26/08/2020 06:34 GMT+7 | Các ĐTQG
(giaidauscholar.com) - Đổi mới lối chơi được coi như bài toán khó cho ông Park đi tìm lời giải để có được đáp án tương thích. Với bóng đá Việt Nam, sơ đồ 3-4-3 được dùng ở các cấp độ đội tuyển cũng như giải đấu khác nhau đã có nhiều thành công.
Tuy vậy, qua thời gian thì ngoài việc đối thủ nhận diện chính chúng ta cũng mòn dần những ý tưởng để chơi, tạo ra bất ngờ khi thi triển. Bản thân ông Park hơn một lần chia sẻ rằng sau giai đoạn phát huy được hiệu quả, có những thành công vừa qua, đã đến lúc các đội tuyển Việt Nam cần phải có sự thay đổi để thích ứng với tình thế đặt ra trong tương lai.
Việc thời gian còn lại trong năm 2020 đủ rộng dài là lúc ông Park bắt tay vào việc bằng những cải tổ đầu tiên từ đội U22 Việt Nam, mà theo lời ông Park là làm mới về chiến thuật dựa trên thay đổi trong cách tổ chức tấn công.
Đội hình vẫn là 3 trung vệ làm nền tảng nhưng tuyến giữa sẽ khác, với mong muốn cầu thủ kiểm soát bóng tốt hơn, chủ động và linh hoạt hơn. Dựa vào đây, ông Park muốn học trò tăng tỷ lệ kiểm soát bóng cũng như quãng đường di chuyển phải dày lên theo chiều hướng áp sát vào phần sân đối phương trong mỗi trận đấu.
Sơ đồ quen thuộc 3-4-3 được biến chuyển sang 3-5-2 (hoặc tỉ mỉ hơn là 3-1-4-1-1) cho cách bố trí con người, vận hành chiến thuật để tạo ra những thay đổi này. Có nghĩa, đội hình vẫn theo nền tảng 3 trung vệ với sự cơ động của 2 cầu thủ chạy cánh quen thuộc, trong khi khu vực trung tuyến sẽ được tăng cường nhân sự để chuyển hóa được trạng thái nhanh, áp đặt được đối thủ trong thế trận chứ không đơn thuần chỉ chơi phòng ngự phản công.
Theo những cải biến này, tuyến giữa từ việc sử dụng bộ đôi tiền vệ trung tâm (1 công-1 thủ) như trước sẽ tăng lên 3 cầu thủ trên sân. Lúc này, sẽ có 1 người đảm trách công việc dọn dẹp, trong khi 2 nhân tố còn lại sẽ chú trọng nhiều hơn trong mặt trận tấn công.
Những ý định này đã được ông Park cùng cộng sự bắt tay thực hiện từ đợt hội quân của đội U22 hiện tại. Không phải ngẫu nhiên khi ông Park đã gọi 18 cầu thủ thi đấu ở các vai trò khác nhau cho tuyến giữa, trong đó có đến 10 tiền vệ trung tâm.
Cụ thể hơn, trong những trận chia đội hình đá tập chiến thuật gần đây đã thấy sơ đồ 3-5-2 với bộ ba tiền vệ trung tâm cùng những biến thể khác nhau được áp dụng để thử nghiệm.
Theo đó, một đội hình được bố trí 2 tiền vệ phòng ngự với vai trò khác nhau khi Phạm Văn Luân (Cần Thơ) được giao nhiệm vụ làm máy quét trước 3 trung vệ, còn Lý Công Hoàng Anh (Hà Tĩnh) sẽ quán xuyến trục dọc cùng lúc Nguyễn Hai Long (Than Quảng Ninh) làm cầu nối trong tấn công. Bên phần sân đối diện, ông Park bố trí cả 3 tiền vệ cùng có thiên hướng tấn công là Uông Ngọc Tiến (Phố Hiến), Nguyễn Hữu Thắng (Bình Định) và một người vốn dĩ đá tiền đạo được kéo lùi xuống là Hồ Thanh Minh (Huế).
Nhìn vào những bố trí của 2 đội hình như trên, có thể thấy việc tăng cường con người cho tuyến giữa với nhiều biến thể khác nhau trong cách chơi là câu chuyện ông Park đang thực hiện. Về cơ bản, vào lúc này thì quân số U22 trong tay ông Park vẫn còn khá nhiều sự lựa chọn để xoay sở các vị trí với những mục đích khác nhau để có được kết quả như ý.
Từ những thử nghiệm này sẽ có một Dụng Quang Nho (HAGL) trong vai trò đá trụ với nhiệm vụ dọn dẹp trước 3 trung vệ, trong khi Nguyễn Hồng Sơn (Quảng Nam) có thể chơi tự do khi đáp ứng tiêu chí bao quát, thu hồi bóng, chuyền dài tốt và xâm nhập vòng cấm.
Bên cạnh đó, nếu Nguyễn Hai Long (Than Quảng Ninh) có được tốc độ, khả năng xử lý bóng trong phạm vi hẹp thì Lý Công Hoàng Anh (Hà Tĩnh) sẽ chơi trong vai trò tiền vệ con thoi đúng nghĩa.
Tóm lại, nhìn từ những con người cũng như thử nghiệm của ông Park với lứa U22 sẽ mường tượng ra được hình hài mới, tâm thế mới trong chiến thuật của các cấp độ đội tuyển Việt Nam sau đây.
Ở đó, thay đổi lớn nhất sẽ dựa vào lối chơi linh hoạt của tuyến giữa với tiêu chí kiểm soát bóng nhiều hơn, chủ động áp đặt lối chơi chứ không đơn thuần phòng ngự phản công như lâu nay vẫn thấy.
Trần Tuấn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất