08/08/2017 06:02 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - Xin nói ngay, đây là tựa một bài báo mà độc giả Nam Hà ở Thanh Xuân, Hà Nội, gửi đến Thể thao & Văn hoá, ngay sau trận đại thắng U19 Myanmar với tỷ số 4-1 của U19 Việt Nam, tại bán kết giải U19 Đông Nam Á mở rộng 2014, trên SVĐ Mỹ Đình, qua đó giúp Công Phượng và đồng đội vào chung kết gặp lại U19 Nhật Bản (thua với tỷ số 0-1, trước đó tại vòng bảng, chúng ta thua 2- 3).
Bài báo cách đây 3 năm, với văn phong dí dỏm, sắc như “dao cau”, giờ vẫn còn nguyên giá trị. U19 Myanmar sau đó đoạt vé dự VCK U20 thế giới 2015, trong khi “những đứa trẻ nhà bầu Đức” thăng trầm tùy lúc, nhưng luôn sống với những lời khen.
Nhắc lại thời điểm cách đây 3 năm, lứa cầu thủ đầu tiên của Học viện HAGL Arsenal JMG xuất xưởng đã thực sự tạo ra cơn bão trong lòng người hâm mộ và một bộ phận không nhỏ giới làm chuyên môn.
Niềm tin và tình yêu bóng đá được khơi gợi bằng cấp số nhân, ngay trong giai đoạn mà bóng đá Việt Nam gần như đã chạm đáy ở hàng loạt các hạng mục giải đấu, cũng như các cấp độ đội tuyển quốc gia. Cụ thể, đội tuyển Việt Nam bị loại ở bán kết AFF Suzuki Cup 2014, thua liểng xiểng tại vòng loại Asian Cup 2015. Trước đó, U23 Việt Nam không thể vượt qua vòng bảng SEA Games 27, năm 2013, trên đất Myanmar…
3 năm trôi qua, bóng đá Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, không có nhiều biến chuyển. Thái Lan vẫn bá chủ khu vực, nhưng khi bơi ra đấu trường châu lục và thế giới, cũng lụn bại, khiến tướng Kiatisuk Senamuang phải "cởi mũ áo". Đội tuyển U19 Myanmar sau FIFA U20 World Cup 2015, nhấn thêm một bước nữa với suất chơi chung kết SEA Games 28, 2 năm sau đó, song về cơ bản, đó không được xem là một tiến bộ vượt bậc. “Những đứa trẻ nhà bầu Đức” thậm chí không tạo được dấu ấn đáng kể nào, từ V-League 2015, đến SEA Games 28, năm 2015 và VCK U23 châu Á 2016…
Và, trong khi Chanathip Songkrasin đã và đang tung hoàng ở J-League 1, trong màu áo Consadole Sapporo, thì lần lượt Công Phượng, Tuấn Anh và tới đây là Xuân Trường (đều kém “Messi Jay” 2 tuổi), chấp nhận thất bại ở J-League 2 và K-League, phải quy cố hương, chen chân tìm hướng ra ở V-League. Về cơ bản, đội hình U19 năm nào vẫn được bảo toàn trong màu áo U22 Việt Nam cho chiến dịch SEA Games 29, nhưng thành bại tại Malaysia như thế nào là rất khó đoán.
Người Việt Nam vốn dĩ rất dễ dãi trong việc đón nhận những lời khen và ngược lại, thường không thích bị chê, dù chê đúng. Như độc giả Nam Hà từng đề cập trong bài báo cách đây 3 năm, khi cầu thủ mình thất bại trong một pha tranh chấp, thì ngay lập tức người trong cuộc cho rằng đối thủ xấu chơi.
Những so sánh, ví von kiểu Công Phượng đi bóng như Messi, hay Tuấn Anh là hiện thân của Ronaldinho, Xuân Trường chuyền bóng như Pirlo…, vẫn còn nhan nhản trên các mặt báo và giọng BLV trên sóng truyền hình. “Maradona, Messi, Zidane…, có một điểm chung là đều được so với cầu thủ U19 Việt Nam”, bài báo viết.
Đội tuyển U22 Việt Nam hướng tới SEA Games 29 đã và đang có những tiến bộ đáng ghi nhận, về cấu trúc vận hành, lẫn kỹ năng chơi bóng của cầu thủ được nâng cấp và cả thể lực bổ trợ. Tuy nhiên, chúng ta chỉ mới tiến bộ so với chính mình cách đây đôi ba năm, chứ đội bóng dưới quyền HLV Nguyễn Hữu Thắng không phải đã hoàn hảo để “không vô địch SEA Games bây giờ thì đợi đến bao giờ”?!
Khẳng định của bầu Đức đã và vẫn là câu hỏi tu từ với nền bóng đá. Chúng ta thậm chí còn chưa biết các đối thủ mạnh yếu thế nào, mà chỉ bận sống với những lời khen và vội nghĩ, chiếc HCV SEA Games như đồ trong túi.
Khen chê chừng mực và phải đúng, để những đôi chân của người trẻ không rời mặt đất. Nguy hiểm lắm lắm!
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất