20/06/2014 13:17 GMT+7 | Ký sự World Cup
(giaidauscholar.com) - Một trong những hình ảnh phổ biến ở Brazil trong những ngày này là những chiếc balo đội ngược. Không ai có thể tự tin để vắt chiếc balo của mình ra sau lưng để đứng trên tàu điện ngầm, tha thẩn quanh sân bóng hay hoà mình vào những đám đông lắc lư theo tiếng trống Samba trên đường phố.
Chỉ cần một vài giây lơ đãng, chiếc ba lô ấy sẽ bị một ai đó kéo khoá và những món đồ trong đó sẽ biến mất.
Thiên đường của trộm cắp
Kể cả có phát hiện ra ngay thì chưa chắc bạn đã biết ai là người đã làm điều đó vì xung quanh tất cả đều mặc áo vàng và tất cả vẫn nở với bạn một nụ cười rất tươi.
Ở Thung lũng Anhangbau, một quảng trường khá lớn được bao bọc bởi các cao ốc lẫn toà nhà thị chính, nơi mỗi ngày tập trung hàng ngàn tới hàng vạn cổ động viên từ các nước cũng như tầng lớp bình dân Sao Paulo tới xem bóng đá và uống bia, đã trở thành thiên đường của trộm cắp.
Trận Brazil gặp Mexico, chiếc ba lôđựng vài quyển sổ ghi chép của chúng tôi vừa được vắt ra sau để bấm máy thu hình cho thuận tiện, đã bị mở tung. Kịp quay lại, ngay sau lưng là một nhóm ba cô gái với hai chàng trai mặc áo vàng và vẽ lên mặt lá cờ vàng xanh.
Như người ta vẫn nói, đa phần người Brazil rất tốt. Đúng thế, đi đâu cũng được họ khuyên phải giữ chặt lấy máy ảnh bên người và đừng bao giờ để cái túi của mình lạc khỏi tầm mắt. Nhưng World Cup là một cơ hội quá lớn. Nếu như các hãng bia cũng biết đổ về đây để tìm kiếm lợi nhuận trên những cơn say của các CĐV thì các “công ty hai ngón” cũng biết họ phải tìm đến chỗ nào dễ kiếm ăn nhất.
Đó là sự di cư tất yếu mà ở bất kỳ sự kiện thể thao nào, ở bất cứ nơi đâu cũng thế.
Sao Paulo và Rio de Janeiro, hai thành phố, một là trung tâm kinh tế, một là trung tâm du lịch, đều là hai địa điểm chính của World Cup lần này, đã đón thêm cả ngàn tên trộm cắp từ các nơi khác đổ về. Thành ra, hầu hết các quốc gia có đội bóng tham dự World Cup đều có cảnh báo tới công dân của họ trước khi đến Brazil.
Không thể thống kê hết trộm cắp ở Sao Paulo
Konji, một nhà báo Nhật Bản bảo những ngày đầu tiên anh vẫn thường chia tiền ra hai ví, một ít để ví nhỏ bỏ vào túi quần, nhiều hơn và với đủ các loại thẻ tín dụng thì anh cho vào bao đeo quanh người.
Nhưng giờ thì không, anh chấp nhận sự bất tiện mỗi khi trả tiền để đánh đổi lấy sự an toàn. Konji cho tất cả vào bao đeo quanh bụng và nguỵ trang sau hai lớp áo.
Đó là bài học mà Konji rút ra được sau khi hai đồng nghiệp của anh ở Rio đã bị trộm nẫng cả chiếc balo trong đó có một chiếc máy ảnh Canon đời mới, một chiếc Macbook Pro và cuốn hộ chiếu trong khi đang tưng bừng nhảy múa với đám đông áo vàng xanh. “Họ báo cảnh sát, nhưng khá tuyệt vọng”, Konji nói.
Cuốn hộ chiếu nói trên có lẽ đã bị ném vào trong một sọt rác nào đó. Còn máy ảnh và máy tính, đó là hai trong số những món đồ được săn đón nhất ở Brazil, nơi mà một chiếc máy tính xách tay Macbook được bán với giá gấp 2,5 lần so với ở Mỹ.
Hôm qua, tôi đã hỏi cảnh sát về con số thống kê trộm cắp ở Sao Paulo trong những ngày này. Nhưng câu trả lời đã được Đại uý Felipe Regonato, phó đồn sân Arena Corinthians khất lại.
“Vậy thì anh có cách nào để nhận biết kẻ gian với người hâm mộ chân chính không”? Regonato không thể trả lời. Tôi biết, không phải anh thiếu trách nhiệm. Anh đã rất nhiệt tình trả lời phỏng vấn chúng tôi cho phóng sự truyền hình. Chỉ đơn giản là bởi anh không thể.
Hôm 17/6, đúng ngày chúng tôi bị mở ba lô, cảnh sát đã bắt được bốn tên trộm xe hơi từ việc chúng vượt đèn đỏ ở một ngã tư. Bọn này đã cắt bỏ mui chiếc xe Fiat “đít vuông” ấy, sơn kín hai màu vàng xanh, giễu phố cổ vũ Brazil đá với Mexico!
Phạm Tấn (Sao Paulo)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất