05/03/2011 07:21 GMT+7 | Italy
(TT&VH Cuối tuần) - Cả 3 đại diện Serie A đều thất bại ở lượt đi vòng 1/8 Champions League ngay trên sân nhà, trong khi Napoli cũng không thể giành vé vào vòng 1/8 Europa League. Điều đó cũng đồng nghĩa, Serie A sẽ chỉ được cử 3 đại diện tham dự Champions League từ 2012-2013, mất suất thứ tư vào tay Bundesliga. Một hiện thực đầy cay đắng nhưng đã được dự báo trước.
Bi kịch chưa có hồi kết
Có một nghịch lý đang tồn tại ở Serie A và bóng đá châu Âu. Cho đến thời điểm này, tức trước khi bước vào trận lượt về với Bayern Munich, Inter vẫn đang là nhà đương kim vô địch Champions League - giải đấu danh giá nhất châu Âu ở cấp độ câu lạc bộ. Tính trong 4 mùa giải gần đây, Serie A có đến hai nhà vô địch Champions League (Milan năm 2007), nhiều gấp đôi Premier League (Man United 2008) và La Liga (Barcelona 2009). Vậy mà, bóng đá Italia giờ không còn nhiều ảnh hưởng trên đấu trường châu Âu.
Nỗi đau của Inter khi bại trận trước Bayern ở Champions League - Ảnh Getty |
Thực tế là sau những gì diễn ra ở lượt đi vòng 1/8 Champions League vừa qua, với cả 3 đại diện Milan, Inter và Roma cùng phải nếm trái đắng ngay trên sân nhà, Serie A chỉ còn là quyền lực hạng hai ở châu Âu, đứng sau các giải đấu Premier League, La Liga và Bundesliga.
Đây là một bi kịch với người Italia, nhưng nó không bất ngờ và đã được cảnh báo trước. Mùa trước, nếu Inter không vào đến chung kết và đăng quang sau 45 năm dài chờ đợi, Serie A thậm chí đã bị Bundesliga qua mặt sớm hơn. Nỗ lực của Inter chỉ cứu cho Serie A thêm được mùa giải 2011-2012, và rồi giờ đây ngay chính đội bóng của Chủ tịch Massimo Moratti cũng đang rơi vào cảnh lao đao.
Vì sao Serie A xuống dốc nhanh đến thế? Để tìm câu trả lời, cần đi ngược về khoảng thời gian một thập niên trước. Khi ấy, Serie A bắt đầu có sự phân hóa trầm trọng bởi ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế. Những cái tên như Fiorentina, Napoli và Genoa buộc phải thay tên đổi họ, trong khi hai quyền lực mới Lazio và Parma cũng lao đao (Parma sau đó thậm chí phải xuống hạng).
Nhưng chỉ đến khi Calciopoli nổ ra thì Serie A mới rơi vào cảnh chết yểu. Juventus - vốn luôn đá rất tốt ở vòng bảng Champions League và thường có mặt ít nhất là tứ kết, bị giáng xuống Serie B. Fiorentina, Lazio điêu đứng, Milan cũng bị ảnh hưởng. Calciopoli đã đẩy không ít cầu thủ đang ở đỉnh cao phong độ rời Serie A ra nước ngoài, hoặc xuống Serie B. Những thế lực thực sự của Serie A bị giết chết bởi Calciopoli, và thay vào đó là một loạt đội bóng trung bình yếu đại diện cho đất nước hình chiếc ủng bước ra sân chơi châu Âu.
Vì lẽ đó, Serie A trở nên thua thiệt so với Bundesliga, thậm chí Ligue 1 cũng đang gây áp lực phía sau, là điều không quá khó hiểu. Khi Juventus vẫn đang tìm lại chính mình và trải qua một loạt bất ổn (5 đời HLV kể từ mùa 2006-2007 đến nay), Roma thì chưa bao giờ được kỳ vọng, hai niềm hy vọng chính đến từ thành Milano đều có những khó khăn nhất định.
Milan - lá cờ đầu của Serie A khi bước ra châu Âu - sa sút thảm hại vì không còn tiền để đầu tư làm mới một đội hình đã cũ kỹ. Danh hiệu quán quân mùa 2006-2007 mà Milan giành được chỉ là tiếng gầm cuối cùng của một con mãnh thú bị đẩy vào đường cùng. Từ đó đến nay (chưa tính mùa này), Milan chỉ vật vờ ở Serie A và không một lần vượt qua được vòng 1/8 Champions League. Ngay cả Cúp UEFA (mùa giải cuối cùng trước khi đổi thành Euopa League) cũng vượt quá tầm của Milan.
Còn Inter? Không thể phủ nhận Inter là đội bóng mạnh nhất châu Âu mùa trước, khi giành cú ăn ba lịch sử (chưa từng có trong tiền lệ bóng đá Italia), nhưng đóng góp của Nerazzurri cho Serie A trên bảng xếp hạng 5 năm của UEFA là không nhiều. Nói chính xác hơn, sau những năm tháng sắm vai “gã học việc” ở Champions League, Inter chỉ “nổi” lên bất chợt trong mùa trước nhờ Jose Mourinho. Không còn Mou trên ghế huấn luyện, Inter trở nên bi thảm cùng Rafa Benitez và chưa cho thấy được bản lĩnh nhà ĐKVĐ châu Âu dưới bàn tay Leonardo.
Việc Serie A chỉ còn 3 đại diện dự Champions League từ 2012-2013 sẽ là nỗi hổ thẹn đối với giải đấu có đến 3 lần đăng quang (bằng La Liga, hơn 1 lần so với Premier League). Nhưng nỗi hổ thẹn này có vẻ như chưa dừng lại.
Giải đấu nghèo và những kẻ thiếu trách nhiệm
Serie A đã xuống cấp, và một trong những nguyên nhân gây ra vấn đề này là tình hình tài chính. Cái thời mà bóng đá Italia thao túng thị trường chuyển nhượng, và những ngôi sao hàng đầu thế giới đổ hết về đất nước hình chiếc ủng, giờ chỉ còn là dĩ vãng. Việc mua bán ở Serie A chỉ là những cái tên trung bình, những gương mặt bị đào thải ở các giải đấu khác, hoặc trao đổi cầu thủ.
Trong hai kỳ chuyển nhượng gần nhất, Milan chơi sang nhưng thực tế toàn hàng dạt hoặc miễn phí. Trừ 18 triệu euro cho Robinho, Milan gần như không tốn đồng nào để có Ibrahimovic, Boateng, Cassano, van Bommel. Sau khi đã lên đến đỉnh cao, Inter cũng không còn mặn mà trong việc mua sắm nữa. Fiorentina, Roma, Lazio, Palermo chỉ kiếm những người ít tên tuổi, hoặc không tốn phí. Juve và Napoli là chịu chơi nhất, nhưng chủ yếu là nhờ các thế lực chống lưng.
Ở Anh, luôn có những ông chủ nước ngoài nhảy vào giúp đỡ khi một CLB gặp khó về kinh tế. Tại Tây Ban Nha, trào lưu này cũng đang xuất hiện, với Malaga là kẻ tiên phong và Racing mới tiếp bước. Không có tiền đầu tư từ nước ngoài, thì các cổ đông hoặc ngân hàng cũng chấp nhận cưu mang. Nhưng ở Italia thì khác.
Hãy xem, một CLB lớn như Roma đang là con nợ và phụ thuộc toàn bộ vào sự điều hành của ngân hàng. Thời gian qua, Chủ tịch Rosella Sensi liên tục đàm phán nhưng vẫn không tìm ra nguồn tài trợ. Roma đã thế, các đội bóng trung bình và nhỏ càng khốn đốn hơn. Việc Bologna hai lần bị trừ điểm (tổng cộng là 3 điểm) do những vấn đề tài chính được xem là bài học cho các đội bóng khác. Thế nên, người ta càng tính toán chặt chẽ hơn khi chi tiêu.
Trong hoàn cảnh đó, các CLB sẽ cố gắng chiến đấu ở Serie A nhằm kiếm một vé dự Cúp châu Âu. Nhờ có những chiếc vé ấy, họ sẽ nhận được một khoản thưởng đáng kể, cùng tiền tài trợ và bản quyền truyền hình. Sau đó, chẳng ai dại gì mà căng sức ra đá. Những kẻ ấy hiểu rằng, căng sức ra đá kiếm thêm không bao nhiêu sau từng trận, trong khi cơ hội tiến xa là gần như không có. Hơn nữa, với đội hình không được đầu tư, dốc hết sức cho mặt trận châu lục để rồi xuống hạng Serie B là điều hoàn toàn có thể. Chievo mùa 2005-2006 là một bài học (dự Champions League nhờ Calciopoli, cuối mùa xuống hạng).
Các CLB thiếu trách nhiệm, nhưng họ không còn sự lựa chọn nào khác. Cứu giải đấu, vậy ai cứu chính mình? Những người yêu Serie A cảm thấy buồn và hổ thẹn cho giải đấu từng là số một thế giới. Nhưng thực tế những gì mà Serie A đang trải qua cũng là thực trạng chung của nền kinh tế và xã hội Italia.
Ngọc Linh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất