Tôi và Độc giả Thể thao & Văn hoá: Lý Hoàng Nam đi đúng hướng nhưng mong manh

19/01/2015 10:40 GMT+7 | Tennis

(giaidauscholar.com) - Thật bất ngờ và thú vị khi biết rằng mối quan tâm của quý vị độc giả của Thể thao & Văn hóa với sự kiện Australian Open lại hướng khá nhiều tới việc Lý Hoàng Nam tham dự nội dung đơn nam trẻ. Dưới đây là lý giải của nhà báo Phạm Tấn.

Trước hết, nó cho thấy không phải lúc nào người hâm mộ thể thao Việt Nam cũng dành hết sự quan tâm cho những thần tượng ngoại quốc dù cho trong tennis, Federer, Nadal, Djokovic là những biểu tượng phi biên giới. Sự gần gụi và cao hơn là tinh thần dân tộc quả là có ý nghĩa quan trọng.

Chúng ta sẽ phải chờ tới sớm nhất là ngày 24-1 mới được biết kết quả thi đấu của Hoàng Nam ở vòng đầu tiên. Nội dung đơn nam trẻ bao giờ cũng vậy, thi đấu muộn hơn gần một tuần, và cũng không được truyền trực tiếp một cách phổ biến.

Bình luận viên tennis của Thể thao TV (VTVcab) Hoàng Minh muốn có dự đoán Hoàng Nam sẽ lọt vào tới vòng mấy, nhưng dù cho kết quả có thế nào thì việc Hoàng Nam đủ tư cách để tham dự đơn nam trẻ ở một giải Grand Slam cũng là điều đáng khích lệ.

Nếu như phải đứng trong Top 100 ATP mới đảm bảo chắc chắn được tham dự giải đơn nam thì các tay vợt từ 18 tuổi trở xuống cũng phải đứng trong top 50 bảng xếp hạng của ITF mới đương nhiên có một vé. Đơn nam trẻ có 64 tay vợt thi đấu chính thức nhưng 12 suất là dành cho đặc cách và các tay vợt thi đấu vòng sơ loại.

Để có được vị trí thứ 44 ITF (tính đến cuối tuần qua), Hoàng Nam đã phải tham dự 24 giải đấu. Đó là nỗ lực rất lớn cả về công sức lẫn tài chính và có cả đánh đổi với cái giá khá đắt: Hoàng Nam từng bỏ qua cơ hội tham dự Davis Cup với đội tuyển quần vợt Việt Nam để tham dự các giải trẻ khác để tích luỹ điểm số.

Quyết định này gây tranh cãi nhưng tôi cho là đúng. Tennis trước tiên là môn thể thao cá nhân nên tôi chưa từng thấy Liên đoàn quần vợt quốc gia nào cấm thi đấu một tay vợt vì lý do tương tự cả. Tất cả là sự tự nguyện và cần sự đồng thuận.


Sự quan tâm của độc giả dồn cho tài năng trẻ Lý Hoàng Nam

Cũng trả lời luôn câu hỏi của độc giả Phạm Trà từ Bắc Cạn là việc có mặt ở Australian Open có ý nghĩa gì với Hoàng Nam thì nó sẽ là một trải nghiệm quan trọng. Nam có thể được thấy các ngôi sao hàng đầu thế giới và học hỏi từ họ cách tập luyện, cách chuẩn bị, và được cọ xát với các tay vợt trẻ xuất sắc nhất. Còn ý nghĩa với quần vợt Việt Nam thì tôi cho là không đáng kể vì chúng ta từng thấy một Hoàng Thiên cũng từng tham dự trẻ Australian Open nhưng nay đứng trong top 1000 ATP cũng đã khó.

Độc giả Quốc Việt ở Hà Nội có hỏi rằng kinh phí ở đâu để Hoàng Nam tới Australian Open thì nó cũng chính là mấu chốt của vấn đề: Đầu tư cho tennis là rất tốn kém, và đơn vị chủ quản Becamex cũng như gia đình Hoàng Nam đầu tư thì họ trước nhất cần phải tính toán để tránh rủi ro. Chỉ một sai lầm cũng sẽ trả giá đắt. Li Na của Trung Quốc đã tách ra khỏi Liên đoàn quần vợt để một phần không phải ăn chia tiền thưởng nhưng một phần cũng để cô được tự do trong các quyết định chuyên môn. Vì thế, khi độc giả Phạm Sang ở TP HCM có liên hệ với trường hợp của Li Na thì khi anh hỏi như vậy tôi cho rằng cũng đã là câu trả lời.

Trường hợp của Li Na còn điển hình và là tấm gương cho quần vợt Việt Nam so sánh. Li Na ban đầu bị chỉ trích vì “ly khai” nhưng cô sau lại trở thành niềm tự hào của Trung Quốc qua việc đi vào lịch sử khi là tay vợt châu Á đầu tiên hai lần vô địch Grand Slam. 

Xin trả lời thêm về ý nghĩa của việc tham dự giải trẻ Grand Slam là không lớn, vì mối quan tâm của bạn đọc Lưu Tuấn Anh (Hà Nội) rằng tại sao “bao năm qua có những tay vợt vô địch giải trẻ ở Grand Slam lại không thấy vào top 10 hay 20 ATP”?

Thật ra không phải là không .thấy Gần nhất có Grigor Dimitrov, từng hai lần vô địch Grand Slam trẻ (US Open và Wimbledon), đã vào tới top 10 ATP năm 2014 và hiện được coi là một trong những ngôi sao hàng đầu trong tương lai gần.  Có nhiều ngôi sao hiện tại cũng từng vô địch Grand Slam trẻ như Federer, Murray, Wawrinka, Gasquet, Monfils, Tsonga…

Nhưng cũng có những nhà vô địch trẻ chưa hoặc không bao giờ lớn, như Donald Young, Berankis, Fucsovics, Vellotti… Châu Á cũng có hai nhà vô địch trẻ Grand Slam trong sáu năm qua, là Yuki Bhambri người Ấn Độ tại Australian Open 2009 và Yang Tsung-hua người Đài Loan tại Roland Garros 2008.

Có nhiều yếu tố được cho là khá phổ thông làm “hỏng” các tay vợt trẻ tiềm năng, nhưng phổ biến nhất là nhiều tay vợt trẻ được huấn luyện để giành kết quả tốt ngay từ khi còn rất trẻ hay còn gọi là đốt cháy giai đoạn trong khi điều quan trọng nhất với độ tuổi dưới 18 là trau dồi các kỹ năng.

Nadal và Djokovic đã giành cả thảy 21 Grand Slam “già” nhưng không một ai trong số hai người từng vô địch Grand Slam trẻ cả, vì họ được huấn luyện với mục tiêu rõ ràng là có đủ các phẩm chất để chinh phục ATP mà không phải chịu sức ép thành tích khi trẻ. 

* Cơ hội cho châu Á là rất ít

Li Na đã treo vợt nên không còn cơ hội bảo vệ chức vô địch mà cô đã giành được tại Melbourne năm ngoái. Niềm hy vọng lớn nhất cho tennis châu Á vì thế dồn cả vào Nishikori ở nam.

Khả năng Nishikori làm được chuyện lớn là rất khó - đây là câu trả lời cho bạn Minh Tâm ở Hà Tĩnh. Duy trì phong độ đỉnh cao như ở US Open năm ngoái (vào tới chung kết) đã không dễ, tay vợt người Nhật còn ở nhánh bốc thăm đầy chông gai (gặp Almagro vòng đầu và các đối thủ tiềm năng tiếp theo là Dodig, Ferrer, Wawrinka).

Trung Quốc cho thấy sự phát triển lớn mạnh về tennis với số lượng 14 tay vợt tham dự ở mọi nội dung, trong đó có sáu tay vợt nữ tham dự vòng thi đấu chính thức đơn, nhưng đó là sự phát triển về bề rộng còn tinh hoa đỉnh cao thế giới thì chưa.

Đài Loan cũng có mười đại diện trong đó có ba người có suất chính ở vòng đơn, nhưng Lu Yen-Shun, ngôi sao sáng nhất ở tầm khu vực ấy lại đã qua thời đỉnh cao.  


Nishikori khó làm nên chuyện lớn

Tennis châu Á sẽ phải chờ một thời gian dài nữa mới có hy vọng thay đổi nếu như Nishikori không thể tạo ra đột phá.

Vấn đề không phải là chiều cao không lý tưởng, như mối quan tâm của độc giả Quốc Việt (Hà Nội). Chúng ta biết rằng càng cao thì giao bóng càng uy lực và không phải e ngại các đường bóng xoáy nảy cao vốn rất phổ biến trong tennis hiện đại.

Chiều cao lý tưởng trong tennis có thể đảm bảo mấy yếu tố sau, như cao tối thiểu 1m74 mới có thể đứng thẳng mà không cần bật nhảy vẫn giao được bóng đập thẳng đứng. Hay các tay vợt huyền thoại đều có chiều cao trên dưới một vài cm so với chuẩn mực 1m85-1m86.

Nhưng nếu châu Á cao tới tầm mức ấy thì lại rất dễ trở nên vụng về. Và lịch sử đã chứng tỏ đã có những nhà vô địch mà chân họ không quá dài như Henin, Schiavone, Michael Chang….

Tôi cũng xin đưa thêm một so sánh nữa rằng chân dài trong tennis không phải là tất cả, như Sharapova (cao 1m88) chân dài miên man lại di chuyển chậm hơn so với Serena Williams (1m75).

Cao hơn như thế nhưng Sharapova cũng không giao bóng tốt hơn so với Simona Halep, người chỉ cao 1m68 (bằng Henin - một huyền thoại của quần vợt nữ chưa xa).

Vậy thì cơ hội nào cho Sharapova ở Australian Open như nhiều độc giả quan tâm trong đó có Hoàng Mai (TPHCM), Huy Minh (Hà Nội), Thang NQ (một facebooker)?

Có thể Sharapova sẽ vào tới chung kết bởi vị thế hạt giống số 2 đã đưa cô vào nhánh tương đối nhẹ, chỉ gặp các đối thủ tiềm năng là Bouchard hay Kuznetsova trước khi vào tới bán kết nơi có thể là Ivanovic hoặc Halep sẽ chờ ở đó. Tất cả các cái tên nói trên không được xếp vào diện kỵ rơ đối với Sharapova. Halep đã thua Sharapova ở chung kết Roland Garros, còn Ivanovic mới thua Sharapova cách nay một tuần ở chung kết Brisbane.

Ở nhánh còn lại rõ ràng nhiều tên tuổi lớn hơn với Serena Williams, Radwanska, Kvitova, Wozniacki, Stephens, Azarenka.

Nhưng dự đoán Sharapova cũng may rủi như chơi xổ số, bởi sự thiếu ổn định đã từng cản bước cô ở mọi giải đấu. Nếu có sự cải thiện từ Sharapova dưới thời HLV mới thì đó là việc cô sẵn sàng hơn một chút khi cần phải tiến lên phía trên lưới để tấn công.

* Cơ hội nào cho Federer?

Cũng không bất ngờ khi một lượng tương đối các câu hỏi dành cho cơ hội vô địch của Federer, trong đó có bạn Hồ Trần Minh Quang, một bình luận viên thể thao từ TP HCM hay bạn Bom Dollar (facebooker)...

Trước hết, việc Federer là hạt giống số 2, đảm bảo anh không phải sớm gặp Djokovic - người giàu thành tích nhất ở Australian Open trong năm năm qua (với ba chức vô địch).  Các đối thủ tiềm năng như Juan Monaco, Robredo hay Dimotrov hoặc Murray là dễ xử lý hơn. Hay nếu gặp Nadal hay Berdych ở bán kết ở thời điểm này cũng thuận lợi hơn. Nhưng vấn đề với Federer là anh cần phải lọt vào tới chung kết mà tốn ít sức nhất.


Nếu tôi nhớ không nhầm thì Federer chưa bao giờ thắng hai trận liên tiếp cùng phải chơi 5 set.  Tuổi tác nay càng là trở ngại.

Việc số 1 không gặp số 2 là nguyên tắc duy nhất khi phân chia nhánh đấu cho 4 tay vợt. Còn tay vợt số 3 và số 4 sẽ được bốc thăm ngẫu nhiên để xếp vào hai nhánh của số 1 và số 2. Hy vọng là trả lời này thoả mãn được thắc mắc của độc giả Ngô Cao Cường.

Còn sự lựa chọn của tôi? Tôi cho rằng Djokovic có khả năng lớn nhất vì anh ổn định và biết cách lấy điểm rơi phong độ vào đầu mùa.

Quý vị cũng có thể chọn cho mình một ứng viên và giải thích tại sao. Tôi tin đó cũng sẽ là những phân tích rất đáng đọc, đáng để tiếp tục trao đổi. Độc giả của TT&VH vẫn luôn là những người có trình độ thưởng thức thể thao tinh tế. 

Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm