28/03/2014 09:59 GMT+7 | Các ĐTQG
(giaidauscholar.com) - “V-League 2014 đã có trưởng giải là người Nhật Bản, quan điểm của chúng tôi là hãy hợp tác với một nền bóng đá tiên tiến trong khu vực, học tập kinh nghiệm đã được tích lũy trong nhiều năm của họ để xây dựng nền tảng vững chắc cho bóng đá Việt Nam trong vòng 5-10 năm tới”, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng chia sẻ với độc giả Thể thao & Văn hóa trong buổi giao lưu trực tuyến hôm 26/3, tức chỉ một ngày sau khi ngồi “ghế nóng”.
Theo lời của ông Lê Hùng Dũng, nhiều khả năng ĐT Việt Nam sẽ có HLV trưởng là người Nhật Bản trong một gói “hợp tác toàn diện” với bóng đá xứ sở mặt trời mọc.
Tại sao lại là Nhật Bản?
“Sau 2, 3 năm chuẩn bị, năm 1993, giải chuyên nghiệp vô địch quốc gia J-League ra đời và 5 năm sau, ĐTQG của chúng tôi lần đầu tiên góp mặt tại VCK World Cup (France 98). Tất nhiên, mọi chuyện không hề dễ dàng chút nào, dù bóng đá Nhật Bản đã có sự đầu tư đồng bộ và ngoài ra, chúng tôi cũng tiếp nhận được rất nhiều những tinh hoa nguồn lực trong và ngoài nước”, ông Tanaka Koji chia sẻ như thế trong ngày nhậm chức trưởng giải V-League 2014.
Quả thật, bên cạnh việc mở cửa thu hút rất nhiều những danh thủ để đưa J-League trở thành một trong những giải đấu hàng đầu châu lục, Nhật Bản còn bắt tay với cường quốc bóng đá Brazil (thông qua cựu danh thủ Zico, cầu thủ từng có nhiều năm thi đấu, huấn luyện tại J-League – PV). Rất nhiều thế hệ cầu thủ trẻ Nhật Bản được đưa tới xứ Samba học việc, nhào nặn thành tài, trước khi họ trở về và tỏa sáng ở Confed Cup 2001 và World Cup 2002.
Bóng đá Nhật Bản phát triển như vũ bão trong khoảng thời gian cuối thập niêm 90 của thế kỷ trước đến đầu những năm 2000 và ngay cả lúc này. Trước khi giành quyền dự VCK World Cup 98, cần chắc rằng, Nhật Bản (và Hàn Quốc) đã được trao quyền tổ chức VCK World Cup 2002, song đó không phải sự đặc cách hay phổ cập các nền bóng đá chậm phát triển. Chúng ta chưa quên, tại Olympic Atlanta (Mỹ, năm 1996), ĐT Olympic Nhật Bản đã từng quật ngã cả Brazil.
Dài dòng thế để thấy, Nhật Bản xứng đáng là tấm gương, là mô hình chuẩn hay đơn giản là người bạn đồng hành để chúng ta học hỏi và tiến bộ. Tuy nhiên, ở cấp độ ĐTQG và với việc tìm kiếm HLV trưởng, chưa chắc Nhật Bản đã là “địa chỉ đỏ” để bóng đá Việt Nam tìm tới, khi Nhật Bản vốn không có truyền thống xuất khẩu HLV. ĐTQG nước này khi tham dự các giải bóng đá lớn từ nhiều thập niên qua cũng luôn do các HLV nước ngoài dẫn dắt.
ODA cho nền bóng đá?
Trong nhiều năm qua, Nhật Bản luôn là nhà cung cấp nguồn viện trợ và vốn vay ưu đãi ODA lớn nhất cho Việt Nam. Theo Sách Trắng ODA 2013 của Nhật Bản, Việt Nam là nước nhận viện trợ phát triển (ODA) lớn nhất với 1,64 tỷ USD.
Vì thế, trong suy nghĩ nhiều người Việt Nam lâu dần hình thành một thói quen, hễ cứ nhắc đến ODA là nghĩ đến Nhật Bản và ngược lại. Liệu gói “hợp tác toàn diện” với bóng đá Nhật có là một ODA khác?
Không hẳn, bởi ngay cả tân trưởng giải V-League 2014, Tanaka Koji, được cho là cũng đang nhận mức lương trên dưới 200 triệu đồng/tháng (trong năm đầu tiên), dù theo chủ tịch HĐQT Cty VPF Võ Quốc Thắng, đây chỉ là một phần trong gói hợp tác – hỗ trợ của Chủ tịch và Tổng Giám đốc J-League dành cho phía Việt Nam.
Vậy nếu chúng ta thuê HLV trưởng người Nhật Bản, VFF chắc chắn sẽ phải trả mức lương tương xứng, so với đồng nghiệp tiền nhiệm ngoại quốc khác.
Phải nói luôn rằng Nhật Bản đã và đang được biết đến như một siêu cường ở Á châu trong lĩnh vực xuất khẩu cầu thủ. Cầu thủ Nhật Bản xuất hiện ở khắp mọi nơi trên bản đồ bóng đá thế giới, thậm chí làm quân tiên phong ở hàng loạt các đội bóng thuộc những giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu như Anh, Ý, Đức, Tây Ban Nha hay Hà Lan… Nhưng có rất ít HLV người Nhật Bản thành công ở nước ngoài, thậm chí là không có?!
Đây là điều chúng ta phải tham khảo, suy ngẫm, đặc biệt là với địa hạt đặc thù và khó lường như bóng đá Việt Nam.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất