Họa sĩ Duy Sơn: Được vẽ biếm họa là niềm hạnh phúc

17/01/2019 06:37 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Trong danh sách các tác giả đoạt giải Biếm hoạ Báo chí Việt Nam - Cúp rồng tre lần thứ V vừa qua (do báo Thể thao & Văn hoá, TTXVN tổ chức) có một gương mặt khá đặc biệt: họa sĩ Nguyễn Duy Sơn. 61 tuổi, cùng đại gia đình với con gái, con rể và cháu ngoại lên Hà Nội nhận giải, ông hồ hởi nói rằng được vẽ biếm họa là niềm hạnh phúc.

Bế mạc Triển lãm Giải Biếm họa báo chí Việt Nam - Cúp Rồng tre lần V-2018

Bế mạc Triển lãm Giải Biếm họa báo chí Việt Nam - Cúp Rồng tre lần V-2018

Diễn ra trong 2 ngày 12 và 13/1/2019, tại phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội), triển lãm 60 bức tranh thuộc giải biếm họa báo chí Việt Nam - Cúp Rồng tre lần V - 2018 (báo Thể thao và Văn hóa)với chủ đề “Ứng xử văn hóa; Xã hội văn minh” đã được người dân, du khách nước ngoài tới thưởng lãm đón nhận và quan tâm nhiệt thành.

Vừa về hưu vài tháng, họa sĩ Nguyễn Duy Sơn giữ kỷ lục là tác giả cao tuổi nhất đoạt giải ở cuộc thi lần này. Và tất nhiên, ông cũng là người có thâm niên theo đuổi con đường này lâu nhất, khi bắt đầu vẽ tranh từ năm 1981- nghĩa là cách đây 37 năm.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Duy Sơn nhận giải từ tay KTS Lý Trực Dũng tại cúp Rồng Tre

Tay phải cầm phấn - tay trái cầm cọ

Khá thú vị, Duy Sơn không học qua một trường lớp nào về mỹ thuật, mà theo học ngành sư phạm tại Bắc Cạn. Khi người viết nhắc tới chuyện “tay phải cầm phấn, tay trái cầm cọ”, ông cười, bảo rằng mình sau khi tốt nghiệp chỉ đi dạy học một năm. Thời gian còn lại, dù vẫn trong ngành giáo dục, nhưng ông được phân sang làm công việc của một cán bộ tổ chức.

Theo nghề giáo, nhưng Duy Sơn sớm tỏ ra có năng khiếu đặc về mỹ thuật và hội họa. Ông kể, vào thập niên 1960, giấy viết khá khan hiếm, mình khi đi học vẫn bị cô giáo phạt vì tội vẽ lung tung lên mặt bàn.

“Thích vẽ, nên mọi thứ đến với tôi rất tự nhiên. Thời thanh niên thì tôi vẽ vào sổ tay lưu bút cho bạn bè, rồi vẽ lên vải trắng, lên khăn tay để chị em thêu – vốn là “mốt” khi ấy. Lớn chút nữa, khi đi học thì chuyên vẽ báo tường” – họa sĩ kể - “Thế rồi năm 1981, tôi bắt đầu vẽ biếm họa và có tranh đăng trên báo.”

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Không lời” của Duy Sơn

Theo lời họa sĩ, lý do khiến ông bén duyên với biếm họa rất đơn giản: trong cuộc sống, có vô vàn cái đáng cười. Và cười một mình thì tất nhiên không thể so sánh với việc gửi gắm suy nghĩ qua những bức vẽ, để tiếng cười ấy lan tỏa và tạo ra hiệu ứng chung cho xã hội.

Những bức biếm họa của Duy Sơn lần lượt xuất hiện trên các báo Văn nghệ, Quân đội nhân dân và nhiều nhất là báo Bắc Thái (khi đó, tỉnh Thái Nguyên vẫn chưa tái lập). Thập niên 1980, 1990 ấy cũng là thời hoàng kim của tranh biếm họa, khi thể loại này nở rộ trên mặt báo.

“Dần dần, tôi thấy bản thân cũng có sự thay đổi về cách tư duy. Giai đoạn đầu, tôi thường vẽ trực diện về những thói hư tật xấu của xã hội như đua đòi kệch cỡm, khinh nhờn pháp luật, nhũng nhiễu dân lành”, họa sĩ kể. “Sau này, tôi muốn gửi gắm ý tưởng vào những hình tượng rộng hơn. Chẳng hạn, tranh biếm xuất hiện thêm những nhân vật dân gian như chú Tễu, hoặc những con vật được nhân cách hóa...”.

Như người nông dân có ruộng để cày

Sự nhân cách hóa mà họa sĩ này nói được thấy rất rõ qua “Không lời” – tác phẩm giành giải khuyến khích của Giải Biếm họa báo chí Việt Nam 2018 (Cúp Rồng Tre lần V) do báo Thể thao & Văn hóa tổ chức. Ở tác phẩm ấy, một ông mặt trời và một chú cá được cách điệu để trở thành người chứng kiến câu chuyện bi hài- khi một nhân viên đưa sếp qua bờ mương...

“Tất nhiên, ai nhìn vào cũng thấy đó là một bức biếm họa về thói xu nịnh. Nhưng xa hơn, tôi muốn hướng về cách ứng xử giữa con người với con người”, họa sĩ chia sẻ. “ Ở ngoài cuộc sống, nếu cách giúp đỡ và chia sẻ cùng người khác, chúng ta nhiều khi cũng lồng vào đó sự ích kỉ, tính toán của mình một cách rất tự nhiên...”

Khá thú vị, năm 2018 này, Nguyễn Duy Sơn cũng từng giành giải ba ở cuộc thi biếm họa mang chủ đề “Phòng chống tham nhũng” do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh & Triển lãm tổ chức. Họa sĩ nói, ngoài hai giải thưởng nhận về, niềm hạnh phúc lớn với ông trong năm qua là việc được thả mình trong sân chơi lớn của biếm họa. Như lời kể, bây giờ, các tờ báo có chuyên mục biếm họa đang ít dần. Đơn cử, ở nơi ông sống, tờ Văn nghệ Thái Nguyên cũng chỉ có chuyên mục này mỗi tuần/lần, vậy nhưng lại có tới 4,5 biếm sĩ cùng chờ dịp... trổ tài

“Tôi rất cám ơn báo Thể thao &Văn hóa đã tổ chức những sân chơi như cúp Rồng tre. Với tôi, sân chơi ấy giống như mảnh ruộng để người nông dân được canh tác trong niềm hạnh phúc của mình”, họa sĩ phát biểu trong lễ trao giải của cúp Rồng tre. “Và niềm hạnh phúc ấy cũng gắn liền với thiên chức của những họa sĩ vẽ tranh biếm: dùng tiếng cười và nét vẽ để bày tỏ quan điểm của mình về cuộc sống hiện tại”.

Họa sĩ đa năng

Họa sĩ Nguyễn Duy Sơn từng nhận giải Xuất sắc về Biếm họa do báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) trao năm 1989 và giải Nhất tranh Biếm họa do tỉnh Bắc Thái trao năm 1993.

Không chỉ vậy, ông còn sáng tác trên nhiều thể loại mỹ thuật khác. Họa sĩ từng nhận nhiều giải thưởng về tranh cổ động, đồng thời từng tổ chức 4 cuộc triển lãm cá nhân kể từ năm 2013 đến 2016. Ở đó, ngoài mảng biếm họa, người xem còn được chiêm ngưỡng những bức tranh đồ họa của ông.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm