29/06/2020 07:19 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - Đợt rồi, có một trọng tài trẻ đăng một status trên Facebook, đại ý rằng, anh muốn gửi lời xin lỗi đến các con. Anh đã không dạy bảo các con đến nơi đến chốn, nên các con anh mới hỗn xược mà chửi anh. Chửi không còn điều gì có thể tả được.
Thoạt nghe, rất nhiều người tưởng đó là việc gia đình. Nhưng không phải, anh này dùng phép ẩn dụ, để mắng người và mắng đời.
Đại ý vị trọng tài này muốn đề cập đến sự băng hoại đạo đức của một bộ phận cầu thủ. Vì bất cứ lý do gì, một số cầu thủ cứ nhè trọng tài mà chửi. Đội đang có lợi cũng chửi, đội bất lợi chửi nhiều hơn. Tình huống va chạm bình thường, cắt còi không cho lợi thế cũng chửi, cắt còi để ngăn một tình huống nguy hiểm, đội bị phạt chửi ác dữ…
Nói tóm lại, theo lời anh này thì trọng tài sinh ra là để bị chửi. Mà, trọng tài vẫn được ví như là cha là mẹ, thậm chí là vua, vậy họ có đáng bị chửi không?! Chỉ cãi cha mẹ thôi đã là hư rồi, nói gì đến chửi?!
Nhưng, một bộ phận trọng tài và cấp trên của trọng tài, tức giám sát trọng tài và cao hơn là những người phân công công tác trọng tài, đúng là nên thật sự xem lại bản thân. Nói như cựu danh thủ Chu Văn Mùi thì ngày xưa và ngày nay, một số trọng tài đều có cách làm việc riêng và quyền lợi cũng riêng.
Chu Văn Mùi từng nổi tiếng với vụ đuổi đánh cố trọng tài Tuấn Hùng ở Cao Lãnh, Đồng Tháp, trong trận chung kết mùa giải 1996 giữa chủ nhà và Công an TP.HCM.
Sau đó, Chu Văn Mùi đã bị cấm thi đấu vĩnh viễn. Ở cơ quan chủ quản, Công an TP.HCM, Chu Văn Mùi bị “rớt lon”. Từ hàm trung uý xuống thiếu uý, và đây mới là án thật.
Án này Chu Văn Mùi phải ngậm suốt 25 năm, nhưng anh không thể trình bày với ai. Anh chia tay sân cỏ ở tuổi đẹp nhất sự nghiệp. Anh muốn đi học lớp trọng tài, họ bảo, anh đánh trọng tài rồi đi học làm gì, ai dạy anh. Năm ngoái, Chu Văn Mùi mới học lớp bằng C HLV của AFC. Năm nay, anh về hưu.
Nhắc lại để thấy rằng, với công việc của một trọng tài, vốn được hưởng chế độ đãi ngộ khá cao so với mặt bằng xã hội thì cũng đồng nghĩa với việc phải đối mặt với áp lực và yêu cầu rất cao. Thuật ngữ trọng tài là cha là mẹ có lẽ chỉ người Việt Nam nghĩ ra. Trên thế giới, với bóng đá chuyên nghiệp, trọng tài là một nghề nghiêm túc, chứ không “làm thêm” như ở Việt Nam.
Vấn nạn trọng tài ở hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đang lại nóng trở lại. Và nó thực sự là một rào cản cho tiến trình lên chuyên của nền bóng đá.
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất