30/06/2019 19:18 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết được đánh giá là hết sức quan trọng và cũng là diễn biến tích cực thể hiện nỗ lực tiếp theo của Việt Nam khi hội nhập kinh tế quốc tế, sau hàng loạt hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương khác đã được ký kết. Đây cũng là cơ sở tạo sức ép cho doanh nghiệp Việt Nam tăng năng lực cạnh tranh khi thâm nhập vào thị trường châu Âu.
EVFTA là một FTA thế hệ mới với nhiều cam kết cao hơn quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về mở cửa thị trường, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường, phát triển bền vững, giải quyết tranh chấp. EU đã dành cho Việt Nam một số ưu đãi trong việc thực hiện EVFTA. Đây cũng vừa là thiện chí của EU, vừa thể hiện quan hệ tốt đẹp giữa hai bên.
Theo phân tích của GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, xét về thương mại và đầu tư thì cam kết của EU cho Việt Nam cao hơn cam kết của EU trong WTO và tương đương mức cao nhất của EU tại một số FTA mới. Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Ngược lại, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu.Với cam kết xóa bỏ hầu hết thuế xuất khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu sang EU và Việt Nam, các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các nhà phân phối, bán buôn bán lẻ trên thị trường, kể cả các nhà thầu sẽ được hưởng lợi rất nhiều trong hoạt động hợp tác thương mại và đầu tư.
"Đây là điều được mong đợi, nhất là trong bối cảnh trên toàn cầu đang diễn ra xung đột thương mại giữa một số nước lớn, tình hình kinh tế trong nước lại đang gặp nhiều khó khăn do diễn biến bất lợi của dịch bệnh, thiên tai, điều kiện thời tiết và biến đổi khí hậu," GS. Nguyễn Mại nhấn mạnh.
Cùng đồng tình quan điểm, bà Phạm Thị Dự, Giảng viên Khoa Kinh tế - Luật (Trường Đại học Thương mại) nhận định, các doanh nghiệp xuất khẩu đang kỳ vọng, EVFTA được ký kết và đi vào thực thi sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên EU tăng 50% vào năm 2020. Với những đặc điểm nổi bật, cơ cấu thương mại giữa hai bên có tính bổ sung lớn về lợi thế và nhu cầu xuất nhập khẩu, không những thế, ít mặt hàng mang tính đối đầu, cạnh tranh trực tiếp.
Đây chính là lý do khiến EVFTA luôn được tin tưởng sẽ mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho doanh nghiệp và người dân của cả hai bên. Tới đây, EU sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn và tiềm năng của nhiều hàng hóa Việt Nam, bà Dự cho hay.
Đánh giá về những lợi ích khi tham gia EVFTA, đại diện từ phía doanh nghiệp ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, với những cam kết về đổi mới thể chế, nhiều chính sách pháp luật của Việt Nam liên quan tới thương mại và đầu tư sẽ có những thay đổi theo hướng minh bạch hơn, thuận lợi hơn và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Nhờ đó, môi trường kinh doanh sẽ tiếp tục được cải thiện; lợi thế cạnh tranh lớn của hàng hóa Việt Nam trong ngắn hạn và trung hạn sẽ ngày càng được nâng lên so với hàng hóa của các nước ASEAN trên thị trường EU. Mặt khác, cơ hội phát triển của các ngành như thủy sản, dệt may, da giày và túi xách sẽ được mở ra ngày càng nhiều do có tới gần 90% các dòng thuế xuất khẩu được xóa bỏ hoàn toàn... Điều đặc biệt quan trọng là các doanh nghiệp sẽ có cơ hội được tiếp cận nguồn máy móc, thiết bị, công nghệ/kỹ thuật cao từ các nước EU. Qua đó, giúp nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm.
Ông Lộc phân tích, Hiệp định EVFTA được thực thi sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam được tiếp cận với khu vực kinh tế của 28 nước thành viên EU. Cùng với đó, hiệu ứng tích cực khi hàng hóa của các nước EU nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tạo sức ép cạnh tranh để doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh của chính mình. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một trong những thách thức mà nếu thiếu những giải pháp đúng đắn, các doanh nghiệp Việt Nam dễ có thể "chệch hướng" trước rất nhiều khó khăn khác.
Đi vào cụ thể, GS. Nguyễn Mại cho rằng, do không phải chịu thuế nhập khẩu nên hàng hóa của EU vừa có chất lượng tốt, vừa có giá cả cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của doanh nghiệp Việt Nam. Nếu doanh nghiệp nào không chịu đổi mới công nghệ, sáng tạo mẫu mã mới, nâng cao chất lượng sẽ phải chịu thua lỗ, thậm chí phá sản. EU lại rất nghiêm ngặt với hàng nhập khẩu, nên thường áp dụng rào cản kỹ thuật như đã sử dụng “thẻ vàng” đối với hàng thủy sản của Việt Nam hay luật chống bán phá giá để hạn chế tốc độ tăng trưởng hàng nhập khẩu từ một nước.
Theo GS. Nguyễn Mại, EU cũng đòi hỏi đối tác cắt giảm hàng rào phi thuế quan, loại bỏ phương thức thức trợ giá của Chính phủ. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện nghiêm túc quy định về xuất xứ sản phẩm để được hưởng thuế ưu đãi. Đây cũng là vấn đề đã từng xảy ra đối với một số sản phẩm như thép, hàng may mặc của Việt Nam. Như vậy, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU nếu không theo dõi chính sách và cập nhật thông tin kịp thời về thị trường EU sẽ khó có thể ứng phó kịp thời và sẽ phải chịu thiệt hại lớn.
Qua kinh nghiệm tiếp xúc, GS. Nguyễn Mại cho biết, có nhiều tập đoàn kinh tế lớn của EU đầu tư vào Việt Nam đang tạo ra áp lực đối với việc thực thi thể chế, luật pháp, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động (tiền lương, bảo hiểm xã hội, chống cưỡng bức lao động, làm thêm giờ...). Ngoài ra, hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) cũng sẽ được gia tăng để tạo thêm kênh huy động vốn đầu tư của Việt Nam, đồng thời tạo ra cuộc cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước khi EVFTA được ký kết.
GS. Nguyễn Mại nhấn mạnh, nếu không nâng cao tiềm lực và mở rộng quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp theo chuỗi cung ứng trong từng sản phẩm thì doanh nghiệp Việt Nam nhiều khả năng sẽ thua trên sân nhà trước sức ép của Hiệp định này.
Theo các chuyên gia, với EVFTA, cơ hội và thách thức đặt ra với cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam là rất lớn. Để vững vàng và đủ sức vươn xa hơn trong dòng chảy của hội nhập, không chỉ cần sự tạo thuận lợi và bệ đỡ chính sách của Chính phủ cùng các cơ quan quản lý, các bộ, ngành. Hơn ai khác, chính các doanh nghiệp cũng cần tự giác hơn, chủ động hơn trong việc cập nhật thông tin cắt giảm thuế quan với các điều kiện như tỷ lệ, xuất xứ sản phẩm.
Đồng thời, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, lao động, môi trường để có chiến lược dài hạn, đầu tư đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, hình thành và quảng bá thương hiệu sản phẩm, tìm kiếm và xây dựng quan hệ hợp tác với các bạn hàng tại các quốc gia thành viên EU; nghiêm túc tuân thủ các quy định của EU về thương mại và đầu tư.
Song song đó, các cơ quan chức năng cần có chính sách kết nối giữa các tập đoàn kinh tế FDI với sự chủ động hợp tác của doanh nghiệp Việt Nam để xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ tập trung vào một số sản phẩm chủ lực. Điều ấy, không những để Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất nhiều sản phẩm công nghệ cao của thế giới, mà còn tạo ra giá trị gia tăng ngày càng lớn cho doanh nghiệp trong nước. Đây rõ ràng sẽ là cơ hội mới mà EVFTA tạo ra và không ai khác chính các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi.
Thạch Huê (TTXVN)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất