04/06/2019 08:53 GMT+7 | Các ĐTQG
(giaidauscholar.com) - Trong quá khứ, King’s Cup từng là điểm đến của nhiều ngôi sao đẳng cấp thế giới. Nhưng năm nay, đến đội tuyển Trung Quốc còn chê, không thèm tham dự giải đấu này.
Theo kế hoạch ban đầu, Thái Lan tính mời Trung Quốc, nhưng đội bóng này chê giải đấu chất lượng kém. El Salvador được mời thay thế, nhưng rồi đội bóng hạng 71 FIFA này cũng rút lui, và phương án cuối cùng được chốt lại là Curacao, đội bóng có cái tên lạ hoắc đến từ Caribe và xếp hạng 84 thế giới.
Từng là giải giao hữu uy tín
Đầu năm 2000, Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) đã hết sức chịu chơi khi chi ra 1,7 triệu USD (thật ra, 1 triệu USD do hãng Volvo tài trợ) để mời đội tuyển Brazil tham dự King's Cup. Sân Rajamangala dạo đó đã chào đón những ngôi sao lớn bậc nhất thế giới như Rivaldo, Ronaldinho, Emerson, Roberto Carlos, Cafu, Lucio,... những người khi đó đang là đương kim á quân World Cup, và 2 năm sau đã bước lên đỉnh thế giới trên đất Nhật - Hàn. Để mời được Brazil, Thái Lan đã vượt qua Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, và Indonesia. Dù đội nhà thua 0-7, nhưng người hâm mộ Thái Lan vẫn hớn hở vì được xem các siêu sao bằng da bằng thịt thi đấu.
Đó chỉ là một số trong nhiều danh thủ đã tham dự King's Cup, như Cha Bum-kun, Peter Schmeichel, Jesper Olsen, Brian Laudrup, Henrik Larsson, Robert Lewandowski. Hay mới năm ngoái, đội bóng hạng 28 thế giới Slovakia cũng cử đội hình rất mạnh sang Bangkok, với những cái tên như Martin Dubravka (Newcastle), Martin Skrtel (Fernebahce), Milan Skriniar (Inter Milan).
Ở giải đấu năm nay, hai gương mặt tạm gọi có đẳng cấp nhất là Leandro Bacuna và Cuco Martina của đội tuyển Curacao vốn mòn đũng quần ở Cardiff City và Everton. Đội tuyển Ấn Độ đến từ Nam Á, một vùng trũng của bóng đá châu lục, và Việt Nam, đại diện còn lại của khu vực Đông Nam Á. Cũng chính vì có sự hiện diện của Việt Nam và Ấn Độ, mà Trung Quốc chê bai giải đấu này, dù thực tế đội bóng Đông Á này cũng đang sa sút nghiêm trọng, và chưa chắc đã thắng nổi những đại diện Đông Nam Á mà họ từng bắt nạt.
Toan tính của người Thái
Vì sao Thái Lan không thể mời được các đội lớn? Trước hết, vì uy tín của họ đã bị giảm sút mạnh bởi những thành tích kém cỏi suốt hơn một năm qua. Nhưng lý do thứ hai, là chính họ cũng không hào hứng với các đội bóng lớn và ngôi sao lớn, do các quan chức FAT đặt quá nặng chuyện ăn thua vào đây, nhất là khi họ đã bị Việt Nam liên tục vượt mặt trong hơn một năm qua. Có thể các quan chức FAT nghĩ rằng đây là cơ hội để lấy lại danh dự sau khi từng thảm bại 1-4 trước Ấn Độ hồi đầu năm, và liên tục đi sau Việt Nam ở tất cả các giải đấu suốt hơn 1 năm qua (VCK U23 châu Á 2018, ASIAD 2018, AFF Cup 2018, và Asian Cup 2019).
Việc King’s Cup, vốn được tính là giao hữu hạng A của FIFA, diễn ra ngay trước thềm lễ bốc thăm vòng loại World Cup 2022 khiến cho việc tham dự giải đấu này trở nên tương đối quan trọng. Việt Nam đang đứng thứ 16 châu Á, Ấn Độ thứ 18 và Thái Lan thứ 20. Nếu Ấn Độ dự King’s Cup 2019 mà có điểm, rất có thể họ sẽ vượt qua Việt Nam, để qua đó được xếp ở nhóm hạt giống số 2 của vòng loại World Cup 2022. Chính vì thế, việc Thái Lan mời Ấn Độ, rồi lại mời Việt Nam, khiến chúng ta rơi vào tình thế khó có thể chối từ.
Về phần đội chủ nhà, việc chỉ mời những đội xếp trên mình, nhưng không chênh lệch về đẳng cấp rõ ràng thể hiện ý đồ kiếm điểm chứ không phải mong muốn cọ xát với những đối thủ đẳng cấp thế giới, hay mang bóng đá đỉnh cao về Thái Lan. Ngoài ra, việc BTC cố tình đổi thể thức thi đấu để tổ chức lại lễ bốc thăm, với kịch bản Thái Lan gặp Việt Nam, là một động thái khá khôn ngoan nhằm thu hút người hâm mộ đến sân, cũng như chào hàng bản quyền của giải đấu.
Việc Next Media mua bản quyền King’s Cup 2019 với giá 7 tỷ đồng chính là chiến thắng đầu tiên trong toan tính của người Thái (mọi năm, con số này chỉ khoảng 1 tỷ), dù nó mang đậm tính thương mại.
Tuấn Cương
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất