Thanh Hóa thay 'tướng': Chuyện mới nhưng vấn đề cũ

10/06/2020 08:10 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com) - LS V-League 2020 mới qua 3 vòng đấu nhưng “lò xay” HLV đã bắt đầu khởi động. Nhìn quanh tình hình ở vài đội bóng vào lúc này, đã thấy “nóng” nhiều ghế cầm quân khi cầu thủ chơi không tốt. Rộng hơn vài năm qua, rất nhiều HLV ngoại đã đến rồi đi sau thời gian làm việc ngắn ngủi với môi trường bóng đá quốc nội.

CLB Thanh Hóa thay 10 HLV chỉ trong vòng 5 năm

CLB Thanh Hóa thay 10 HLV chỉ trong vòng 5 năm

Kể từ cuối năm 2014 cho đến nay, CLB Thanh Hóa đã trải qua tổng cộng 10 đời HLV.

Mùa giải đang bước vào giai đoạn khốc liệt vì thế nhiều ghế HLV lung lay với vô vàn áp lực. Tại sao những ông thầy ngoại không thể trụ lại dài lâu ở sân chơi chuyên nghiệp của chúng ta? Câu chuyện không hề mới cũng như bản chất vẫn rất cũ này đã được chuyên gia bóng Đoàn Minh Xương nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau trong buổi trò chuyện cùng Thể thao&Văn hóa.

Chuyện “thay tướng đổi vận” luôn được dùng như liệu pháp tâm lý

“Việc Thanh Hóa cho HLV Fabio Lopez nghỉ việc sau có 3 vòng đấu thật ra cũng không quá ngạc nhiên bởi chỉ có hơn 1 năm mà họ dùng đến 4-5 HLV thì cũng đủ để thấy được vấn đề”, chuyên gia Đoàn Minh Xương mở đầu câu chuyện như thế.

Ông Xương lý giải: “Trước đây chúng ta có thể không tính nữa nhưng V-League năm nay quá căng thẳng, tính cạnh tranh sẽ cao hơn rất nhiều. Thể thức đá mới mẻ như thế, rất ít cơ hội cho các đội sửa sai nếu không có sự chuẩn bị tốt hay vấp váp vài trận sẽ bị tụt lại phía sau ngay.

Tính cạnh tranh cao đã đẩy các đội bóng vào tình cảnh chịu áp lực, áp lực đó hẳn nhiên đổ dồn lên vai người cầm quân đầu tiên. Hơn nữa, khi thành tích vài trận không ổn, lập tức phương án “thay tướng đổi vận” nặng về yếu tố tâm lý được đem ra dùng”.

“Không chỉ riêng Thanh Hóa, chúng ta thấy bắt đầu đã có tín hiệu phát đi từ HAGL hay SHB Đà Nẵng như râm ran tin ghế HLV ở những đội bóng này cũng sắp được thay. Rõ ràng áp lực là chỗ đó, khi thành tích không tốt, người ta cần điều gì đó để sửa sai tức thời trước đã, trong khi ngọn nguồn chưa hẳn nằm vào năng lực chuyên môn của HLV”.

Chuyên gia Đoàn Minh Xương khẳng định những HLV như Lê Huỳnh Đức hay Lee Tae Hoon đều có năng lực, phẩm chất tốt của mỗi người, chứ không phải họ dở: “Tôi cho rằng anh Huỳnh Đức hay ông Lee đều có năng lực tốt, nhưng bối cảnh cụ thể của đội bóng vào lúc này không thể đòi hỏi gì hơn ở họ.

Chú thích ảnh
Chuyên gia bóng Đoàn Minh Xương

Với SHB Đà Nẵng, sau nhiều năm làm việc, HLV Lê Huỳnh Đức đã có những thành công cùng danh hiệu, đó là chuyện đã qua. Còn vào lúc này, nhìn vào con người của Đà Nẵng, cả nội binh lẫn ngoại binh như thế, thật lòng khó làm được gì như quá khứ đã có với bóng đá nơi đây.

Cũng có thể có một chút sai lầm của HLV Lê Huỳnh Đức đó là muốn thay đổi đội bóng với cách chơi mới nhưng tiếc rằng họ không đủ con người để đáp ứng yêu cầu đó. Chuyển sang đá nhỏ, đá kiểm soát bóng thì vẫn thấy ở Đà Nẵng, tuy thế nó chưa thể đạt đến độ nhuẫn nhuyễn để thành sở trường vào thời điểm này. Trong khi đó, muốn quay về chơi kiểu “đầu-cánh-cổ” như ngày trước thì đâu còn những Almeida hay Merlo để làm trung tâm”.

“HAGL lại là câu chuyện khác bởi con người họ tốt, đều là tuyển thủ quốc gia cả mà. Tuy vậy, tôi cho rằng triết lý hay tư duy cầm quân của HLV Lee chưa phù hợp ở đội bóng phố Núi.

Nói cách khác, để tạo ra tính kết dính, có bản sắc trong cách chơi của HAGL cần kiên nhẫn và quyết đoán. Chẳng hạn, lâu nay HAGL chơi hoa mỹ, đẹp mắt nhưng không mấy hiệu quả thì lập tức chuyển sang đá thực dụng, xù xì ngay. Như thế cũng không ổn vì nó khó để tiếp nhận nhanh chóng hay thay đổi triết lý ngày một ngày hai được”.

HLV ngoại không thể gắn bó lâu dài: câu chuyện mới - vấn đề cũ

V-League nhiều năm qua, đã có những HLV ngoại đến nhưng rồi cũng đi rất nhanh. Người gắn bó lâu, để lại thành công cũng có nhưng quá ít. Những nhà cầm quân như thế đa phần đều có chuyên môn giỏi, tính chuyên nghiệp cao nhưng không thể hòa nhập để phải chia tay.

Chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng nguyên nhân thì nhiều, tựu trung nằm ở mấy vấn đề cốt lõi cả trên khía cạnh chuyên môn lẫn câu chuyện hậu trường: “Đó có thể từ rào cản ngôn ngữ, khác biệt về văn hóa, năng lực cầm quân cho đến tư duy làm bóng đá của ông chủ hay cả những chuyện “bếp núc” nhạy cảm khác trong quá trình cộng tác”.

Ông Xương nhìn nhận: “Rõ ràng chúng ta thiếu đi sự chuyên nghiệp trong tất cả các khâu, các bộ phận để tạo ra được môi trường khả dĩ nhất cho đội bóng cũng như HLV làm việc ở đó. Quá ít đội bóng có được tính ổn định, chiến lược căn cơ, dài lâu nhất.

Chú thích ảnh
HLV Fabio Lopez là thầy ngoại đầu tiên bị mất việc ở LS V-League 2020. Ảnh: Mạnh Cường

Hầu hết đều phụ thuộc vào bầu sữa doanh nghiệp, nếu ông chủ đầu tư nhiều thì mùa đó ổn định, còn khi họ “hắt hơi sổ mũi” lập tức đội bóng lao đao ngay. Ngôn ngữ khác, văn hóa khác mà rào cản như thế rất dễ dẫn đến những va đập không đáng có rồi thành bất đồng. Chúng ta thấy vì sao ông Park đang thành công với bóng đá Việt Nam thời gian qua như thế. Bởi đơn giản, ngoài tài năng của mình, ông còn quá tường tận tính cách, tâm lý và những chuyện nhỏ nhặt thường ngày nhất của học trò mình để tạo ra được sự sẻ chia, thân thương, gần gũi”.

“Khi chưa có được những hiểu biết nhất định hay nắm bắt ngọn ngành tâm lý cầu thủ, rất khó để tạo ra môi trường tốt nhất trong việc cầm quân. Chưa nói đến chuyện những giáo án đôi khi không phù hợp với thể trạng hay tư chất của cầu thủ Việt.

Vì thế, không dễ để HLV ngoại lập tức tạo dấu ấn khi làm việc với chúng ta. Để thành công, họ cần thời gian xây nền móng, định hình triết lý, chờ đợi phương pháp huấn luyện ăn sâu vào từng cầu thủ.

Nếu mọi thứ không ổn đôi khi vô tình tạo ra những “hố sâu” ngăn cách giữa thầy và trò, thậm chí chuyện không tin tưởng kiểu “một mất mười ngờ” về cầu thủ cũng đã từng xảy ra”.

Chuyên gia Đoàn Minh Xương chốt lại câu chuyện với những đánh giá được nhìn trên góc độ quản lý: “Thêm vào đó câu chuyện dài tay của ông chủ hay lãnh đạo đội bóng trên khía cạnh chuyên môn cũng là vấn đề muôn thưở khiến chuyên gia ngoại quốc cho rằng mình không được tôn trọng.

Chúng ta không lạ gì chuyện nhiều ông bầu quyết định mua sắm con người theo ý thích hay quan điểm của cá nhân mình chứ không phải là HLV. Thậm chí, chuyện những vị Chủ tịch CLB ngồi khu kỹ thuật hay vào phòng thay đồ để cầm sa bàn chỉ đạo phải đá thế này thế khác, rồi thay cầu thủ này, không dùng người kia cũng không hiếm với bóng đá chúng ta”.

Cho đến lúc này đã có quá nhiều nhà cầm quân ngoại quốc phải ra đi “không kèn không trống” khi bật bãi khỏi sân chơi V-League. Hôm nay có CLB này sa thải HLV A, ngày mai đội bóng khác chia tay ông B là thông tin mới hay nạn nhân mới. Còn nhìn vào bối cảnh, tư duy, triết lý cũng như môi trường bóng đá chúng ta thì đó vẫn như câu chuyện cũ, vấn đề cũ mà thôi”.

Trần Tuấn (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm