'Hậu duệ mặt trời' bị 'tố' phi thực tế

11/04/2016 07:16 GMT+7 | Phim

(giaidauscholar.com) - Hậu duệ mặt trời (Descendants of the Sun) lập kỷ lục rating ở Hàn Quốc, Trung Quốc khi sắp phát sóng những tập cuối vào tuần này. Tuy nhiên, không phải khán giả nào ở “xứ kim chi” cũng “phát cuồng” với câu chuyện lãng mạn trong phim. Thậm chí, nhiều người đánh giá phim phi thực tế.

Lee Soo Yeon, một nhân viên văn phòng 27 tuổi ở Seoul, không thể chịu đựng nổi khi xem phim. “Tôi nghĩ loạt phim này có nhiều rất thứ mà tôi không hề thấy hoặc đạt được trong cuộc sống thực tế, chẳng hạn như ý thức về công lý, trách nhiệm và lòng vị tha. Trên tất thảy, phim quá lãng mạn” - Lee Soo Yeon nói với tờ Korea Herald.

Phim có những gì mà xã hội Hàn Quốc... đang thiếu

16 tập phim Hậu duệ mặt trời, kể về mối tình lãng mạn giữa chàng đại úy Yoo Si Jin (Song Joong Ki) là Đội trưởng đội Alpha có nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Anh thực hiện những nhiệm vụ vô cùng hiểm nguy và bí ẩn; được cử tới đất nước bị chiến tranh tàn phá có tên hư cấu là Uruk. Tình cờ Yoo Si Jin gặp lại nữ bác sĩ Kang Mo Yeon (Song Hye Kyo) của đội tình nguyện thuộc bệnh viện Heasung được cử tới Uruk.


Những anh lính có thân hình cường tráng trong phim “Hậu duệ mặt trời” khiến nhiều fan nữ mê mẩn

Với thành công vang dội cả ở trong nước và hải ngoại, Hậu duệ mặt trời còn được xem là “cú hích” đáng kể cho nền kinh tế và du lịch xứ Hàn, khi bản quyền phát sóng phim đã được bán cho hơn 30 nước. Còn các điểm quay phim đã trở thành điểm đến hút du khách. Tuy nhiên, giới phê bình cho rằng phim chỉ phản ánh những gì mà xã hội Hàn Quốc... đang thiếu.

“Tôi nghĩ nhân vật chàng đại úy do Song Joong Ki thủ diễn rất tuyệt vời. Anh ấy có khả năng, dũng cảm và chính trực” – nhận định của nhà hoạt động Lim Tae Hun, người phụ trách Trung tâm Nhân quyền Quân đội - “Chỉ có điều, trong quân đội Hàn Quốc hiện nay hầu thư không tồn tại một người lính như anh”.

Trong phim, đại úy Yoo có tình cảm gắn bó với các đồng đội của mình, song theo Lee Tae Hun, các mối quan hệ như vậy rất xa với thực tế.

“Tôi muốn nói rằng, hệ thống quân sự của Hàn Quốc có một sự phân cấp chặt chẽ. Bạn không được lựa chọn bỏ quân ngũ trong khi đang thực hiện nghĩa vụ quân sự, trừ khi bạn muốn... ngồi tù” - Lee Tae Hun nói.

Ở Hàn Quốc, người trốn nghĩa vụ quân sự sẽ bị phạt 1 năm tù. Thực hiện nghĩa vụ quân sự là một nhiệm vụ bắt buộc chứ không phải là hành động mang tính... anh hùng.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia khác lại cho rằng loạt phim Hậu duệ mặt trời quảng bá tính gia trưởng và chủ nghĩa dân tộc. Loạt phim này đã được Tổng thống Park Geun Hye ca ngợi và bà cho rằng, phim có thể góp phần “thấm nhuần tinh thần yêu nước” trong người trẻ Hàn Quốc.

Lời thoại cũng bị phê phán

Nhiều nhà phê bình loạt phim này còn phê phán các lời thoại trong phim thể hiện rõ sự phân biệt đối xử, trong khi nhiều phần thoại gây khó chịu.

Trong bài bình luận đăng tải trên một tờ nhật báo địa phương hồi tháng trước, nhà phê bình phim Hwang Jin Mi chỉ ra rằng, nhân vật Yoo thường đưa ra những lời nói phân biệt giới tính. Trong phim, có đoạn Yoo nói: “Bảo vệ trẻ em, người già và phụ nữ xinh đẹp là nhiệm vụ của tôi” - Hwang Jin Mi viết - “Tại sao là “những người phụ nữ xinh đẹp” chứ không phải là phụ nữ nói chung?”.


Yoo Si Jin và Kang Mo Yeon trong một cảnh phim lãng mạn

Hwang Jin Mi còn nhận định, nữ bác sĩ phẫu thuật Kang được mô tả là một người phụ nữ độc lập, có khả năng, người cung cấp các hỗ trợ y tế cho các nạn nhân thảm họa ở Uruk, tuy nhiên cô luôn được đại úy Yoo giải cứu bất cứ khi nào rơi vào tình huống đe dọa tới tính mạng.

Những tình huống này cũng khá... phi thực tế, và được giải quyết một cách đơn giản đến bất ngờ. Có thể cả ra đây những chi tiết như khi bác sĩ Kang lái xe lao xuống vực, Yoo và Kang lạc vào bãi mìn hay kể cả trường đoạn Kang bị Ryan August bắt cóc và được Yoo giải cứu quá dễ dàng...

Còn nhà phê bình văn hóa Lee Moon Won nói, phim đặc biệt nhắm tới đối tượng khán giả nữ. “Hầu hết đàn ông Hàn Quốc, đặc biệt là những người từng phục vụ quân đội không xem các loạt phim truyền hình mô tả những người đàn ông mặc áo lính. Hầu hết họ chẳng thích thú gì khi xem đồng đội huấn luyện trong quân đội. Đây là một trải nghiệm mà họ không muốn bị gợi lại.

Tôi cho rằng, loạt phim này đáp ứng sự tưởng tượng của khán giả nữ, đặc biệt là những nhân vật nam cường tráng mặc quân phục, vừa hết sức chu đáo vừa lãng mạn”.

 “Tôi nghĩ, nhiều khán giả nữ nhận thấy những người đàn ông gia trưởng hấp dẫn, đặc biệt là những người có tài, thân hình cường tráng và có trách nhiệm. Trong bối cảnh nền kinh tế và thị trường việc làm ở Hàn Quốc trì trệ như hiện nay, thật khó tìm được những “siêu nhân” có phẩm chất như vậy. Tôi nghĩ, sự mến mộ dành cho các nhân vật lính mạnh mẽ trong phim phản ánh sự bất an và mối lo âu chung của phụ nữ” - Lee Moon Won nói.

Việt Lâm (theo Korea Herald)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm