HÌNH ẢNH: Phiên chợ đồ xưa trong ngõ nhỏ Hà Nội

17/02/2016 07:58 GMT+7 | Thế giới

(giaidauscholar.com) - Không ồn ào như các phiên chợ khác, chợ phiên đồ xưa lặng lẽ hoạt động trong một không gian nhỏ nằm trong ngõ 456 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Với hơn 30 sạp hàng bày bán chủ yếu các vật dụng xưa cũ, có khi chỉ là những món đồ đã hết giá trị sử dụng nhưng đây là địa chỉ quen thuộc của những người đam mê đồ cũ, đồ cổ trên đất Hà thành từ hơn 2 năm nay.

Vào sáng thứ bảy cuối tuần, con ngõ nhỏ cổ kính ở 456 Hoàng Hoa Thám lại nhộn nhịp người qua lại. Trước đây, chợ chính là Lư trà quán nổi tiếng khắp Hà thành, nơi CLB Thư pháp Hà Nội lấy đây làm địa chỉ lui tới giao lưu, trò chuyện vào cuối tuần...

Với diện tích khoảng 400m2, nhưng khi đến đây, người chơi sẽ được sống lại không khí của những ngày tháng xưa qua các vật dụng đã quá đỗi quen thuộc trong thời kỳ bao cấp như đèn dầu, đồng hồ lên dây cót, mâm đồng, chậu đồng, nồi Liên Xô, xe đạp mifa... Chợ không chỉ là nơi mua bán, mà còn có thể trao đổi các món đồ cổ với những người bán hàng. Các chủ quầy lịch sự và nhã nhặn, tận tình trao đổi, giải thích về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng của những món đồ, cho dù khách có mua hay không.

Không chỉ có khách hàng quanh khu vực Hà Nội, nhiều người mê đồ cổ ở tận Thanh Hóa, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình... cũng tìm đến phiên chợ đồ xưa này với mong muốn kiếm được món hàng ưa thích và giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về sưu tầm. Ngoài ra, chợ phiên đồ xưa ở Hà Nội còn mang hàng đi giao lưu cùng những người đam mê đồ cổ, đồ cũ ở Hải Dương, Hòa Bình, Bắc Ninh...

Bên cạnh việc trao đổi, buôn bán, mỗi phiên chợ đều có những buổi đấu giá làm từ thiện. Sản phẩm đấu giá là những món đồ xưa được các chủ quầy hàng trao tặng, trong đó có nhiều kỷ vật chiến tranh. Toàn bộ số tiền thu về được dành giúp trẻ em tật nguyền, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Dù mới đi vào hoạt động và chỉ diễn ra một tuần một phiên vào sáng thứ bảy nhưng chợ phiên đồ xưa đã trở thành nơi gặp mặt, giao lưu của nhiều thế hệ những người yêu thích hoài niệm, là không gian văn hóa mà người ta tìm đến để nhớ lại ký ức của mình.

Công Đạt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm