Người nếm thức ăn cho Hitler lần đầu lên tiếng

04/04/2013 13:30 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Khi còn trẻ, mỗi bữa ăn của Margot Wolk đều giống như bữa cuối đời. Tuy nhiên người phụ nữ từng là "chuyên gia" nếm thức ăn cho trùm phát xít Adolf Hitler vẫn sống sót qua chiến tranh, để giờ đây có thể kể lại những trải nghiệm hãi hùng trong đời bà cho tờ Spiegel của Đức.

Món ăn làm từ măng tây được hấp và chan nước sốt ngon lành theo truyền thống của người Đức. Kèm theo nó là bơ hảo hạng, một thực phẩm hiếm hoi trong thời chiến tranh, khi tất cả các gia đình khác thậm chí còn không có cà phê để uống. Thế nhưng Margot Wolk nếm món ăn đó không phải trong trạng thái của một người đang thưởng thức đồ ăn ngon, mà là trong nỗi sợ mất mạng.

Tính mạng treo trên sợi tóc

Wolk là một trong 15 người phụ nữ đã bị buộc phải làm công việc nếm món ăn để thử độc chất cho trùm phát xít Đức Adolf Hitler. Và mạng sống của bà đã ở trong tình trạng treo trên sợi tóc trong suốt 2 năm rưỡi "hầu hạ" trùm phát xít trong Thế chiến II.

Mùa đông năm 1941, khi đó mới 24 tuổi, Wolk đã chạy trốn khỏi căn hộ chung cư bị đánh bom của cha mẹ bà ở Schmargendorf, Berlin để tới lánh nạn tại nhà mẹ chồng tại làng Gross-Partsch, nay là vùng Parcz, Ba Lan.

Đó là một ngôi làng đẹp nên thơ và bà sống trong một ngôi nhà có vườn lớn. Tuy nhiên nơi bà ở chỉ cách nơi Hitler đặt bộ chỉ huy Mặt trận phía Đông, còn được biết tới với tên Hang Sói, có 3km. "Tôi chỉ mới vừa tới nhà mẹ chồng khi những người lính SS của Hitler xuất hiện và ra lệnh: 'Đi với chúng tôi'" - Wolk kể.

Toán lính đưa bà và những người phụ nữ trẻ khác tới các trại lính nằm ở khu vực Krausendorf gần đó, nơi nhiều đầu bếp đang chuẩn bị đồ ăn cho các nhân vật trong Hang Sói tại một tòa nhà 2 tầng. Các nhân viên phục vụ nhanh chóng đổ đầy đĩa thức ăn với rau củ, nước sốt, các món mì và hoa quả ngon lành. Tiếp đó họ đưa thức ăn tới một căn phòng có một chiếc bàn gỗ lớn, nơi các cô gái sẽ nếm đồ ăn.

"Đồ ăn không bao giờ có thịt, vì Hitler là người ăn chay" - Wolk nhớ lại - "Dù sao đồ ăn vẫn ngon, rất ngon là khác. Nhưng chúng tôi không thể vui thú thưởng thức được. Hiển nhiên là tôi rất sợ. Nếu thực phẩm bị đầu độc, chắc tôi không còn ngồi đây trong ngày hôm nay. Chúng tôi đã bị buộc phải nếm đồ ăn, không có sự lựa chọn nào khác".

Wolk kể rằng bà thường "làm việc" vào 11-12 giờ mỗi ngày và chỉ sau khi cả 15 người đã nếm thử, đồ ăn mới được mang tới bộ chỉ huy. Thường thì sau khi những người nếm thức ăn "làm việc" khoảng 1 giờ đồng hồ, Hitler mới dùng bữa để đảm bảo độc chất nếu có trong đồ ăn đã phát tác lên các cô gái.

Việc Hitler cẩn thận là có lý do. Đã từng có nhiều tin đồn rằng quân Đồng minh lên kế hoạch để đầu độc ông ta.

Mắc kẹt ở Hang Sói

Cứ 8h sáng mỗi ngày, Wolk lại bị một người lính tới trước cửa số nhà bà gọi dậy làm nhiệm vụ. Và như thế, cô gái trẻ đã trở thành người giúp bảo vệ mạng sống của Hitler. Mỗi ngày, cuộc sống của bà lại bị đẩy tới ranh giới sống chết vì một gã đàn ông mà bà rất khinh bỉ.

Tuy nhiên bà không có cơ hội kháng cự lại. Những quả bom của quân Đồng minh đã phá hủy chung cư của bà ở Schmargendorf. Chồng bà là Karl đang phải chiến đấu ở phương xa và sau 2 năm không nghe thấy tin ông, bà nghĩ rằng ông đã chết. "Tôi biết đi về đâu lúc đó?" - bà chia sẻ. Ít nhất khi ở Gross-Partsch, bà còn có một người thân là mẹ chồng.

Một biến động lớn với đời Wolk diễn ra vào ngày 20/7/1944, khi quả bom của Đại tá Claus von Stauffenberg dùng để ám sát Hitler phát nổ. Wolk nhớ rằng có ai đó đã hét lên: "Hitler chết rồi". Nhưng Hitler không chết mà chỉ bị vài vết thương trên người, và kế hoạch ám sát đã thất bại.

Sau lần đó, phát xít Đức tăng cường an ninh quanh Hang Sói. Những người nếm đồ ăn của Hitler không còn được ở nhà nữa. Họ buộc phải dọn tới sống tại một ngôi trường bị bỏ hoang. "Chúng tôi bị canh gác như những con thú trong lồng vậy" - Wolk kể. Thế rồi một đêm nọ, một gã sĩ quan SS đã bắc thang leo vào căn phòng nơi bà đang nằm ngủ và cưỡng hiếp bà. Wolk nói rằng chưa bao giờ trong đời bà cảm thấy bất lực như thế.

Về cuối cuộc chiến, khi quân đội Liên Xô tiến tới gần Hang Sói, một viên thiếu úy đã giúp bà ra ngoài nơi giam giữ, đưa bà lên tàu hỏa tới Berlin và việc đó đã cứu mạng bà. Sau chiến tranh bà hay tin tất cả những người nếm đồ ăn khác đều đã thiệt mạng.

Cuộc đời của Wolk tiếp tục được cứu vớt lần thứ hai nhờ một viên bác sĩ ở Berlin. Người này đã cho bà trú ẩn trong nhà, sau khi bà trốn khỏi Hang Sói. Lúc lính SS tới nhà của viên bác sĩ để tìm Wolk, ông đã lừa chúng và nhờ đó mà bà không bị bắt lại.

Phá vỡ im lặng

Năm 1946, khi chiến tranh kết thúc, Wolk bất ngờ đoàn tụ với chồng Karl. Đó là khi hy vọng sống nhen nhóm trở lại với bà. Ông gần như tàn tạ sau nhiều năm chiến tranh và bị giam cầm. Nhưng bà chăm sóc khiến ông khỏe mạnh trở lại và họ đã có 34 năm sống bên nhau hạnh phúc.

Wolk luôn mỉm cười khi nhớ về chồng. Sau bao trải nghiệm cay đắng trong đời, bà vẫn cố giữ tinh thần lạc quan và đây chính là bí quyết khiến bà không gục ngã, giúp bà tiếp tục sống sót.

Trong một thời gian dài, Wolk không muốn nghĩ về những gì đã xảy ra ở Gross-Partsch. Nhưng các ký ức kinh hoàng vẫn tìm tới với bà trong giấc ngủ. Phải tới tận mùa Đông vừa qua, khi một phóng viên địa phương tới thăm Wolk nhân ngày sinh thứ 95 của bà và hỏi chuyện đời, bà mới kể hết những cay đắng của mình.

Bà cũng thổ lộ với phóng viên tờ Spiegel về lý do mình phá vỡ sự im lặng: "Tôi chỉ muốn kể về những gì đã diễn ra ở đó, rằng Hitler thực sự là một gã đàn ông đáng ghê tởm. Một con lợn".

Tường Linh (Theo Spiegel)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm