01/05/2016 18:31 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Một mùa giải Cánh diều lại kết thúc, giải đã chia đều, ai về nhà nấy hôm 20/4. Tất nhiên, chẳng giải thưởng nào có thể làm hài lòng tất cả mọi người, ngay cả Oscar vẫn có năm làm số đông thất vọng. Nhưng về cơ bản một giải thưởng uy tín, vẫn khiến người ta khát khao, mong ngóng nó, chứ không phải hoang mang về nó.
Tiếc là các giải thưởng điện ảnh tại Việt Nam hiện nay chưa làm được điều này.
Tâm thế đi dự giải của nghệ sĩ Việt Nam rất khác. Đơn cử như Cánh diều, nghệ sĩ phải biết trước có giải mới đi, mà lấy xong giải là về thẳng chứ không mấy khi nán lại tới cùng. Năm nay, khi Lễ trao giải Cánh diều trao được một nửa số giải thì ở hàng ghế phía dưới, số người ngồi lại chỉ còn phân nửa.
Tâm lý người nhận các giải thưởng điện ảnh ở Việt Nam cũng rất lạ, lúc nào cũng ở tình trạng lưỡng phân. Một mặt họ tỏ ra bất cần, “tôi lao động không phải vì giải thưởng”, nhưng mặt khác họ cũng rất cần có giải để tăng thêm giá trị tên tuổi bản thân, nhờ thế mà công việc thuận lợi hơn. Những nghệ sĩ trẻ chưa có “số má” càng khát khao giải thưởng. Chuyện bỏ tiền ra mua giải không phải hiếm. Vì có giải thì mới có thêm vai, có hợp đồng quảng cáo.
Có những nghệ sĩ “thề” lần sau sẽ không dự giải nữa, nhưng cuối cùng vẫn cần giải thưởng, vì họ không thể đi chệch ra khỏi guồng quay chung.
Huống gì nghề nghiệp nào chẳng cần thi thố, lấy giải. Các cuộc thi không chỉ là nơi đọ tay nghề, còn là cơ hội cọ sát, học hỏi, hiểu được đồng nghiệp mình đang làm gì, mình đang đứng ở vị trí nào. Giải thưởng được trao xứng đáng sẽ động viên người làm nghề tiếp tục cống hiến, sáng tạo. Giải thưởng cũng góp phần chỉ ra những xu hướng mới, gợi ý cho người làm nghề.
Nhưng các giải thưởng ở Việt Nam hiện nay lại có xu hướng chấm giải khiến người làm nghề hoang mang. Mỗi giải thưởng có một thước đo riêng, nhưng hệ đo lường rất “co giãn”, không biết đường nào mà lần.
Đo bằng thước nào?
Năm nay, bộ phim Mỹ Revenant không đoạt giải Phim xuất sắc tại Oscar, nhưng đã giành được các giải quan trọng: Đạo diễn xuất sắc, Nam chính xuất sắc, Quay phim xuất sắc… Ở giải BAFTA và giải Quả cầu vàng, kết quả cũng chỉ khác với Oscar chút xíu, khi Revenant đã được trao giải Phim xuất sắc, cùng các giải phụ khác.
Điều này cho thấy, dù mỗi giải thưởng có tiêu chí chấm giải khác nhau, nhưng “con mắt xanh” với phim tốt không thể khác nhau nhiều đến mức một trời một vực.
Lượng phim Việt sản xuất ra một năm không nhiều. Hai năm trở lại đây lượng phim tăng đột biến, nhưng cũng chỉ được tới 30-40 phim/năm. Để lựa chọn ra phim tốt trong số phim này đi dự thi còn ít nữa. Nói thế để thấy dù LHP Việt Nam tuyển phim trong vòng 2 năm, hay Cánh diều tuyển phim trong vòng 1 năm, thì cũng chỉ có một lượng phim tốt đếm trên đầu ngón tay để chọn đi thi thố mà thôi.
Nhưng cách trao giải của LHP Việt Nam và Cánh diều không khác gì “ông nói gà, bà nói vịt”.
Đơn cử Trúng sốtừng được Cục Điện ảnh chọn là phim đại diện cho Việt Nam gửi đi dự Oscar năm 2015, cho thấy Cục đánh giá cao phim này hơn số phim còn lại trong năm. Tuy nhiên khi dự thi LHP Việt Nam 19 (do Bộ VH,TT&DL và Cục Điện ảnh tổ chức tháng 12/2015) phim này không đạt được bất cứ giải thưởng quan trọng nào.
Tới Lễ trao giải Cánh diều 2015 của Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức hôm 20/4, Trúng số lại được trao giải cao nhất: Cánh diều vàng Phim xuất sắc, ngoài ra còn thêm giải Nữ diễn viên chính xuất sắc.
Khi chỉ có rất ít phim để chọn, mà mỗi giải lại chọn một phim khác nhau để trao giải, với tiêu chí rất khác nhau chỉ khiến khán giả thêm hoang mang, khiến người làm nghề bị tổn thương.
Một đạo diễn chuyên làm phim chiến tranh đã rất buồn bực khi phim của anh đoạt Bông sen vàng tại LHP Việt Nam, nhưng tới Cánh diều phim chỉ nhận được một giải phát sinh vào phút cuối dành cho dòng phim chiến tranh cách mạng.
Năm nay giải Cánh diều đặc biệt gây hoang mang khi trao liền một lúc 3 giải Cánh diều bạc cho 3 phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (đạo diễn Victor Vũ), Người trở về (đạo diễn Đặng Thái Huyền), Cuộc đời của Yến (đạo diễn Đinh Tuấn Vũ).
Nếu để so sánh thì tay nghề của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ vẫn còn thua xa 2 đạo diễn còn lại, nhưng anh đã được trao thêm Cánh diều vàng Đạo diễn xuất sắc.
Cuộc đời của Yếnlà một bộ phim buồn tẻ, có kết cấu lỏng lẻo, cho thấy một sự bối rối không hề nhẹ của Đinh Tuấn Vũ trong việc dựng phim.
Đạo diễn Phi Tiến Sơn trong cuộc tọa đàm hậu Cánh diều do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức đã nói ông khá bức xúc với cách phim xây dựng hình tượng người phụ nữ nhẫn nhục, chịu đựng. Dù Phi Tiến Sơn không nêu đích danh phim nhưng ai cũng hiểu anh nói về Cuộc đời của Yến. “Phim xây dựng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam nhẫn nhục, chịu đựng, khổ sở... kiểu nhân vật đó quá cũ rồi, cách làm phim cũng quá cũ. Hình tượng nàng Kiều như vậy không còn phù hợp nữa, bây giờ khán giả cần những câu chuyện mới hơn, mạnh mẽ hơn”.
Chính những người trong nghề cũng được dịp kiểm nghiệm chất lượng của các giải thưởng khi đem phim đoạt giải trong nước đi ra nước ngoài. LHP Việt Nam tại Pháp, trong khuôn khổ sự kiện Năm Việt Nam tại Pháp diễn ra tháng 7/2014, không phải Thiên mệnh anh hùng, Khát vọng Thăng Long, Scandal: Bí mật thảm đỏ, những bộ phim đoạt nhiều giải thưởng trong nước đoạt giải. Mà BGK (gồm cả người Việt, người Pháp) đã chấm Phim xuất sắc là Tâm hồn mẹ, một bộ phim gần như không được chú ý tại các giải thưởng điện ảnh trong nước. Trước đó, bộ phim đã được mời dự thi LHP Dubai và giành 1 giải Nữ diễn viên chính xuất sắc.
Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất