10/11/2008 04:36 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Chậm hơn dự kiến, ngày 17/11 tới, bộ phim Gió làng Kình (đạo diễn: Nguyễn Hữu Phần, biên kịch: Phạm Ngọc Tiến) mới ra mắt khán giả trên kênh VTV1. Với ê – kíp chủ yếu từng tham gia “Ma làng”, liệu bộ phim về đề tài nông thôn thời kỳ đổi mới này có gây sốt?
* Ma làng đã từng để lại dấu ấn trong lòng khán giả. Ông nghĩ có quá mạo hiểm khi thực hiện bộ phim mới với ê – kíp cũ: biên kịch Phạm Ngọc Tiến, diễn viên chính Bùi Bài Bình, Hồng Sơn… đến cả phần âm nhạc cũng vẫn là nhóm Hồn tretừng làm nhạc phim Ma làng?
Đúng là có mạo hiểm. Tôi không khắt khe với diễn viên trẻ, nhưng bản lĩnh diễn viên vô cùng quan trọng. Diễn viên Hồng Sơn trước kia từng quen thuộc với những vai bộ đội, chính ủy, còn ở trong “Ma làng” là một Hồng Sơn hoàn toàn khác. Diễn viên Bùi Bài Bình cũng bị “đóng đinh” vào dạng vai những gã trí thức dở hơi cho đến Ma làng. Song với Gió làng Kình, có thể nói, vai Khuếch của Bùi Bài Bình hoàn toàn thuyết phục và không hề lặp lại.
Tôi nghĩ khán giả sẽ vẫn thích những nhân vật này… Âm nhạc trong phim từ xưa tới nay vẫn được đầu tư một cách thảm hại mà chúng tôi thường gọi là “nhạc ngăn kéo”, tức là dùng những tác phẩm có sẵn. Nhưng ở một số phim gần đây, tôi chọn Hồn Tre với phần âm nhạc trình diễn bằng các nhạc cụ dân gian, rất hiệu quả. Ở Gió làng Kình không hoàn toàn là ê – kíp cũ mà có sự tham gia của đạo diễn trẻ Thọ Thịnh. Tôi già rồi, cậu ấy bổ sung cho phim những nét trẻ trung.
Cảnh trong phim Gió làng kình |
* Sau khi Ma làng trình chiếu, ông từng phàn nàn về chuyện kinh phí làm phim. Giờ với Gió làng Kình, chuyện “đầu tiên” này đã có gì thay đổi?
Thực ra, đó không phải là chuyện tiền nong. Đây là vấn đề về cơ chế. Tôi đã “kêu gào” nhiều lần rồi, nhưng đến giờ, mọi chuyện không hề có gì mới. Chi phí cho mỗi tập phim là hơn 60 triệu, trong đó một nửa số tiền này tính vào máy móc, thiết bị, lương… Thử hỏi, với chừng 30 triệu đồng ấy, chúng tôi xoay sở ra sao để “đẻ” ra một tập phim với thời lượng 50 phút. Từ trước tới nay, các nhà làm phim ở phía Bắc vẫn tự hào mà rằng mình hay hơn các đạo diễn phía Nam nhưng giờ phim của phía Nam được chú ý hơn. Không phải ngẫu nhiên Bỗng dưng muốn khóc trở thành hiện tượng. Tôi được biết, đoàn phim được hưởng chế độ đặc biệt hơn. Sắp tới, kinh phí làm phim có thể được tăng lên, 120 triệu đồng, thậm chí 150 triệu đồng. Nhưng tiền nhiều chưa chắc đã có phim hay, vì các đạo diễn hay hay dở đều đồng hạng… Chuyện này tôi đã nói không ít lần, Ma làng có tập phim thu về 750 triệu đồng quảng cáo, nhưng người “chạy” quảng cáo thì được 25% hoa hồng, còn đoàn phim thì không có đồng nào trong số tiền ấy. Thật bất hợp lý…
* Người ta vẫn gọi ông là “ông Phần nông thôn”, “ông Phần nhà quê”. Vì sao ông vẫn chưa “thoát” ra khỏi đề tài nông thôn đã quá quen thuộc?
Tôi đã có trong tay kịch bản phim về thành phố với một khu tập thể giống như một xã hội thu nhỏ. Tất nhiên, trước khi nói đến phim, phải có kịch bản thuyết phục. Mà kịch bản phim thì giờ khan hiếm quá.
* Xin cám ơn ông
Hoàng Lê (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất