25/02/2014 08:00 GMT+7 | Đọc - Xem
(giaidauscholar.com) - Những ngày cuối năm 2013, một Không Gian Đọc Hội An chính thức ra đời với những hoạt động ban đầu như tổ chức đọc sách miễn phí định kỳ vào cuối tuần nơi công cộng, tọa đàm, hội thảo về văn hóa đọc, về những cuốn sách hay và trao tặng sách cho các trường học… Sinh hoạt này dường như đang làm sống lại văn hóa đọc từng là niềm tự hào của người dân phố Hội nhiều năm về trước.
Đọc cho đã
Theo hồi ký của cụ Huỳnh Thúc Kháng, Hội An xưa cùng Thanh Hà (Huế) là hai nơi mà cụ Phan Châu Trinh từng đọc sách tân văn để rồi từ đó khởi sự phong trào Duy Tân. Hội An cũng là nơi các sĩ tử khắp miền Trung cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 20 tụ tập về “ăn chực nằm chờ” để đón những cuốn sách mới nhất được nhập về theo đường thủy ở thương cảng Hội An.
Trước năm 1975, trong phạm vi phố cổ đã có đến 8 hiệu sách. Đường Trần Phú (trước là đường Cường Để) có các hiệu sách: Bình Minh, Rạng Đông, Trương Kim Điền, Nam Ngãi. Phía trên chùa Cầu đường Nguyễn Thị Minh Khai (cũng là đường Cường Để cũ) có hiệu sách Đại Đồng. Đường Lê Lợi có hiệu sách Thống Nhất, đường Trần Quý Cáp có hiệu sách Nhất Tiếu (sau này đổi tên thành nhà sách Trùng Dương), đường Hùng Vương (trước là đường Phạm Phú Quốc) có hiệu sách Khai Trí. Rất nhiều tác phẩm thuộc hàng “kinh điển” của văn học thế giới có thể tìm thấy tại các hiệu sách này.
Ngoài ra, ở đường Cường Để có một cửa hàng chuyên cho thuê truyện (nay là nhà cổ Đức An ở đường Trần Phú), sách cho thuê nhiều nhất lúc bấy giờ là truyện võ hiệp kỳ tình của Kim Dung - dịch giả Hàn Giang Nhạn, truyện của Duyên Anh (Vũ Mộng Long) như Hoa thiên lý, Thằng Côn, Bồn Lừa, Dzũng Đa Kao, Ngày xưa còn bé, Chương còm, Con Thúy…
Người Hội An ngày đó đọc sách vì đam mê, đọc cho đã, nên mới có chuyện trẻ con nhịn ăn sáng để dành tiền mua sách, không có tiền thì đi đọc… cọp (đến các hiệu sách hoặc nơi cho thuê sách xem xong rồi về) hay chuyền tay nhau đọc một cuốn sách, một bộ sách cho đã. Nhà văn Nguyên Ngọc - người có tuổi thơ của mình ở Hội An - kể rằng ngày ấy hầu như nhà nào ở Hội An cũng có một tủ sách gia đình. Trong chiến tranh bom đạn dữ dội và ngay cả khi gia đình đi tản cư, bố mẹ ông vẫn giữ gìn tủ sách ấy cẩn thận nên 9 năm sau ông trở về, tủ sách vẫn còn nguyên vẹn.
Một kỷ niệm có nhiều ý nghĩa đến niềm đam mê văn chương của nhà văn Nguyên Ngọc sau này chính là lần ông được đọc Vang bóng một thời của nhà văn Nguyễn Tuân tại nhà ông Châu Tường Anh, cháu chí sĩ Châu Thượng Văn. Ông Châu Tường Anh hơn nhà văn Nguyên Ngọc 4 tuổi, thời bấy giờ, hơn nhau 4 tuổi là một khoảng cách khá lớn. Vì quá mê tủ sách của ông Châu Tường Anh, nhà văn Nguyên Ngọc quyết phải làm bạn với ông Tường Anh. Một hôm, ông Tường Anh nhắn Nguyên Ngọc sang nhà, tới nơi đã thấy Tường Anh mặc áo dài, khăn đóng, đốt một lò hương trầm trên bàn và bảo ông ngồi xuống, đặt hai tay dưới gầm bàn chứ không được đặt tay vào cuốn sách. Đó là bản đặc biệt cuốn Vang bóng một thời, in bằng giấy dó, nhà in dành riêng 100 cuốn tặng cho tác giả. Ông Châu Tường Anh dùng một con dao làm bằng ngà mở từng trang sách cho ông Ngọc đọc chứ chính ông Châu Tường Anh cũng không đụng tay vào trang sách quý. Ở trang đầu cuốn sách có dòng chữ đề tặng của nhà văn Nguyễn Tuân, một kiểu đề tặng rất cầu kỳ: “Kính tặng Tường Anh Châu Công Tử”, bên dưới là chữ ký bay bổng của Nguyễn Tuân cùng dấu triện đỏ hình cánh buồm.
Thời đó, nhà văn Nguyễn Tuân đang nổi tiếng và khoảng cách tuổi tác giữa nhà văn Nguyễn Tuân với ông Châu Tường Anh cũng rất lớn vậy mà giữa hai người lại có sự tâm giao, tương kính đến thế. Điều này khiến nhà văn Nguyên Ngọc vừa kinh ngạc vừa ngưỡng mộ Châu Tường Anh.
Sau này, nhà văn Nguyên Ngọc tâm sự rằng cuộc đời ông có khi đi vào ham muốn viết văn cũng chính từ kỷ niệm đọc Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân trong buổi tối hôm đó tại nhà ông Châu Tường Anh. Viết tới đây, lại nhớ nhạc sĩ Trần Tiến từng nhận xét: “Ngôi nhà không có sách trông hoang lạnh. Mặt người không có chữ trông vô hồn”. Nhà văn Nguyên Ngọc cũng có lần nói, chỉ khi nào sự đọc trở thành một nhu cầu bình thường của con người, chỉ khi nào con người ta đọc sách một cách vô vị lợi chứ không phải đọc vì một mục đích nào thì đó mới chính là văn hóa đọc.
Hội An đã có một thời như thế…
Những tín hiệu vui
Những năm gần đây, một vài hiệu sách khá lớn với nhiều đầu sách hay, có giá trị bắt đầu mọc lên ở Hội An như nhà sách Phương Nam, nhà sách Cảo Thơm… nhưng chỉ được ít lâu lại đóng cửa do ế ẩm. Vài tiệm sách còn tồn tại nhưng ít bán sách mà bán hàng lưu niệm, dụng cụ học tập là chủ yếu. Những điều ấy phần nào nói lên sự sa sút, ảm đạm của văn hóa đọc ở Hội An.
Những ngày cuối năm 2013, nhóm Không Gian Đọc Hội An được thành lập. Thành viên nòng cốt của nhóm gồm những người rất quan tâm đến sự phát triển văn hóa đọc như nhà văn Nguyên Ngọc, Th.S Đỗ Thế, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phan Châu Trinh, Th.S Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Hội An, Th.S Phùng Tấn Đông, chuyên viên Trung tâm Thể thao và Văn hóa Hội An, Th.S Trương Khánh Chi, phóng viên báo Văn hóa, bác sĩ Huỳnh Kim Hơn và một số sinh viên Trường Đại học Phan Châu Trinh. Nhóm tổ chức đọc sách miễn phí tại khuôn viên Bảo tàng Di sản văn hóa Hội An vào Chủ nhật hàng tuần để người dân và du khách ghé đọc hoặc mượn về nhà. Đã 5 Chủ nhật liên tiếp, kể từ ngày 8/12/2013, tại khuôn viên Trung tâm Bảo tồn di sản, sách được đặt trên những kệ, bàn, độc giả có thể tự do ngồi trên ghế, cũng có thể ngồi ngay tại các bậc tam cấp hay trên những thảm cỏ, trên ghế đá, ghế tre để đọc vài trang sách theo sự lựa chọn hay ngẫu nhiên chợt thấy trên kệ. Những độc giả bận rộn, có thể chọn một cuốn sách yêu thích và mượn về đọc dần trong cả tuần. Với hoạt động này, nhóm Không Gian Đọc Hội An hy vọng sẽ nhen nhóm hoặc lan tỏa thói quen đọc sách trong mỗi người dân, mỗi gia đình Hội An.
Câu lạc bộ Cùng Em Đọc Sách thành lập đã hoạt động được gần một năm ở số 57 Trần Phú, nay chuyển về Đại học Phan Châu Trinh cũng là một trong những mô hình hoạt động hiệu quả và kích thích việc đọc sách của trẻ em ở Hội An. Tại câu lạc bộ, các em được đọc những cuốn sách được trang trí bắt mắt, được học tiếng Anh với người nước ngoài, được hướng dẫn chơi các trò chơi để phát triển năng lực bản thân cũng như kỹ năng hoạt động nhóm vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần miễn phí. Sắp tới đây, tại các sân chơi cho cộng đồng ở Hội An cũng sẽ có góc đọc dành cho trẻ em và người dân. Một tuyến xe bus miễn phí dành cho trẻ em sẽ nối các sân chơi, các điểm đọc sách với nhau vào Thứ bảy và Chủ nhật cũng đã được bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Trung tâm Vì sự phát triển đô thị - tính đến. Một dự án về những “thư viện miễn phí” đặt trước cửa hàng hay trước nhà dân, đặt bên những ghế nghỉ chân trên các ngả đường trong khu phố cổ dành cho người dân và khách du lịch đang được chuẩn bị. Sách tại những “thư viện miễn phí” này được bảo vệ khỏi mưa nắng trong những chiếc hộp gỗ nhỏ, có then cài nhưng không khóa. Trên “thư viện” này sẽ ghi dòng chữ: “Lấy đi một cuốn sách, trả lại một cuốn sách”…, bà Giang cho biết.
Biết đâu, trong tương lai gần, Hội An, thành phố đầu tiên của cả nước được công nhận là thành phố văn hóa, lại cũng là thành phố đầu tiên của cả nước là thành phố đọc sách, mà nói như nhà văn Nguyên Ngọc: một tiêu chí quan trọng để có đời sống văn hóa phong phú, sâu sắc chính là văn hóa đọc sách.
Khiếu Thị Hoài (từ Hội An)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất