Hoa hậu Thế giới bỏ thi áo tắm: Định nghĩa lại hoa hậu

21/12/2014 06:51 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - “Chúng ta không nhìn vào mông cô ấy. Chúng ta muốn nghe cô ấy nói”. Với những lời này, BTC cuộc thi Hoa hậu Thế giới (Miss World) khẳng định vòng thi áo tắm, vốn gây tranh cãi nhất, sẽ bị loại khỏi cuộc thi năm sau.

Từ năm 1951, Hoa hậu Thế giới đã được tổ chức với thí sinh đến từ 120 nước. Lúc đó đã có phần thi áo tắm. Những năm gần đây, BTC Hoa hậu Thế giới liên tiếp nhấn mạnh thông điệp “đẹp vì một mục tiêu cao cả”. Giờ đây, họ hiện thực hóa điều đó bằng một cách thức triệt để là bỏ hoàn toàn phần thi áo tắm – phần thi thường hấp dẫn và được đón đợi nhiều nhất trong các cuộc thi sắc đẹp.

Thông tin được Chủ tịch tổ chức Hoa hậu Thế giới là bà Julia Morley công bố cuối tuần trước, trong khuôn khổ cuộc thi năm nay. Quyết định này sẽ được thực hiện từ cuộc thi năm 2015.

Vì “hoa hậu không nên là nữ hoàng sắc đẹp”

Những ai cho rằng hoa hậu đơn thuần là cuộc thi về nhan sắc sẽ cần phải nghĩ lại, khi chính những nhân vật tổ chức các cuộc thi sắc đẹp cũng phủ nhận điều này. Chris Wilmer, giám đốc tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Mỹ và Hoa hậu Mỹ, nói với ABC News: “BTC Hoa hậu Thế giới bỏ phần thi áo tắm vì đó không phải hướng đi mà họ hướng tới”.

“Hoa hậu Thế giới không thuần túy là thi nhan sắc, mà còn là nhan sắc vì một mục tiêu lớn hơn. Khoe sắc với áo tắm không phải là một trong những mục tiêu đó” - Wilmer nói. Hơn thế, BTC cuộc thi này lên kế hoạch sẽ tập trung hơn vào cống hiến trong các hoạt động thiện nguyện của thí sinh.

Theo đó, Hoa hậu Thế giới “nên là một đại sứ thì hơn là một nữ hoàng sắc đẹp”, như lời Wilmer. “Đó là mục tiêu cao cả hơn và cũng là việc một cô gái nên làm nếu mang trên đầu vương miện Hoa hậu Thế giới” - ông khẳng định. Trong lịch sử cuộc thi, phần thưởng cho người chiến thắng là danh hiệu, vương miện, tiền bạc và danh tiếng, nhưng trách nhiệm không phải là nhỏ.

Mặc dù vậy, quyết định này không có nghĩa người ta sẽ chấm dứt hoàn toàn sự xuất hiện của những bộ áo tắm trên sân khấu Hoa hậu Thế giới. Cuộc thi vẫn có vòng thi Hoa hậu biển, nhưng Wilmer giải thích rằng “vòng thi này sẽ nghiêng về một cuộc thi thời trang hơn là trình diễn áo tắm”. Vòng thi sẽ được thiết kế để giảm sự chú ý đối với thân thể các thí sinh.

Thí sinh Valerie Weigmann (Philippines) đoạt giải phần thi áo tắm tại Hoa hậu Thế giới 2014.

Hoa hậu cũng học Harvard hay chạy đua vào Quốc hội

Theo trang Mic.com, đây là một thay đổi đúng hướng của BTC cuộc thi. “Một bước tiến nhất định trong một lĩnh vực vốn bị chỉ trích vì quảng bá tiêu chuẩn sắc đẹp thiếu lành mạnh và lạm dụng hình ảnh thân thể phụ nữ” – trang này viết.

Trong khi đó, vì vòng thi có tính chất phô bày thân thể này, vẻ đẹp dựa trên mỹ phẩm và trang điểm trở thành trung tâm của các cuộc thi. Một thí sinh có thể tỏa sáng hoặc bị “dìm” là tùy vào trang điểm, cũng như trường hợp của Hoa hậu Việt Nam vừa qua.

Theo cây bút EJ Dickson của trang Daily Dot, bỏ phần thi áo tắm không đơn giản là giảm sự chú ý vào vẻ đẹp thân thể. Việc bỏ phần thi này sẽ khiến dư luận tăng sự chú ý tới các cống hiến và sự độc lập của thí sinh. Dickson chỉ ra rằng, rất nhiều thí sinh trong các cuộc thi hoa hậu thực chất được giáo dục tốt, ăn nói mạch lạc và có tài năng – nhưng những tố chất này không được coi là tiêu chí chính trong các cuộc thi.

Bởi vậy, ý nghĩ “thi hoa hậu là những kẻ nông cạn và nhạt nhẽo” thực chất là một định kiến “không chính xác và xúc phạm”. Tờ New York Times cũng từng tổng kết rằng nhiều hoa hậu sau đó đã đi học ở các trường đại học thuộc nhóm Ivy League danh giá và chạy đua vào Quốc hội Mỹ.

Năm 2014, cựu thí sinh Hoa hậu Mỹ Nancy Redd (tốt nghiệp Đại học Harvard) viết trong một bài báo trên New York Times, rằng các cuộc thi sắc đẹp mang lại cơ hội lớn cho những cô gái, khiến tiếng nói của họ về các vấn đề xã hội được chú ý. “Được gắn với thương hiệu cuộc thi Hoa hậu Mỹ giúp tôi gây tác động đến giới trẻ từ vị trí một nhân vật được họ tôn trọng” - cô tuyên bố.

Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm