07/08/2018 22:19 GMT+7 | Các ĐTQG
(giaidauscholar.com) – U23 Việt Nam đã duy trì thành tích bất bại tại Cúp Tứ hùng 2018 khi thầy trò HLV Park Hang Seo thoát khỏi trận thua trước U23 Uzbekistan nhờ bàn thắng của cầu thủ vào sân thay người Phan Văn Đức trong những phút cuối.
HLV Park Hang Seo tiếp tục có những thử nghiệm ở trận đấu này và bài học rút ra là U23 Việt Nam vẫn chơi tốt nhất với lối chơi và con người từng có ở giải U23 châu Á hồi tháng Một.
Khó làm mới U23 Việt Nam
HLV Park Hang Seo đã có những thử nghiệm cả về lối chơi lẫn nhân sự ở Cúp Tứ hùng lần này nhưng kết quả thu về có lẽ là không nhiều. Sau 3 trận tại giải đấu này, U23 Việt Nam đã cho thấy đội bóng của ông Park vẫn chỉ phát huy tốt nhất khả năng với chiến thuật và con người từng làm nên thành công ở Thường Châu.
Ở trận đấu với U23 Uzbekistan, ông Park đã làm mới U23 Việt Nam bằng sơ đồ 4 hậu vệ (4-3-3). Tuy nhiên, các cầu thủ U23 Việt Nam đã tỏ ra khá lạ lẫm với sơ đồ này. Hơn nữa, do hai hậu vệ cánh là Văn Thanh (phải) và Văn Hậu (trái) thiên về tấn công nên trước mặt thủ môn Văn Hoàng chỉ còn cặp trung vệ Duy Mạnh - Đình Trọng nếu các tiền vệ không kịp lui về hỗ trợ.
Highlights U23 Việt Nam 1-1 U23 Uzbekistan
Sang đầu hiệp 2, U23 Việt Nam đã trở lại với sơ đồ 3 trung vệ khi Bùi Tiến Dũng được tung vào sân thay tiền vệ Hùng Dũng. Tuy nhiên, ông Park lại gây ngạc nhiên khi rút Văn Hậu và để tiền vệ trụ Đức Huy đá wing-back lệch trái. Hệ quả là U23 Việt Nam đã bị U23 Uzbekistan chọc thủng lưới ở phút 65 trong một tình huống mà không có tiền vệ trung tâm nào kịp lui về bọc lót.
Cặp tiền vệ trung tâm của U23 Việt Nam khi đó là Xuân Trường và Quang Hải vốn chỉ mạnh về tấn công và chỉ được thoải mái chơi bóng nếu có một tiền vệ phòng ngự như Đức Huy đứng phía sau. Dù vậy, ông Park vẫn chính xác với quyết định tung Đức Huy và Văn Đức, hai cầu thủ đã chơi rất tốt ở Trung Quốc, vào sân. Tiền vệ của Hà Nội đã có pha bấm bóng chuẩn xác để Văn Đức băng xuống xử lý khéo léo rồi gỡ hòa cho U23 Việt Nam.
Tóm lại, Cúp Tứ hùng 2018 này cho thấy U23 Việt Nam vẫn chơi tốt nhất trong sơ đồ 3 hậu vệ cộng với những con người đã tỏa sáng ở Thường Châu.
Đội trưởng Văn Quyết mờ nhạt
Trong số 3 cầu thủ quá tuổi của U23 Việt Nam đá với U23 Uzbekistan, đội trưởng Văn Quyết chính là người gây thất vọng nhất khi cầu thủ của Hà Nội gần như không đóng góp được gì cho khả năng tấn công. Được xếp đá ở hàng tiền vệ 3 người trong sơ đồ 4-3-3, Văn Quyết được phép di chuyển rộng và cầm bóng nhiều, nhưng sự hiệu quả thì lại không có.
Có không ít lần Văn Quyết chuyền sai hoặc tạt hỏng trong một pha lên bóng thuận lợi của U23 Việt Nam, khiến nhịp tấn công của đội bị ngắt quãng, mà tiêu biểu là pha tạt bóng thiếu chính xác đến khó hiểu ở phút 52. Văn Quyết có bóng trống trải bên cánh trái và các đồng đội đang chờ một pha tạt bóng chính xác vào vòng cấm thì đội trưởng của U23 Việt Nam lại đưa bóng ra ngoài.
Tiền đạo cắm của U23 Việt Nam trận này là Anh Đức cũng chơi không tốt, nhưng một phần là bởi anh không nhận được sự hỗ trợ cần thiết và những đường chuyền chính xác. Người vào thay Anh Đức trong hiệp 2 là Văn Đức lại chính là tác giả bàn gỡ hòa cho U23 Việt Nam.
Như ở trận thắng U23 Oman, tiền vệ trung tâm Hùng Dũng tiếp tục chơi tốt trong thời gian có mặt trên sân khi thể hiện được mọi phẩm chất của một tiền vệ trung tâm cần có. Cầu thủ của Hà Nội cầm bóng tốt, phòng ngự chắc chắn, thậm chí còn có một pha giải vây trong vòng cấm giúp U23 Việt Nam thoát thua. Trong số những cầu thủ quá tuổi của U23 Việt Nam tại Cúp Tứ hùng, Hùng Dũng chắc chắn là người chơi nổi bật nhất.
Giao hữu mà căng thẳng như chung kết
U23 Việt Nam và U23 Uzbekistan đã phần nào tái hiện trận chung kết nảy lửa ở giải U23 châu Á khi hai đội đều chơi quyết liệt, không khoan nhượng, không hề giống với tính chất của một trận giao hữu.
Có lẽ việc hai đội từng đá “chết bỏ” ở chung kết giải U23 châu Á đã phần nào làm tăng sự quyết liệt trong trận giao hữu tối nay. Nếu không biết trước đây là một trận giao hữu, có lẽ ai xem trận đấu này cũng hiểu nhầm đây là một trận đấu chính thức tranh huy chương.
Quang Hải đã dính chấn thương sau một pha vào quyết liệt của đối thủ và phải rời sân không lâu sau đó. Còn hậu vệ Văn Hậu trong nỗ lực cứu bóng đã sút bóng trúng lưng cầu thủ Uzbekistan. Lập tức, cầu thủ này lao vào gây hấn với Văn Hậu và hệ quả là cả hai phải nhận thẻ vàng sau đó. Và còn rất nhiều pha bóng ăn thua đủ khác mà hai đội tạo ra khiến trận đấu đôi khi trở nên căng thẳng quá mức.
Việc trận đấu chỉ có 2 bàn thắng và rất ít cơ hội nguy hiểm phần lớn xuất phát từ sự thận trọng và quyết liệt quá mức của hai đội.
Sau lễ bốc thăm lại vào chiều 25/7, U23 Việt Nam được ấn định nằm ở bảng D. Các đội sẽ thi đấu vòng tròn một lượt, tính điểm, chọn ra hai đội dẫn đầu mỗi bảng và 4 đội thứ ba có thành tích thi đấu tốt nhất vào chơi tại vòng 1/8.
“Rõ ràng, U23 Việt Nam sẽ phải tính toán kỹ 2 lượt trận đầu tiên trước khi gặp Nhật Bản. Đây là đối thủ chúng ta đối đầu khá nhiều trong những năm gần đây. Chúng tôi đã cùng nghiên cứu kỹ đội bóng này và đưa ra đấu pháp hợp lý”, HLV Park Hang Seo nhận định.
TỔNG QUAN CÁC ĐỘI BÓNG TẠI BẢNG D • Nepal - Hạng FIFA (ĐTQG): 161 - Tham dự ASIAD 1 lần (2014) - Thành tích tốt nhất: Vòng bảng (Thắng 0, hoà 0, thua 3 | ghi 0 bàn, lọt 13 bàn). • Pakistan - Hạng FIFA (ĐTQG): 201 - Tham dự ASIAD: 3 lần (2002, 2006, 2014) - Thành tích tốt nhất: Vòng bảng (Thắng 0, hoà 1, thua 7 | ghi 2 bàn, lọt 23 bàn). • Việt Nam - Hạng FIFA (ĐTQG): 102 - Tham dự ASIAD: 4 lần (2002, 2006, 2010, 2014) - Thành tích tốt nhất: Vòng 1/8 (2010, 2014) (Thắng 4, hoà 1, thua 8 | ghi 17 bàn, lọt 24 bàn). • Nhật Bản - Hạng FIFA (ĐTQG): 61 - Tham dự ASIAD: 4 lần (2002, 2006, 2010, 2014) - Thành tích tốt nhất: Vô địch (2010) (Thắng 17, hoà 0, thua 4 | ghi 45 bàn, lọt 14 bàn). Lịch thi đấu của U23 Việt Nam 16h ngày 14/8: U23 Việt Nam vs U23 Pakistan 19h ngày 16/8: U23 Nepal vs U23 Việt Nam 16h ngày 19/8: U23 Nhật Bản vs U23 Việt Nam |
Vũ Mạnh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất