27/06/2014 12:37 GMT+7 | Góc nhìn chuyên gia
(giaidauscholar.com) - Nhìn lại vòng đấu bảng, HLV Lê Thụy Hải đánh giá World Cup 2014 không có nhiều điểm mới đáng để coi là phát hiện về mặt chiến thuật.
“Dấu ấn lớn nhất về chiến thuật ở vòng đấu bảng chính là vai trò của sức mạnh, cách chơi tập thể. Đức là đội mà tôi thấy thể hiện được rõ nhất 2 yếu tố này. Người Đức có sự kết hợp giữa tiki-taka và cách đá truyền thống của họ, đó là phòng ngự chắc chắn, chơi có tổ chức. Ấn tượng lớn nhất với tôi ở vòng đấu bảng chỉ có vậy.
Còn về chiến thuật thì cũng không có nhiều điểm mới mẻ. Vẫn có đội dùng 4-1-4-1 như Iran hoặc một số đội đá 4-4-2 nhưng nói chung đa phần các đội vẫn lui về phòng ngự từ giữa sân nếu bị động, còn khi chủ động thì vẫn là 2 hậu vệ biên dâng cao tấn công nhiều hơn.
Vai trò của 2 hậu vệ biên rất quan trọng, chiến thuật đó từ trước đến nay không thay đổi nhiều. Còn nếu đá phòng ngự, phản công thì chỉ có đội Italy thôi. Nhưng vừa rồi Italy cũng thất bại rồi.
Đức là đội có thể nói là tổng hợp, cô đọng lại nhiều chiến thuật khác nhau làm nên lối chơi của mình, và họ đã thành công, còn nếu để nói là mới mẻ về mặt chiến thuật thì tôi thấy không có gì đổi mới về chiến thuật ở vòng đấu bảng để nói là lạ được.
Tổng hòa được chiến thuật như đội Đức cũng thì cũng phải trên cơ sở con người thực tế. Còn như đội Argentina, chiến thuật nào thì cũng phải phụ thuộc vào Messi hết. Bồ Đào Nha thì dựa vào Ronaldo nhưng vấn đề là các cầu thủ này có làm được gì hay không, còn tùy thuộc vào cả tập thể.
Theo quan điểm của tôi, chiến thuật gì thì chiến thuật cũng phải tùy thuộc vào con người. Đội nào có cả tập thể, toàn đội cùng chơi thì đội đó sẽ thành công.
Ở World Cup 2014, về kỹ thuật thì không ai kém ai cả, chiến thuật thì họ đều có những bậc thầy là các HLV danh tiếng. Thế nên, đội nào có thể lực, sức mạnh, ý chí tập thể thì sẽ thành công. Có điểm đặc biệt là năm nay đội nào có sức mạnh, va chạm, va chạm rồi duy trì sức mạnh và vượt qua được thì thành công.
Nếu để nói là ấn tượng thì tôi thích đội Đức. Hay như Brazil, đến lượt trận cuối cùng vòng bảng họ đã thể hiện được việc không phụ thuộc hoàn toàn vào Neymar. Trận đá với Cameroon, Brazil đá mà không có trung phong.
Cả Neymar và Oscar chính là 2 trung phong mà như không có trung phong vì 2 anh này hoạt động rất rộng, thậm chí lui về tìm bóng rồi dùng kỹ thuật để vượt lên.
Bóng đá châu Á được như ở World Cup 2014 là quá tốt rồi. Về thể hình Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran khi sang Việt Nam đá thì hơn hẳn nhưng so với thế giới không là gì. Thời tiết nóng, độ ẩm cao ở Brazil, múi giờ khác nên các đội bóng đại diện cho châu Á là rất thiệt thòi so với Nam Mỹ hay châu Phi.
Ngay ở Việt Nam mình, cùng trong quốc gia, một múi giờ, thời tiết mà nhiều đội người ta đã lợi dụng thời tiết nhưng đẩy lên đá sớm từ 15h00, 16h00 để ép đội khác, coi đó là lợi thế cho mình, huống chi là Brazil.
Tại World Cup này, bóng đá châu Á không phải đi xuống mà cái chính là hạn chế về thể hình, thể lực. Muốn vượt lên thì các đội bóng châu Á buộc phải có kỹ thuật khéo léo, sức bền tốt mới được, còn không, không giải quyết được vấn đề.
Nhật Bản cầu thủ người ta khéo léo chứ nhưng chỉ là khéo léo tại chỗ thôi chứ cầm được bóng thì cũng khó đi qua được, đối phương sẽ đuổi và bắt kịp thôi. Thế nên, nói bóng đá châu Á đi xuống thì cũng không hẳn”.
Lâm Chi (ghi)
Thể thao & Văn hoá
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất