23/10/2017 06:08 GMT+7 | V-League
(giaidauscholar.com) - Có đến 30 bàn thắng đã được thực hiện, tại 7 trận đấu ở vòng 22, V-League 2017, tức trung bình hơn 4 bàn/trận. Đây chưa phải con số kỷ lục tại một lượt trận ở giải bóng đá cao nhất Việt Nam, nhưng một lần nữa, nó lại khiến người ta giật mình đánh thót vào cái thời điểm "tranh tối, tranh sáng" này.
Mùa giải 2013 và 2014, số lượng bàn thắng bùng nổ từng được nhà tổ chức xem đó là chỉ số quan trọng chứng minh về độ hấp dẫn của V-League. Có lẽ ít ai nhớ, trước khi VPF được thành lập và đứng ra thầu các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (kể từ mùa giải 2012), V-League 2008 và 2009, số bàn thắng/trận/vòng đấu từng đạt kỷ lục, với rất nhiều các trận đấu có trên dưới 10 bàn thắng được ghi. Ngày đó dân bóng banh có câu cửa miệng: "Lưới rung là tin nhắn về".
Trở lại với hiện tượng bùng nổ các bàn thắng. Nó không chứng minh các đội bóng đồng loạt sở hữu hàng công tốt, mà ngược lại, hàng phòng ngự và thủ môn quá tệ (như trường hợp của Thanh Thắng - FLC Thanh Hoá, trận thua Than Quảng Ninh 3-4 mới đây). Nó càng không là sự đảm bảo chất lượng trận đấu và giải đấu đã được nâng lên, bởi chất lượng đội hình vẫn thế. Nếu có thể, các bàn thắng chỉ là biểu hiện của sự "phóng khoáng" nơi các đội bóng. Còn tại sao họ phóng khoáng đến tận phút đấu bù cuối cùng, thì chỉ người chơi mới biết.
B.Bình Dương và TP.HCM là 2 đội bóng có hàng công tệ nhất V-League 2017, tính đến sau lượt trận thứ 22. Họ chỉ ghi trung bình hơn 1,1 bàn/trận, song bù lại, hàng phòng ngự lại làm việc khá hiệu quả. Nếu xét về các cơ hội ăn bàn được tạo ra, nhưng lại không tận dụng được và thậm chí còn phung phí, thì HAGL xứng đáng tốp đầu. Trên sân Tam Kỳ, người xem không hiểu Đức Lương chuyền hay sút, mở điểm cho đội bóng phố Núi ở phút 85, xong đấy là một biểu hiện rõ nhất cho sự bế tắc ở khâu tiếp cận cầu môn của đội bóng này. Gần một nửa trong số các bàn thắng được thực hiện, kể từ sau phút thứ 75 trở đi.
Vẫn tại Tam Kỳ, dường như ngay sau khi "những đứa trẻ nhà bầu Đức" vượt lên, Quảng Nam nhanh chóng đưa trận đấu trở lại vạch xuất phát từ cú giao bóng giữa sân và liên hoàn các đợt vây hãm trong chỉ 1 phút. Với cách thay người và điều chỉnh chiến thuật của BHL 2 đội hôm ấy, rõ là người trong cuộc chủ ý cưa điểm. Tại sao các phương án tác chiến không được HLV Hoàng Văn Phúc đưa ra trước đó, mà phải đợi đến những phút cuối trận, thậm chí phút đấu bù giờ?
Ngôi vô địch đã chọn xứ Quảng mùa này, bởi chỉ 24 tiếng đồng hồ sau trận hoà HAGL ở Tam Kỳ, thì tại vùng Mỏ Quảng Ninh, đối trọng số 1 và cũng là ứng viên nặng ký cho chức vô địch là FLC Thanh Hoá đã trở thành bại quân, trong một trận đấu có đến 7 bàn thắng được thực hiện. Và, như đã nhắc, nó hoàn toàn không phải là cuộc dượt đuổi ngoạn mục nào trên bảng tỷ số, mà là một chuỗi những sai lầm lặp lại, nơi hàng phòng ngự 2 đội và thủ môn đội khách. Đấy mới là điều đáng bàn, đang lưu tâm.
V-League 2017 sẽ còn 4 lượt trận nữa là hạ màn và giới thạo tin tin rằng, số lượng các bàn thắng sẽ tiếp tục leo thang. Không gì dễ làm hơn là "tài nổ" và "lưới rung" lúc cao trào. Nhưng nếu nhà tổ chức lại vin vào chỉ số này mà vỗ ngực, thì thực sự rất nguy hiểm, chứ không đùa.
V-League đang cần “kính chiếu yêu”!
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất