29/08/2016 05:19 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Trong phần thi ứng xử, cô gái Hà Nội sinh năm 1996 Đỗ Mỹ Linh đã nhận được một câu hỏi phải nói là rất khó: “Nhiều bạn trẻ lấy việc làm việc hết mình, hưởng thụ tối đa làm phương châm sống. Bạn có đồng ý với quan điểm này không”?
Câu hỏi này đặt người trả lời vào trạng thái không thể đồng tình, cũng không thể phản bác, vì nó ẩn chứa cả ý nghĩa tích cực và tiêu cực.
Phút đăng quang của Mỹ Linh. Ảnh Khánh Nguyễn
“Làm việc hết mình” dĩ nhiên là điều đáng hoan nghênh rồi, nhưng để rồi sau đó “hưởng thụ tối đa” thì lại hơi gờn gợn. Đành rằng, trong cuộc sống, chúng ta vẫn thường hay nói nhau, rằng hãy “làm ra làm, chơi ra chơi”, hoặc “làm hết sức, chơi hết mức”… nhưng nếu nâng lên thành phương châm sống thì lại có điều gì không ổn.
Hai chữ “hưởng thụ”, nhất lại là “hưởng thụ tối đa” ít nhiều mang nghĩa “sống gấp”, “hiện sinh”... Nó làm giảm đi phần “cống hiến” ở vế đầu. Xét theo nghĩa đen, trong cuộc sống thì sau khi làm việc hết mình, chúng ta cũng không nên “hưởng thụ tối đa” hết cả những thành quả lao động đã đạt được, mà nên có phần “tích lũy”, “sẻ chia”...
Đúng là trong cuộc sống hiện đại, phương châm “làm việc hết mình, hưởng thụ tối đa” cũng khá phổ biến, khá Âu hóa. Nhưng cách sống đó có thể tốt cho bản thân và không làm tổn hại đến ai, nhưng không thể nói là đáng tôn vinh.
Trong khoảnh khắc, cô sinh viên Đại học Ngoại thương đã chuyển hóa câu hỏi khó này thành một triết lý rất đẹp theo cách hết sức thông minh, sắc sảo.
“Em có băn khoăn một chút hai chữ “hưởng thụ”. Em muốn thay bằng hai chữ “tận hưởng”. Khi mình làm việc hết mình thì mình xứng đáng có được kết quả, mình có thể tận hưởng công việc mình đã làm” - cô trả lời.
Thay chữ “hưởng thụ” bằng chữ “tận hưởng”. Một cách “né” câu hỏi quá khôn ngoan. Cô đã biến vế sau ra nghĩa tích cực hoàn toàn. “Tận hưởng” khác với “hưởng thụ” ở chỗ mang nhiều ý nghĩa tinh thần hơn.
Bằng việc khéo léo gắn chữ “tận hưởng” với "kết quả công việc" (thay cho chữ “hưởng thụ” và “tối đa), Đỗ Mỹ Linh đã “bẻ lái” từ sự hưởng thụ nặng về vật chất sang ý nghĩa tinh thần cao đẹp, rất hiện đại, rất trẻ trung. Nó là sự đối xứng đẹp đẽ với vế thứ nhất “làm việc hết mình”.
Đỗ Mỹ Linh cũng từng "làm việc hết mình"
Lần giở lại hành trình đến ngôi hậu của Đỗ Mỹ Linh, tôi có cảm giác rằng, cái triết lý nói trên đã thấm vào cuộc sống của cô. Báo Tiền phong - BTC cuộc thi cho hay, trong phần thi Hành trình nhân ái, Đỗ Mỹ Linh đã đến và ở lại xã Nga Quán, một xã miền núi còn nghèo nàn và thiếu thốn. Thậm chí, người dân nơi đây vẫn còn phải sống trong cảnh sinh hoạt không có điện và ánh sáng.
Với gói tài trợ 100 triệu đồng, cô và ê- kíp đã đến thực hiện các hạng mục lắp đặt trụ và bóng đèn điện dọc theo trực đường liên xã Nga Quán – Minh Bảo – Cường Thịnh.
Cô đi kéo dây điện...
Nhìn vào hành trình của cô trong 2 ngày ở đây, sẽ chứng kiến cô đi kéo dây điện, đẩy xe cút kít chở vật liệu xây dựng như một người thợ hồ…
Những ngày còn làm việc trong bóng tối, khi điện chưa về
Cũng đáng là những ngày “làm việc hết mình”, để cuối cùng, người ta đã thấy được “sự tận hưởng” của cô khi chứng kiến thành quả lao động của mình: điện đã về.
Những bức ảnh ghi lại nụ cười hân hoan, ngây ngất của cô khi cùng các em đón dòng điện về cho thấy cô đã thực sự đã trải nghiệm với triết lý mà cô đã nêu ra trong đêm chung kết “Làm việc hết mình, tận hưởng cuộc sống theo cách riêng của mình”.
Xin chúc mừng Đỗ Mỹ Linh. Cô gái cao 1m71, nặng 52kg, số đo 87-61-94 này đã vượt qua được ứng viên sáng giá nhất của Cuôc thi – Ngô Thanh Thanh Tú, người cao tới 1m80 và được mệnh danh là “siêu vòng 3” với số đo: 81-62-99. Dường như điểm cộng từ câu trả lời ứng xử đã giúp Đỗ Mỹ Linh chiến thắng.
Và quan trọng hơn, tôi mong rằng với triết lý sống nêu trên, cô sẽ tiếp tục “chiến thắng” trong 2 năm tiếp theo đồng hành cùng ngôi vị Hoa hậu và trong suốt cuộc đời mình.
Đông Kinh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất