17/03/2020 08:47 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - “Trong trận đấu vòng loại giữa 2 đội U vào tháng 6 năm 2019, con cùng với các anh em bàn với nhau chơi cá cược trên mạng với hình thức “xỉu” với số tiền 150 triệu đồng. Sau trận đấu, ăn được 133 triệu đồng, chia cho anh em số tiền lời là bạn T được 15 triệu, bạn L được 10 triệu, bạn X được 10 triệu…”, những câu chữ này được trích ra từ bản tường trình nội bộ ở một đội bóng, được viết bởi một cầu thủ trẻ. Vậy đó, tiêu cực lại hiện lên đầy ám ảnh cũng như thách thức.
Giữa những ngày đời sống thể thao nước nhà đang quay cuồng vì dịch bệnh Covid-19, lại có thêm thứ virus khác gây ra phương hại cho bóng đá, mang tên “tiêu cực U19”.
Cách đây mấy ngày, vòng loại U19 QG 2020 bùng phát nghi án tiêu cực của các cầu thủ trong trận đấu giữa U19 Đắk Lắk và U19 Bình Định. Rất nhanh, những án phạt về cả về chuyên môn (cấm thi đấu, hủy kết quả) lẫn tài chính (phạt tiền) được đưa ra.
Những tưởng, sau quá nhiều biến cố, câu chuyện tiêu cực đã triệt tiêu đi hẳn nhưng không, nó vẫn len lỏi, âm ỉ đâu đó, để rồi có môi trường thích hợp, sẽ bung ra trở lại. Lời cảnh báo dành cho bóng đá Việt Nam, đặc biệt ở lứa trẻ, hẳn không thừa.
Ông Vũ Xuân Thành, Trưởng Ban Kỷ luật VFF, cũng là người ký các quyết định kỷ luật ở giải đấu như trên cảm thấy vô cùng thất vọng vì bóng ma tiêu cực lại hiện về: “Trong khi BTC giải hết sức nỗ lực để giải có thể diễn ra tốt đẹp, các đội khác cũng cố gắng cống hiến những trận đấu hay, kịch tính, trung thực, thì có những đội bóng, những cá nhân đi ngược lại như thế.
Giải U19 là một trong các giải đấu quan trọng, làm bệ phóng cho những tài năng trẻ. Giải đấu như tiền đề để các cầu thủ thể hiện và được phát hiện cho nguồn kế cận của các đội U23, đội tuyển Việt Nam.
Chiến lược về cả cơ bản cũng như lâu dài của bóng đá Việt Nam là phát triển các giải trẻ, nhưng chiến lược ấy không thể thành công nếu có những cá nhân, tập thể cố tình làm hoen ố nó.
Tuy không phải có chức năng như cơ quan điều tra nhưng chúng tôi đã xem xét rất kỹ, rất thấu đáo những tài liệu, hồ sơ kèm theo. Những báo cáo của giám sát, trọng tài và tư liệu chuyên môn của trận đấu giữa 2 đội U19 Đắk Lắk và U19 Bình Định ở khuôn khổ vòng loại vừa rồi đã đủ cơ sở một cách chắc chắn, giúp cho Ban Kỷ luật đưa ra những quyết định của mình”.
Với trách nhiệm của người đứng đầu Ban Kỷ luật cũng như cách nhìn nhận vấn đề của mình, ông Vũ Xuân Thành nêu quan điểm rằng cầu thủ sai thì hẳn rồi, nhưng nếu chỉ một mình cầu thủ thì khó có thể đơn phương hành động.
Ông Thành nói: “Vậy nên, VFF đã quyết định chuyển hồ sơ vụ việc cho các cơ quan điều tra để làm rõ bản chất vấn đề. Từ câu chuyện mới nhất này, tôi mong muốn các đội bóng trẻ nhất thiết phải quán triệt tư tưởng trong môi trường đào tạo trẻ.
Ở đó, ngoài chuyên môn cần cả bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức. Muốn như thế, chính những người thầy dạy bóng đá, những HLV hãy như tấm gương sáng cho các cầu thủ.
Bên cạnh đó, các bên liên quan từ các địa phương, các trung tâm đào tạo, học viện bóng đá phải cùng chung tay với VFF trong việc trồng người ở địa hạt bóng đá”.
Không chỉ VFF, ngay cả Bình Định, địa phương có đội bóng U19 chịu điều chỉnh từ những án kỷ luật này cũng đã có động thái tích cực.
Theo đó, ngày 11/3, Văn phòng UBND tỉnh Bình Định cho biết Chủ tịch UBND tỉnh đã có ý kiến bằng văn bản giao Sở Văn hóa, Thể thao chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra những vấn đề này. Qua đó, khẩn trương làm rõ trách nhiệm và có biện pháp xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan (nếu có). Kết quả xử lý vụ việc phải báo cáo cho Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 18/3/2020.
Quay trở lại nội dung được trích ở trên trong một bản tường trình, khi xoáy vào 2 chữ “tài - xỉu” sẽ cho chúng ta nhìn ra nhiều vấn đề. Thực tế cho thấy tính trung thực của các trận đấu hiện nay không thể tách rời khỏi những diễn biến được cập nhật liên tục trên các trang mạng cá cược.
Cũng rất dễ hiểu, vì sao ngoài bộ phận truyền thông vào sân tác nghiệp, vẫn có những thành phần “lạ mặt” trên khán đài với những thiết bị điện tử cầm tay được kết nối và truyền tải thông tin liên tục.
Chúng ta vẫn hay có câu nói vui rằng: “lưới rung là tin nhắn về” hay “nếu chiều ngã đã có đêm nâng” để ám chỉ chuyện đỏ đen trên các trang cá cược.
Thời gian qua, chuyện tiêu cực đã không còn nhắc đến nhiều trong đời sống bóng đá quốc nội như một tín hiệu vui.
Khách quan mà nói thì bóng đá trẻ trên cả khía cạnh đào tạo và thành tích chúng ta cũng đã thu về những điều tích cực, nhưng không thể nói rằng như vậy đã yên tâm và hài lòng.
Lẩn khuất đâu đó, đã thấy những dấu hiệu, những bất ổn về tư tưởng và cả cung cách sinh hoạt của bộ phận cầu thủ trẻ. Sân chơi trẻ U19, đúng ra phải là sân khấu cho lứa măng non trình diễn mình một cách tròn trịa nhất, trước khi được cất nhắc lên tuyến trên.
Vậy mà, cuối cùng những tiêu cực đã bung xung. Mọi thứ vỡ ra trong bối cảnh được coi như tươi sáng cho tương lai bóng đá nước nhà. Thực tế, bóng đá Việt Nam từng phải nhiều lần trả giá vì những tiêu cực do chính những cầu thủ thiếu nhận thức cũng như bị ảnh hưởng bởi các yếu tố xã hội cũng như môi trường vây quanh họ.
“Virus” tiêu cực đã khiến chúng ta đánh đổi và mất quá nhiều thứ trong quá khứ. Vậy nên, hôm nay, phải có những hàng rào “miễn nhiễm” tốt nhất nhằm đảm bảo mọi thứ không gây ra “dị dạng” cho nền bóng đá nước nhà.
Nhìn cái cách mà các cầu thủ U19 nhận án kỷ luật, nó cũng hao hao dáng dấp của những câu chuyện nhiều năm về trước. Tiêu cực từ người trẻ có phải là “tội lỗi hồn nhiên” hay đã ở trong vòng quay tinh vi và có hệ thống?
Trần Tuấn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất