23/01/2013 07:01 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Nhắc lại những tháng ngày khó quên trong quá trình đàm phán để ký kết Hiệp định Paris năm 1973, giới ngoại giao vẫn nhớ tới “phái đoàn 37”. TT&VH có cuộc trao đổi đặc biệt với ông Trịnh Ngọc Thái, nguyên thành viên đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp.
Ông Trịnh Ngọc Thái trong cuộc trò chuyện với TT&VH
* Khi nhắc đến Hiệp định Paris, nhiều người nhắc tới “phái đoán 37”. Vậy thực tế, “phái đoàn 37” là gì thưa ông?
- Thời gian chuẩn bị cho đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đi dự Hội nghị Paris rất ngắn. Một phái đoàn được thành lập gồm 37 người. Trong đó cán bộ ngoại giao là chủ yếu. Nên chúng tôi thường gọi tắt là “phái đoàn 37”. Phái đoàn do ông Xuân Thủy làm trưởng đoàn.
Lúc đó, chưa có máy bay thẳng từ Hà Nội tới Paris nên chúng tôi phải di chuyển mấy ngày mới tới nơi. Đến Paris, chúng tôi được nghỉ vài ngày. Ngày 13/5/1968, chúng tôi bắt đầu phiên họp đầu tiên của Hội nghị Paris.
* Khi đến Pháp, “phái đoàn 37” đã gặp những khó khăn gì thưa ông?
- Khó khăn lớn nhất là không biết cuộc đàm phán lại kéo dài đến vậy. Trước khi đi, chúng tôi chỉ biết đi dự một hội nghị quan trọng để chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Chẳng ai đoán trước thời gian của hội nghị sẽ kéo dài bao lâu; cũng không ai biết, Mỹ đánh giá hội nghị và chuẩn bị như thế nào.
Lúc đó, ở Pháp, ta chưa có đại sứ. Tổng đại diện bên Pháp là ông Mai Văn Mậu. Ông không tính đoàn ở quá lâu nên ông nghĩ đoàn phải ở đàng hoàng. Và ông chọn một khách sạn 5 sao nức tiếng ở Paris cho phái đoàn 37. Nhưng khách sạn quá sang trọng và đắt. Ở độ mươi hôm, đoàn thấy không thể ở được nữa.
Trong khi ở bên Pháp, ta có quan hệ thân thiết với Đảng Cộng sản Pháp. Đoàn ta đã nói với Đảng Cộng sản Pháp những khó khăn này. Đảng Cộng sản Pháp có cho hay họ có Trường Đảng ở ngoại ô Paris. Trường đang nghỉ Hè, không có học viên, đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có thể đến đấy ở.
Ở Trường Đảng có nhà ăn, ký túc xá rộng rãi cho sinh viên nên chuyện ăn ở của phái đoàn 37 khá thoải mái. Sau mấy tháng nghỉ hè, hội nghị chưa xong, mọi chuyện vẫn rất ngổn ngang nên đoàn vẫn ở lại và không biết đi đâu. Đảng Cộng sản Pháp rất nể trọng chúng ta nên để phái đoàn 37 ở và họ phải xây một Trường Đảng khác để học.
* Còn những khó khăn trong việc đàm phán với Mỹ là gì, thưa ông?
- Đàm phán với Mỹ rất khó khăn và phức tạp. Từ 13/5/1968 tới 30/10/1968, ta chỉ đòi Mỹ phải chấm dứt hoàn toàn và vô điều kiện việc ném bom miền Bắc. Riêng chuyện đòi Mỹ chấm dứt ném bom đã mất hơn 5 tháng.
Và đến khi họp hội nghị 4 bên, 2 bên đều cho rằng khi bàn về vấn đề miền Nam Việt Nam phải cần sự có mặt của các bên miền Nam. Mỹ đòi sự có mặt của chính quyền Sài Gòn. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa yêu cầu sự có mặt của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Nên phải là 4 bên. Nhưng riêng việc 4 bên ngồi như thế nào cũng mất 2-3 tháng. Và vấn đề hình thù cái bàn là tâm điểm tranh luận lúc đó, mà sau cũng thành giai thoại trong ngoại giao quốc tế. Vì đây không phải chỉ là vấn đề hình học mà là vấn đề chính trị. Sau khi mất 7-8 tháng tranh luận những chuyện bên lề, 4 bên mới bắt đầu bàn các vấn đề khác từ 25/1/1969 ( sau đó, tới 27/1/1973 mới kết thúc hội nghị)
* Thắng lợi trên chiến trường năm 1972 đã tác động như nào tới chiến thắng trên bàn đàm phán năm 1973?
- Quan điểm thống nhất của ta là đấu tranh trên 3 mặt trận: quân sự; chính trị; ngoại giao. Trong đó, quân sự và ngoại giao gắn bó mật thiết với nhau nhất. Và chiến thắng trên chiến trường của quân đội ta mang tính chất quyết định. Nếu ta không có tổng tiến công Mậu Thân 1968, ta cũng không thể buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán. Nếu Mỹ không thất bại cuộc ném bom B-52 ở miền Bắc Việt Nam cuối năm 1972, Mỹ cũng không nối lại cuộc đàm phán để đi đến ký kết Hiệp định Paris. Và không có ký kết Hiệp định Paris để thay đổi tương quan lực lượng cũng khó có ngày 30/4/1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
* Ông đánh giá sao về vai trò của cá nhân trong các cuộc đàm phán?
- Cuộc đàm phán đều có đóng góp của nhiều cá nhân. Trong đó, đóng góp nhiều nhất phải kể đến ông Lê Đức Thọ, ông Xuân Thủy và bà Nguyễn Thị Bình.
Ông Lê Đức Thọ là người chính Bác Hồ chọn. Bác đã viết thư vào Nam nói rằng: Chú bàn giao ngay công việc cho chú Phạm Hùng rồi ra gấp Hà Nội để đi Paris. Ông Lê Đức Thọ vừa có tư cách là nhà lãnh đạo vừa là người rất am hiểu tình hình quân sự- chính trị ở miền Nam. Nên trong mối quan hệ giữa “đánh” và “đàm”, vai trò của ông Lê Đức Thọ rất quan trọng.
Ông Xuân Thủy từng là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao từ năm 1963-1965. Ông còn vừa là nhà báo, vừa là nhà thơ nên công tác dân vận rất giỏi. Nên việc vận động sự ủng hộ bạn bè quốc tế có vai trò lớn của ông Xuân Thủy. Khi ông nói trước đông đảo quần chúng, ông rất chững chạc, nói có lý, có tình, thuyết phục người nghe. Nên tới tận bây giờ, kiều bào ta ở Pháp rất nhớ ông Xuân Thủy, thậm chí nhiều bài thơ của ông đọc ở Pháp, đồng bào vẫn thuộc làu.
Bà Nguyễn Thị Bình đã trải qua cuộc đấu tranh ở miền Nam Việt Nam. Bà đã từng bị giặc bắt và giam ba năm nên bà cũng rất am hiểu tình hình chiến trường miền Nam.
Ba người trên lý thuyết thuộc hai phái đoàn song hồi đó ta vẫn mặc định với nhau là “tuy hai là một, tuy một là hai”. Bên ngoài, một bên là Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một bên là Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Song thực tế cả hai đoàn đều dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao Động Việt Nam bấy giờ.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
(Còn nữa)
Yên Khương- Mỹ Anh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất