái Lan vào tháng 9-2005. Qua phần thể hiện mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, vừa có nét sơ khai dân dã, vừa có sự chau chuốt công phu, đoàn nghệ thuật dân gian hát Xoan Việt Nam đã được đông đảo khán giả Thái Lan, các nhà nghiên cứu về âm nhạc, ngôn ngữ, dân tộc học đón nhận và cổ vũ nhiệt tình. Sau khi xem hát Xoan, giới nghiên cứu nước ngoài đã đánh giá: “Chương trình diễn xướng dân gian của âm nhạc nghi lễ hát Xoan đã cho mọi người hiểu được “tầng sâu” của nền văn hoá Việt Nam mang đậm bản sắc dân tộc”.
Ngay sau đó, để có được một chương trình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam và văn hoá vùng đất Tổ giới thiệu đến bạn bè quốc tế. Ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ đã tập trung khai thác, sưu tầm các làn điệu Xoan cổ. Trên cơ sở đó có chỉnh lý, cải biên để loại hình nghệ thuật này có thể đi vào đời sống xã hội một cách hiệu quả nhất. Ngành đã tổ chức tập huấn về nghệ thuật hát Xoan cho trên 100 hạt nhân văn nghệ cơ sở. Tổ chức trình diễn hát Xoan phục vụ giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm. Ngành phối hợp với UBND huyện Phù Ninh tổ chức liên hoan tiếng hát làng Xoan, thu hút sự tham gia của hơn 200 nghệ nhân, diễn viên không chuyên của 15 làng Xoan.
Tiếp đó, ngành đã tổ chức chương trình giao lưu 3 phường Xoan gồm: Xoan Kim Đới, Xoan Thét và Xoan An Thái, thuộc xã Phượng Lâu (thành phố Việt Trì), thu hút sự tham gia của đông đảo nghệ nhân và diễn viên không chuyên của các làng Xoan. Tại liên hoan hát Xoan dân tộc Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức tại Đồng Mô, phường Xoan An Thái, thành phố Việt Trì cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mời biểu diễn phục vụ chương trình khai mạc, để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả.
Thành công bước đầu trong việc đưa dân ca Xoan giới thiệu với bạn bè trong và ngoài nước không chỉ khẳng định dân ca Xoan Phú Thọ đã được hình thành và phát triển từ thời kỳ đầu sơ khai của Nhà nước Văn Lang mà nó còn khẳng định sức sống lâu bền của loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, tiêu biểu này trong đời sống văn hoá, tâm linh, tín ngưỡng của cư dân Phú Thọ.
Hành trình trở thành Di sản thế giới
Nhận thức rõ giá trị hát Xoan, tỉnh Phú Thọ đã đề nghị Chính phủ phê duyệt chương trình xây dựng hồ sơ khoa học “Hát Xoan Phú Thọ” để trình UNESCO xem xét, ghi nhận di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Sau đó, Chính phủ đã đồng ý lập hồ sơ cho di sản hát Xoan.
Từ tháng 8-2009, tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng UNESCO tổ chức các cuộc hội thảo về loại hình nghệ thuật này. Đồng thời, lập hồ sơ xem xét công nhận đây là di sản văn hóa phi vật thể thế giới cần được bảo vệ khẩn cấp, dựa trên các tiêu chí độc đáo ở lời ca, giai điệu, làn điệu và tính trung thực của hát Xoan.
Hồ sơ hát Xoan được gửi tháng 3-2010 và đến tháng 8-2011, nước ta nhận được ý kiến đánh giá của các chuyên gia quốc tế. Các chuyên gia đánh giá cao giá trị di sản hát Xoan, ghi nhận những cố gắng của cộng đồng tỉnh Phú Thọ bảo vệ di sản những năm gần đây và khuyến nghị UNESCO ghi nhận đề cử của Việt Nam. Và hát Xoan đã được ghi nhận ngày hôm nay 24-11.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất