23h00 ngày 10/6, Tây Ban Nha - Italia: Cuộc chiến của hai thế lực cũ và mới

10/06/2012 08:34 GMT+7 | Bảng C

(TT&VH) - Kể từ lễ bốc thăm chia bảng,  TBN và Italia đã nói về nhau, về trận cầu được chờ đợi nhất này. Coi thường có, dè bỉu, hạ thấp nhau cũng có, và lý do xuất phát từ chính việc đánh giá cao đối thủ. Dẫu sao, tất cả những phát ngôn chỉ mang tính chất tương đối và điều mà người hâm mộ chờ đợi chính là 90 phút ở Gdansk, khi trái bóng tròn bắt đầu lăn, bởi ở đó, TBN hay Italia sẽ phải phô diễn những gì tốt đẹp nhất của mình.

44 năm trước khi đăng quang ở EURO 2008, TBN mò mẫm trong công cuộc tìm đường đến với vinh quang. Họ, một đội bóng mạnh của châu Âu và thế giới, vẫn luôn không có duyên với những giải đấu lớn. Vì thế mà TBN gắn luôn với cái biệt danh "vua vòng loại", nghĩa là luôn đá rất tốt ở các vòng loại nhưng khi vào đến các vòng chung kết, họ thường không có cơ hội tiến sâu vào các vòng trong. Trái ngược với TBN, trong bất kì hoàn cảnh nào, Italia cũng cho thấy họ là đội bóng bản lĩnh. Nhờ đó, đội bóng áo Thiên thanh luôn được đánh giá là một trong những ứng viên nặng kí cho chức vô địch EURO hay World Cup.

Thực tế này đã được chứng minh ở năm 2006, khi Italia dưới sự dẫn dắt của Marcelo Lippi đã thực sự là một hiện tượng của giải. Gác lại "bão tiêu cực" Calciopoli sang một bên, Azzurri đăng quang một cách ngoạn mục và ngự trị trên ngai vàng của bóng đá thế giới. Điều này ngược lại hoàn toàn với TBN. Đội bóng của HLV Luis Aragones khi đó chỉ vượt qua vòng đấu bảng trước khi bị Pháp loại ở ngay vòng 1/8 với thất bại 1-3. Một lần nữa, TBN lại lỗi hẹn với một giải bóng đá lớn bởi chính sự yếu đuối và thiếu bản lĩnh của mình.


Italia từng hạ TBN trong trận giao hữu hồi tháng 8/2011 - Ảnh: Getty

Nhưng nếu lấy World Cup 2006 là một xuất phát điểm cho phong độ của cả TBN và Italia thì đây chính là thời điểm đánh dấu những sự thay đổi lớn giữa hai đội bóng được coi là hàng đầu châu Âu khi đó. Sau khi đăng quang trên đất Đức, Italia sa sút một cách không phanh. Phải may mắn lắm họ mới vượt qua được vòng bảng của EURO 2008. Đến World Cup 2010, sự sa sút ấy đã trở thành một thảm họa thực sự khi Italia của Lippi thậm chí còn không vượt qua được vòng bảng với một thành tích rất nghèo nàn (thua 1 trận, hòa 2 trận).

Điều trớ trêu là đội bóng đã loại Italia ở tứ kết EURO 2008 lại chính là TBN. Sau khi giành chiến thắng trên loạt đấu súng, đội bóng của Luis Aragones đã tiến thẳng đến trận chung kết sau khi vượt qua Nga ở bán kết trước khi hạ nốt ĐT Đức bằng chiến thắng 1-0 để đăng quang. EURO 2008 cũng chính là đỉnh cao ban đầu của TBN và từ đó họ tiếp tục thu về những thành công vang dội khác. Hai năm sau, vẫn với lối chơi ấy (chỉ khác là Argones ra đi và Del Bosque lên thay), TBN vô địch thế giới. Ngược lại, Italia ngày càng sa sút hơn và đánh mất bản sắc của chính mình. Không quá khi nói rằng khi Italia xuống cũng là lúc TBN đi lên.

Nhưng người Ý vẫn đáng sợ

TBN đã giữ vững ngôi vị số một của họ trên bảng xếp hạng của FIFA trong một quãng thời gian rất dài. Điều này là không phải tranh cãi bởi ĐKVĐ châu Âu và thế giới vẫn đang là đội bóng xuất sắc nhất của thế giới hiện nay. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào đó để nói rằng TBN sẽ có một thế trận dễ dàng trước Italia thì có thể coi là một sai lầm lớn. Còn nhớ ở EURO 2008, khi Italia bắt đầu một quá trình chuyển giao thế hệ, đội bóng của Donadoni khi đó dù không thể hiện được phong độ ấn tượng ở vòng bảng nhưng khi đối mặt với TBN ở tứ kết, họ vẫn cho thấy được đẳng cấp của mình. Azzurri chỉ chịu dừng bước sau loạt đấu súng trong một ngày mà Casillas của TBN đã chơi quá xuất sắc.

Ở trận giao hữu trong năm 2011, TBN và Italia đã tái đấu và đội bóng của Cesare Prandelli ngay lập tức chứng minh họ không hề thua kém đội bóng đang là nhà vô địch của thế giới. Thậm chí, Italia còn buộc TBN phải nếm mùi thất bại bằng chiến thắng 2-1 tương đối thuyết phục. Thế nên, sẽ không có chuyện Italia bị đánh giá thấp hơn TBN trong trận mở màn của bảng B dù thực tế, tương quan lực lượng của Italia không thể bằng được với đội bóng của HLV Del Bosque.

Tại thời điểm này, khi TBN đã hình thành cho mình một lối chơi mang bản sắc riêng và duy trì được sự ổn định xuyên suốt trong 4 năm qua thì Italia của Prandelli mới chỉ là sự khởi đầu cho một cuộc cách mạng. Dưới thời của Prandelli, Italia đã có những thay đổi rõ rệt so với triều đại của Lippi. Những nhân tố trẻ hơn đã xuất hiện, lối chơi của Italia đã cũng thay đổi rất nhiều khi từ nền tảng phòng ngự sở trường, họ đã tấn công nhiều hơn và thể hiện sự đa dạng nhiều hơn về mặt lối chơi.

Chính sự thay đổi này sẽ khiến cho trận đại chiến ở bảng C hấp dẫn hơn bao giờ hết. Italia có thể thua TBN về đẳng cấp cũng như phong độ nhưng chắc chắn, họ sẽ không để cho ĐKVĐ châu Âu có một sự khởi đầu hoàn hảo trong ngày đầu ra quân.

Dự đoán: 1-1

Trần Giáp

Thăm dò ý kiến

Theo bạn trận đấu giữa TBN và Italia sẽ có kết quả như thế nào?


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm