24/03/2020 10:37 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Sân khấu Hoàng Thái Thanh có một cô đào thanh mảnh, nhìn gương mặt khó mà đoán tuổi, nói 30 cũng được, mà nói 18 cũng tin. Nhìn cô rất đáng yêu, thế nhưng đó là một Hoàng Vân Anh có thể vào các vai bi nặng ký, làm người ta rơi nước mắt.
Tôi ấn tượng với Vân Anh từ đêm diễn tốt nghiệp của các bạn trẻ học trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM (thường gọi là trường Nam Quốc Cang, vì ở trên đường Nam Quốc Cang).
Từ dấu ấn đầu tiên
Mười mấy năm trước, NSƯT Thành Hội và đạo diễn Ái Như còn dạy học ở trường này và đã đào tạo một lứa học trò mà sau này đều trở nên giỏi nghề, thậm chí rất nổi tiếng, như Ngọc Duyên, Thế Sơn, Vân Anh, Tuyết Mai, Quốc Thịnh, Công Danh…
Đêm tốt nghiệp, thầy Hội và cô Như dám dựng vở Đèn không hắt bóng cho các em biểu diễn. Vở này do Thành Hội-Ái Như viết kịch bản, chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên của Nhật, và đạo diễn Minh Hải dựng một cách táo bạo tại sân khấu 5B, gây tiếng vang mạnh mẽ một thời.
Nhưng giờ đem ra thử thách những em sinh viên như thế thì quả thật rất dũng cảm. Ấy vậy mà, học trò đã không làm hổ danh thầy cô, đêm diễn để lại một ấn tượng rất đẹp. Trong ký ức tôi vẫn không phai hình ảnh tuyết rơi trắng xóa nỗi niềm khi tiễn đưa bác sĩ Naoe về cõi vĩnh hằng. Đẹp đến não nùng.
Và ký ức tôi vẫn không phai hình ảnh cô y tá Noriko gầy guộc mỏng manh chầm chậm bước đến cuộc đời của Naoe, rồi chầm chậm lùi lại phía sau lặng lẽ buông tay cho mối tình bay theo tuyết trắng. Trong quãng thời gian của hai điểm đến và đi, Noriko đã nếm trải đủ mùi hạnh phúc lẫn đắng cay, nhưng trái tim bao dung của cô không có chỗ cho hờn ghen, giận dữ, mà chỉ là nhẫn nhịn, yêu thương.
Trong Đèn không hắt bóng, bác sĩ Naoe quái vị và bí hiểm, là thỏi nam châm cực mạnh hút lấy phụ nữ, nhưng cũng đồng thời là những ngọn roi quất vào trái tim họ những nỗi đau. Cuối cùng, chỉ có Noriko chịu đựng nổi con người ấy. Và cô hạnh phúc trong sự nhẫn nhịn, hy sinh.
Cuối cùng Naoe cũng chỉ yêu cô nhất mà thôi. Noriko đã nhận được những tia sáng rực rỡ trước khi anh tan vào tuyết trắng. Cô biết rồi cái ngày ấy sẽ đến, không thể nào ngăn Naoe về với hư không, bởi căn bệnh không thể nào chữa trị, cho nên trong cô có cái đau lẫn sự bình tĩnh, vừa nắm chặt tay lại vừa sẵn sàng buông tay cho anh đi nhẹ nhàng không vướng bận.
Noriko là một khối phức tạp chứ không hẳn đơn giản, mong manh lẫn mạnh mẽ, rạng ngời lẫn u uất, cứ xoay trở bộn bề theo mỗi cung bậc của Naoe, có khi là cái bóng của anh, có khi trở lại chính mình, gồng gánh rất nhiều tâm lý. Và Vân Anh đã thể hiện rất tốt nhân vật này bằng sự trong trẻo của chính bản thân cô. Trong trẻo theo nghĩa tuổi đời non nớt, vốn sống chưa sành sỏi, và trong trẻo theo nghĩa tuổi nghề chưa thấm màu sắc kỹ thuật, kỹ xảo, cứ diễn theo những gì chân thật nhất từ trái tim.
Chính điều đó đã rung động khán giả, khiến người ta có thể quên đây là buổi diễn tốt nghiệp, mà rất chỉn chu như một đêm diễn bán vé. Thật sự Vân Anh đã gánh một vai tưởng chừng quá sức, nhưng không ngờ nét trong trẻo và mảnh khảnh của cô đã làm nên một ấn tượng quá đáng yêu.
Đến những nhân vật nhiều màu sắc
Vân Anh cùng các bạn đồng môn đã theo chân thầy Hội, cô Như về sân khấu Hoàng Thái Thanh gây dựng sự nghiệp. Và các bạn tiếp tục được rèn nghề trên sân khấu thực tế, qua bàn tay nghiêm khắc của thầy cô. Mấy năm ở trường chưa là gì cả, còn phải học cả chục năm ở sân khấu, trong từng vai diễn.Vân Anh được giao đóng khá nhiều vai chính, đa số đều thuộc dạng bi kịch, có thể lấy nước mắt người ta.
Trong Bao giờ sông cạn, đó là một cô Thà nghèo khổ, lênh đênh sông nước với con đò cũ nát, yêu anh con trai nhà khá giả, bị gia đình từ chối, rồi có thai, rồi vật vã sinh con trên đò, rồi đau đớn khi bị bắt con. Để rồi suốt 20 năm cứ tới mùa nước quen thuộc cô lại tìm về bến xưa, cắm sào thắp lên ngọn đèn dầu leo lét, lặng lẽ dõi theo đứa con đang lớn dần trong vòng tay người khác.
Hoặc một cô Bún trong Hồi xưa biển ngọt bị chồng phụ rẫy, bụng mang dạ chửa lầm lũi nuôi con không dám nghĩ tới hạnh phúc riêng mình, bỏ lại phía sau một người đàn ông âm thầm đi theo bảo vệ và chăm sóc cônhư một chiếc bóng.
Trong Sài Gòn có một ngã tư, lại có cô Thanh hốt rác yêu anh Nhành đấm bóp giác hơi, cùng trong cảnh nghèo vậy mà cũng bị ngăn cản. Bởi cha của anh Nhành không chấp nhận cái nghề “làm gái” của cô, dù cô đã hoàn lương đi tìm cuộc sống mới. Đến khi cô âm thầm hy sinh giúp đỡ ông, thì ông cảm động, chọn cô làm con dâu.
Vân Anh đã hóa thân vào nhiều nhân vật nghèo khó, ly tan, thủy chung, chịu đựng. Gương mặt còn nhiều nét hồn nhiên, trẻ con ấy không ngờ vào vai trung niên hoặc bi kịch đều thành công. Vân Anh nói: “Chính vì tôi có gương mặt trẻ con nên tôi phải cố gắng diễn thật tốt để người ta tin vào nhân vật, không còn thấy nét trẻ con nữa. Đạo diễn đã giao vai hay cho mình mà mình làm không ra thì lỗi tại mình”.
Nhưng thỉnh thoảng Vân Anh cũng được giao vai nhẹ nhàng, dễ thương, thậm chí vai “thấy ghét” để cô không bị nhàm chán. Vai Diệu trong Nửa đời hương phấn thấy ghét thiệt. Diệu không thông cảm cho chị gái là Hương, cứ xua đuổi chị mình, đến khi hiểu rõ sự hy sinh của chị thì Diệu mới sụp đổ.Hoặc cô bé Thảo trong Bông hồng cài áo đã từ chối người mẹ nghèo khó, hy vọng đổi đời bằng gia tài của bà nội. Khi sụp bẫy cô Út, và mẹ qua đời, Thảo mới hối hận và đau khổ theo cách rất trẻ con tội nghiệp. Hoặc cô Gấm trong Mút chỉ mút cà tha cứ đem con khô qua biếu bác sĩ, e ấp vụng về kiểu gái quê, lí la lí lắc ham chơi đổ xí ngầu… Những nhân vật đáng yêu theo đúng cái chất của Vân Anh,khán giả cảm mến vô cùng.
Hơn 30 vai diễn trong 10 năm thành lập Hoàng Thái Thanh đủ chứng minh năng lực của cô gái nhỏ. Nhưng mọi người nói đùa: “Nhìn cái mặt này không biết bao giờ nó lớn”. Thật sự là một cô gái trẻ lâu, xinh lâu.
Hoàng Kim
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất