Từ vụ khủng bố Boston: Các cuộc marathon an toàn đến đâu?

17/04/2013 07:25 GMT+7 | Thể thao

(giaidauscholar.com) - Bất chấp những nỗ lực tỉ mỉ của các quan chức an ninh, theo lời các nhà phân tích, những cuộc marathon là các sự kiện thể thao khó đảm bảo an toàn nhất.

Marathon Boston là một trong những sự kiện thể thao mang tính biểu tượng của nước Mỹ. Nhưng với 26,2 dặm đường chạy (42 km) xuyên qua ngoại ô và khu trung tâm đông đúc, đó cũng là một trong những sự kiện khó đảm bảo an toàn nhất.

Khó bảo đảm an toàn

“Đó là một sự kiện ngoài trời không thể kiểm soát lối ra vào: 26 dặm không gian mở cho tất cả mọi người”, Lou Marciani, giám đốc Trung tâm quốc gia an toàn và an ninh thể thao cho khán giả tại Đại học Southern Mississippi, cho biết.

“Chẳng ích gì nếu chỉ bảo vệ an ninh ở vạch đích”, Juliette Kayyem, cựu Giám đốc Sở an ninh nội địa của Thống đốc bang Massachusetts Deval Patrick, viết trên Twitter. Kayyem từng đảm bảo an ninh cho cuộc đua marathon này trong quá khứ. Hiểu rõ thách thức, những nhà tổ chức đã tiến hành rất nhiều chuẩn bị an ninh trước cuộc đua. Rất lâu trước khi bắt đầu, ban tổ chức phải tiến hành các cuộc họp lên kế hoạch, thành lập một đội phản ứng nhanh cũng như diễn tập cho các tình huống khẩn cấp.

Marathon Boston & con số

2 Là sự kiện thể thao lớn thứ hai diễn ra trong một ngày ở Mỹ xét theo lượng thông tin đưa trên báo chí, sau giải bóng bầu dục Mỹ Super Bowl.

117 Đây là sự kiện marathon thường niên lâu đời nhất thế giới. 2013 là năm thứ 117. 28.000 Số vận động viên đăng ký tham dự năm nay, gồm đại diện tất cả các bang của nước Mỹ và từ hơn 90 nước trên thế giới.

806.000 Tổng tiền thưởng bằng USD trong năm 2013.

“Mỗi người đều có nhiệm vụ của mình, cứu hỏa, quản lý tình trạng khẩn cấp, các nhân viên công lực, điều hành giải đấu và nhà chức trách thành phố”, Marciani nói. “Tất cả phải làm việc rất, rất lâu trước khi giải diễn ra”. Thành quả của những nỗ lực đó đã được thể hiện vào ngày hôm qua khi những cuộc tấn công diễn ra, dù đã có 3 người thiệt mạng và hơn 150 người bị thương. “Phản ứng là rất kịp thời”, Marciani nói, nhấn mạnh sự hợp tác giữa chính quyền liên bang, bang và địa phương.

Chiến lược an ninh là phải tập trung vào những đối tượng có thể bị coi là mối đe dọa. “Vấn đề là kiểm soát sự tiếp cận”, Marciani nói. Sẽ dễ dàng hơn nhiều cho việc kiểm soát ở các sân thể thao hay các sự kiện diễn ra trong không gian kín, nơi các nhân viên có thể lục soát từng người vào sân. Nhưng với không gian mở như các cuộc đua marathon thì khó hơn nhiều.

“Bất kỳ ai cũng có thể chạy chen vào giữa một cuộc marathon, đóng giả làm người chạy hay khán giả, và chúng tôi không cách gì biết được”, Marciani nói. Mỗi nguy hiểm lớn nhất là những người chạy gia nhập đoàn đua mà không đăng ký, những người chạy đường tắt, nhưng cũng phải nói thêm là những sự kiện bạo lực thể thao ở Mỹ là rất hiếm hoi.

Lo ngại cho Marathon London

Trước các vụ tấn công ngày thứ Hai ở Boston, mới có hai sự cố như thế trong lịch sử nước Mỹ. Năm 1996, 2 người thiệt mạng và 111 người bị thương khi một phần tử vũ trang chống phá thai cho nổ ba quả bom ống ở Olympic Atlanta. Năm 2005, một người đánh bom tự sát cho nổ chính anh ta, nhưng không làm ai khác bị thương, trong một trận bóng đá sinh viên ở Đại học Oklahoma. Marciani nói những vụ nổ ở Boston sẽ được phân tích kỹ ở trung tâm của ông để giúp tìm hiểu các biện pháp đảm bảo an ninh hiệu quả hơn cho tương lai.

Từ Anh, Bộ trưởng thể thao Hugh Robertson nói cuộc đua marathon London vẫn sẽ diễn ra như lịch trình và ông tự tin rằng an ninh sẽ được bảo đảm. London có “rất nhiều kinh nghiệm” trong việc tổ chức các sự kiện thể thao lớn và Anh là nơi có những nhân viên an ninh chuyên nghiệp nhất thế giới, ông Robertson nói. Giám đốc điều hành cuộc đua, Nick Bitel bày tỏ sự chia sẻ với các nạn nhân Boston, nhưng ông nói “khá chắc chắn” là cuộc đua tại Anh vẫn diễn ra.

Marathon London bắt đầu từ năm 1981 và năm ngoái có 37.000 người tham dự. Cuộc thi dự kiến diễn ra vào ngày 21/4 tới.

Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm