14/01/2019 08:16 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Khép lại mùa giải Biếm họa báo chí Việt Nam – cúp Rồng tre lần V-2018 có một điều không trọn vẹn:trên sân khấu trao giải thiếu sự hiện diện của chủ nhân giải Nhất: họa sĩ Lê Diệu Bang, một cái tên khá mới mẻ trong làng biếm họa. Đến khi “bữa tiệc” biếm họa đã gần xong, họa sĩ này mới bất ngờ “xuất đầu lộ diện” …
Như tin đã đưa, chiều ngày 11/1, Lễ tổng kết, trao giải và triển lãm Giải Biếm họa báo chí Việt Nam Cúp Rồng Tre lần V - 2018 do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tổ chức đã diễn ra tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội). Khi phần lễ đã xong xuôi, mọi người đã lục tục ra về “quán quân” Lê Diệu Bang mới hớt hải bước xuống từ taxi. BTC, Hội đồng giám khảo phải nán lại để trao giải cho Lê Diệu Bang ngay trước thềm Trung tâm Thông tấn Quốc gia, nơi vừa khai mạc triển lãm 60 tranh xuất sắc nhất của giải.
Không trông chờ thì bất ngờ “ẵm giải”
Trò chuyện với Thể thao & Văn hóa, Lê Diệu Bang cho biết, anh đặt vé bay ra Hà Nội để nhận giải lúc 11h ngày 11/1, nhưng vì máy bay trễ 2 tiếng và quãng đường di chuyển từ Nội Bài về trung tâm Hà Nội “tắc đường khủng khiếp” nên mới không đến kịp Lễ tổng kết để lên bục nhận giải.
“Ban đầu khi bị delay mình cũng bức xúc lắm. Nhưng trong đầu lại nghĩ, mình vừa tham gia cuộc thi vẽ về ứng xử văn hóa, xã hội văn minh, đang trên đường đến dự một sự kiện văn hóa, văn minh mà có thái độ, hành vi gì đó... thiếu văn hóa thì... không văn minh cho lắm. Thế nên lại thanh thản ngồi chờ, dù rất sốt ruột” - Lê Diệu Bang kể.
Nói về cảm xúc của mình khi “ẵm” giải Nhất mùa giải lần 5, Lê Diệu Bang cho biết vừa bất ngờ, vừa có cái gì đó rất... “hả dạ”. Bởi “từ khi biết đến cúp Rồng tre, tôi đều vẽ dự thi, nhưng lần nào cũng... trượt giải. Thế nên, năm nay dự thi, tôi chỉ nghĩ là chỉ góp thêm tiếng nói của mình với các họa sĩ biếm để làm thay đổi những ứng xử chưa đẹp, chưa văn minh mà tôi vẫn quan sát thấy hàng ngày, cùng lắm là được treo triển lãm thôi. Nhưng không ngờ, năm mà mình không trông đợi giải thì lại đoạt giải cao nhất”.
Nói về chủ đề của mùa giải lần V, Lê Diệu Bang cho biết đó là một đề tài anh luôn tâm đắc, có rất nhiều thứ để “múa bút” nhưng “không đủ sức”. Và, trong vòng 2 ngày, anh đã vẽ được chùm 4 tác phẩm, xoáy vào vấn đề ứng xử trong giáo dục và ứng xử trên mạng xã hội. Chính bức Lê Diệu Bang tâm đắc nhất - bức Chực chờ - đã được nhiều phiếu nhất của BGK, trở thành tác phẩm “quán quân” của mùa giải lần V.
Hy vọng năm sau sẽ... trúng tủ
Lê Diệu Bang sinh năm 1987 tại Quảng Trị. Anh cho biết, từ nhỏ anh đã mê vẽ nên khi lớn lên anh đã theo học sư phạm mỹ thuật. Nhưng học được 2 năm thì bỏ với lý do “thấy nó gò bó” nên chuyển sang học đồ họa.
Lê Diệu Bang mon men đến với biếm họa từ 2006, và vẽ nhiều nhất là vào những năm 2010-2011. “Ban đầu mình chỉ vẽ cho vui. Sau đó thấy thích thể loại này nên cứ vẽ” –anh tâm sự. “Ngoài vẽ đăng trên trang cá nhân, lưu lại trong các cuốn album, mình còn vẽ để bán, mỗi bức vài chục ngàn. Nhưng vẽ với mình không phải vì mục đích kiếm tiền mà chủ yếu là để giải tỏa những bức xúc trong mình là chính”.
Lê Diệu Bang cho hay, đi đâu trong túi anh cũng có một cuốn sổ và bút. Quan sát xung quanh thấy gì có thể “hài hước hóa thành tranh” là anh vẽ ngay. Nhiều người “khuyên” Lê Diệu Bang nên tả thực hay trừu tượng, nhưng Bang chỉ trả lời: “Tôi chỉ thích vẽ những cái... tào lao, vẽ cho vui chứ không có tài vẽ trừu tượng hay siêu thực”.
Ngoài lý do đó, Bang cũng thú thật lý do anh không vẽ trừu tượng hay siêu thực bởi không thích người khác “phải vận dụng chuyên môn của mình để đi sâu vào phân tích”. “Mình chỉ muốn mọi người hễ xem tranh mình là thấy vui. Từ cái vui ấy, họ nhận ra được điều gì để điều chỉnh, để tốt hơn cho họ thì càng tốt. Thế nên, hở ra là mình vẽ và vẽ... tranh vui chứ chưa dám nhận là biếm họa bởi kinh nghiệm và vốn sống của mình cho thể loại này “còn non và xanh lắm”.
Cũng giống như nhiều họa sĩ biếm khác, Lê Diệu Bang cho rằng, những sân chơi như cúp Rồng tre là rất đáng quý, cần duy trì thường niên. Nhưng mỗi năm cả nước chỉ có một, hai sân chơi như thế này cho các họa sĩ biếm là chưa đủ.
Muốn biếm họa khởi sắc hơn nữa, theo anh, ngoài những cuộc thi được tổ chức, các phương tiện truyền thông báo chí, nhất là báo chí chính thống, cần có chỗ để biếm họa nói tiếng nói phản tỉnh của mình với xã hội. Cần có thêm nhiều những cuộc triển lãm biếm họa không chỉ ở những thành phố như Hà Nội, TP.HCM mà phải đến cả những tỉnh thành khác trong cả nước.
“Thế nên, việc BTC Giải biếm họa lần này cho các tác phẩm xuống phố đi bộ Hồ Gươm là một việc làm hay, như là cách “giáo dục trực quan” về những vấn đề mà bất kể người dân nào cũng thấy thấp thoáng có mình ở trong đó, thấy phải suy ngẫm, từ đó thay đổi, cùng nhau ứng xử văn hóa, góp phần cho xã hội văn minh hơn” - Lê Diệu Bang nói.
Chủ nhân của giải Nhất cúp Rồng tre lần 5 mong muốn sang năm sẽ lại được góp tác phẩm biếm họa dự thi cho mùa giải VI. Và, “đề bài” cho lần tổ chức tiếp theo Lê Diệu Bang mong BTC nhắm tới là giáo dục và trẻ em.
“Đó là hai vấn đề theo tôi luôn thời sự, luôn được mọi người quan tâm và rõ ràng năm qua đã có rất nhiều sự việc nhức nhối liên quan đến giáo dục và trẻ em khiến cho dư luận bức xúc. Tôi luôn hướng ngòi bút của mình về đề tài ấy và hy vọng mùa giải sang năm sẽ... trúng tủ!” - Lê Diệu Bang vui vẻ nói.
Nếu không ứng xử khôn khéo thì tất sẽ xảy ra hậu quả khôn lường Nói về cuộc thi và giải Nhất năm nay, họa sĩ Thành Chương, thành viên BGK cho biết: Ban đầu, với chủ đề “Văn hóa ứng xử; Xã hội văn minh”, chúng tôi cứ nghĩ để tìm ra giải Nhất là rất khó. Nhưng rồi chúng tôi đã tìm được giải Nhất rất thú vị, có ý nghĩa rất sâu sắc, rất cập nhật với văn hóa đời sống bây giờ. Về tạo hình của tác phẩm này là rất mới mẻ, truyền tải được ý đồ tác giả rất tốt. Tác giả vẽ logo của facbook là một khối diêm, cạnh đó là một que diêm đang cháy, thả ra những con tim, chỉ chực chờ ném vào là sẽ bùng nổ. Nhưng cái hay là mới nhìn thoáng qua có thể chúng ta nghĩ đó là sự bùng nổ của facbook nhưng ẩn sau nó là hình một quả bom, cho thấy sự khủng khiếp, nguy hiểm vô cùng ở đằng sau nó. Cái kiểu chực chờ ấy đúng là rất nguy hiểm. Văn hóa của chúng ta cũng thế, nếu không ứng xử khôn khéo thì tất sẽ xảy ra hậu quả khôn lường và cái chực chờ như tranh vẽ thì lúc nào cũng có sẵn”. |
Phạm Huy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất