19/04/2017 08:15 GMT+7 | V-League
(giaidauscholar.com) - Các quy định siết lại suất đăng ký ngoại binh và Tây nhập tịch V-League và giải hạng Nhất, từ 5, xuống 3 và giờ là 2 (cầu thủ người nước ngoài/ CLB V-League) đã kéo theo sự sụt giảm đáng kể về chất (cả chất lượng ngoại binh lẫn chất lượng giải đấu). Tuy nhiên, ngay cả điều này cũng không bị cho là phi lý, xét bối cảnh nền bóng đá và các giải đấu tại Việt Nam, phải chịu bão tài chính, cũng như các sai số trong hoạch định chiến lược phát triển.
Sau lượt đi V-League 2017, tiền đạo đang dẫn đầu danh sách vua phá lưới là “lão tướng” Nguyễn Anh Đức (8 bàn), cầu thủ thuộc biên chế một CLB trung bình yếu B.Bình Dương, nếu xét trên năng lực cạnh tranh mùa này.
Trong khi đó, các chân sút hàng đầu như Samson, Stevens, Uche, Patyyo Tambwe..., phải tụt lại phía sau, trong khi bộ đôi sát thủ người Argentina là Gonzalo (Hà Nội FC) và Gaston Merlo (SHB Đà Nẵng) mất tích. Chiến thuật bóng đá có sự dịch chuyển hay thực sự các tiền đạo ngoại đã cùn đi theo thời gian và tuổi tác? Người ta nghiêng về vế 2 hơn.
Việc sở hữu một chân sút ghi trên dưới 20 bàn thắng/mùa giải, thực sự là một lợi thế rất lớn với các CLB giàu tham vọng. Bao năm qua, Hà Nội FC sống trên mũi giầy cặp song sát Samson - Gonzalo, thêm Văn Quyết; trong khi đó, SHB Đà Nẵng một ngày thiếu Merlo, họ trở thành một đội bóng rất thường. Hải Phòng từng tranh chấp ngôi thứ, cũng là nhờ bộ đôi tiền đạo ngoại Stevens - Fagan... Còn Patyyo hay Uche, thực sự giúp đội bóng sở hữu họ tăng đến 5-7 phần công lực. Thời thế đã khác.
Về mặt tiêu chí hướng tới, việc giảm suất đăng ký cầu thủ người nước ngoài/ CLB (với hạng Nhất thì sạch bóng luôn) là có ý tạo nhiều hơn cơ hội ra sân cho cầu thủ trẻ người bản địa. Song, việc đào thải khắt khe hơn với ngoại binh, đã lại khiến chất lượng giảm, là do cơ chế tài chính. Các cầu thủ nước ngoài tốt nhất lũ lượt chạy qua Thai Premier League,Singapore, Indonesia..., chứ nhất định không ghé V-League. Chất lượng các trận đấu và giải đấu giảm sút, là điều đã được tiên liệu, trước khi bàn tới công tác điều hành.
Trong khoảng 2-3 năm qua, bóng đá trẻ Việt Nam có thể nói là đã gặt hái được những thành công bước đầu, ở giải khu vực và châu lục, nhưng đừng vội cho rằng, chất lượng đào tạo đã được nâng tầm. HAGL có hệ thống đào tạo trẻ quy củ theo công thức Tây, xong vẫn chưa thể tự cường ở năng lực cạnh tranh, dù đã xuất xưởng 2 lứa cầu thủ trẻ tài năng đầu tiên. SLNA cũng thế, có biểu hiện “lụi”, trong khi SHB Đà Nẵng, B.Bình Dương, Than Quảng Ninh và Hải Phòng gần như là con số không về đào tạo trẻ. Khá nhất có Hà Nội FC, cũng chỉ một vài phát hiện thú vị.
Rất nhiều các trận đấu ở giai đoạn 1, V-League 2017, chỉ có chất lượng trung bình hoặc thậm chí dưới trung bình, bắt đầu từ chất lượng cầu thủ - đội bóng đi xuống. Giải đấu thiếu ngôi sao, vơi thần tượng, khán đài lèo tèo khán giả và theo con số của BTC báo cáo, đã sụt giảm hàng ngàn người so với tầm này mùa trước. Chưa có biểu hiện nào cho thấy, giai đoạn 2 sẽ khá hơn, càng khi nó còn bị xé lẻ bởi rất nhiều quãng thời gian nghỉ để phục vụ các ĐTQG tập trung, tiềm ẩn nhiều hệ luỵ và tiêu hao bao tiền của. V-League 2017 sẽ kéo dài đến tháng 11, cũng là chuyện xưa nay hiếm gây lãng phí.
Ở nhiệm kỳ của mình, cựu Chủ tịch VFF Mai Liêm Trực từng nói rằng, trình độ của tổ chức này thấp hơn so với mặt bằng xã hội. Ở đây là năng lực quản lý, điều hành. Việc để giải đấu gây hoang mang mất niềm tin trong lòng người hâm mộ, lỗi đầu tiên là cung cách điều hành của những người tạo ra cuộc chơi. Bóng đá Việt Nam và các giải đấu chưa đạt chuẩn chuyên nghiệp, từ bao năm qua, thừa hưởng nhiều từ các nguồn lực đầu tư của xã hội, nhưng vẫn bị xem là ốc đảo, đứng tách biệt và phát triển chậm hơn các địa hạt khác.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất