08/09/2012 14:16 GMT+7 | Italy
(TT&VH Cuối tuần) - Sử dụng lại công thức cũ đôi khi lại trở thành thứ vũ khí rất lợi hại, như sơ đồ 3-5-2 bỗng trở nên thịnh hành một cách kỳ lạ ở Serie A.
Juventus của huấn luyện viên Antonio Conte kết thúc Serie A mùa giải 2011-2012 với thành tích bất bại sau 38 vòng đấu. Trong một đội hình không có nhiều ngôi sao thượng hạng, nhưng “bà đầm già” thành Turin vẫn duy trì được phong độ ổn định suốt cả mùa. Theo dõi các cầu thủ áo sọc trắng đen thi đấu, người ta thấy đó là một tập thể gắn kết chặt chẽ giữa cả ba tuyến, đa dạng trong tấn công, phòng ngự kín kẽ và hơn thế, không để lộ quá nhiều khoảng trống cho đối phương có thể thực hiện các pha phối hợp từ khu vực giữa sân. Đó là thành quả chủ đạo của sơ đồ 3-5-2.
Huấn luyện viên Cesare Prandelli đã thành công bất ngờ cùng đội tuyển Italia ở Euro 2012
Mốt thời thượng
Trên thực tế, sự trở lại của sơ đồ 3-5-2 đã phát huy được tính hiệu quả trong từ hơn một năm trở lại đây. Điển hình, Udinese với hệ thống 3-5-2 từng chơi ngang ngửa Arsenal ngay trên sân khách Emirates ở trận lượt đi vòng sơ loại thứ ba Champions League mùa 2011-2012. Napoli với cùng công thức như thế cũng thủ hòa Manchester City ở đất Anh trước khi đánh bại đối thủ này với tỷ số 2-1 khi trở lại sân nhà. Ngoài ra, họ cũng đánh bại luôn Chelsea 3-1 ở tứ kết lượt đi Champions League cùng năm. Còn tại Champions League năm nay, số phận đã run rủi để Juventus và Chelsea rơi vào cùng một bảng đấu, thật đáng chờ đợi một cuộc tái đấu giữa Chelsea và 3-5-2 nữa.
Gần đây nhất, tổng cộng có 7 câu lạc bộ ở Serie A sử dụng sơ đồ 3-5-2 trong ngày khai mạc mùa bóng mới. Đáng nói hơn, không chỉ riêng các đội bóng mạnh như Juventus và Napoli, những cái tên chỉ được xếp vào hạng trung bình của bóng đá Ý gồm Parma, Fiorentina, Bologna, Siena và Palermo cũng mạnh dạn vận hành hệ thống gồm 3 hậu vệ dàn ngang. Đáng chú ý, Fiorentina dưới thời tân huấn luyện viên Vincenzo Montella chấp nhận thay đổi từ 4-3-3 sang 3-5-2 và kết quả thu được là thắng lợi trước Udinese, đội từng chơi 3-5-2 trước đây, nhưng trận này lại đá 4-4-2.
Hiệu ứng 3-5-2 của Juventus không chỉ xâm nhập vào các câu lạc bộ đang thi đấu ở Serie A hiện giờ, mà trước đó hệ thống này còn lan rộng đến cả tuyển Ý tại Euro 2012. Còn nhớ ở trận mở màn của vòng bảng gặp Tây Ban Nha, không ít người dự đoán được cách bố trí chiến thuật với tập trung số đông tiền vệ ở khu vực giữa sân của huấn luyện viên Cesare Prandelli lại có thể hạn chế những pha phối hợp tiki-taka của Tây Ban Nha. Thậm chí, khi người Ý để thua với tỷ số 0-4 trước cùng đối thủ ở trận chung kết, một số ý kiến đã chỉ trích huấn luyện viên Prandelli không dám mạo hiểm tiếp tục sử dụng chiến thuật 3-5-2, mà quay sang hệ thống 4 hậu vệ.
Chiến thuật thay đổi theo thời gian
Cũng giống như xu hướng thời trang thế giới, chiến thuật trong bóng đá xuất hiện rồi biến mất theo sự thay đổi của dòng thời gian. Sơ đồ 3-5-2 cũng không là ngoại lệ. Đã có lúc, hệ thống này tạo ra tính hiệu quả ngoài mong đợi. Ai có thể quên Carlos Bilardo, nhà cầm quân từng mang đến thành công cho Argentina tại World Cup 1986 trên đất Mexico với đội hình 3-5-2 và Diego Maradona, cũng như Brazil lần thứ năm giương cao chiếc cúp vàng tại World Cup 2002 với cùng một công thức.
Một lời giải thích cho xự trở lại của xu thế 3-5-2 là bóng đá hiện đại đã trở nên thực dụng hơn, coi trọng việc giữ mành lưới hơn trong một trận đấu và hệ thống năm tiền vệ đáp ứng cho yêu cầu đó. Điểm đặc biệt ở sơ đồ này nằm ở chỗ có có thể biến đổi giữa hai hệ thống 3-5-2 và 5-3-2. Khi cần phòng thủ, hai hậu vệ biên cơ động nơi hàng tiền vệ sẽ hoán đổi vị trí xuống chơi phòng thủ và tạo ra bức tường phòng ngự với năm người. Song song đó, hai cầu thủ chạy cánh sẽ dâng cao để tạo số đông ở khu vực trung tuyến với năm tiền vệ.
Dù vậy, vũ trụ vốn dĩ thay đổi và không có gì tồn tại mãi mãi, 3-5-2 hiện đại cũng có những điều chỉnh để thích nghi với tình hình mới. Ngày trước, tuyển Tây Đức giành chức vô địch World Cup 1974 nhờ dám mạo hiểm tin vào chiến thuật 5-3-2. Hiệu ứng thành công ấy lan tỏa đến các đội tuyển Ý, Argentina và Brazil ở các giải tiếp theo. Nhưng năm tháng trôi qua, vẫn một kiểu lối chơi ấy cứ lặp đi lặp lại, dẫn đến một sự nhàm chán và các đối thủ cũng dần biết được cách bắt bài, cũng như khai thác điểm yếu. Thời khắc cuối cùng cho sự thịnh hành của chiến thuật 3-5-2 có lẽ là thất bại của tuyển Đức tại Euro 2000, và dù cho Brazil của huấn luyện viên Luiz Felipe Scolari sau đó vô địch World Cup 2002 cũng với hệ thống 5 tiền vệ, nhưng có lẽ đó là đội Brazil vô địch ít giành được cảm tình của người hâm mộ nhất trong lịch sử.
Khi giá trị cũ lên tiếng
Từng bị chê lỗi thời và thực dụng, nhưng chiến thuật 3-5-2 bỗng dưng tái xuất khi được nhiều câu lạc bộ ở Serie A tin dùng. Không phải ngẫu nhiên mà sự tái sinh này lại là đặc sản của riêng bóng đá Ý. Sơ đồ năm tiền vệ giúp các câu lạc bộ Serie A vốn dĩ thiên về chiến thuật và lối chơi ít tốc độ, nhưng tinh tế, chiếm ưu thế trong việc giành và giữ các khu vực chiến lược trên sân, từ đó tạo ra ưu thế cho việc giành chiến thắng. Với riêng Juventus, các tuyến gắn kết hơn, hạn chế được khoảng trống cho đối phương phối hợp, ít tạo ra lổ hổng khi cầm bóng và một thế trận tấn công cân bằng giữa gây sức ép và chống phản công. Dưới tay Conte và những con người mà ông đang có, 3-5-2 có thể coi là một giải pháp hoàn hảo.
Dễ hiểu khi sự thành công của nhà vô địch khiến sơ đồ đó nhanh chóng lan nhanh ở Serie A. Sơ đồ 3-5-2 cũng là một đội hình dựa trước hết trên sự vững chắc ở hàng phòng ngự, điều rất phù hợp với phong cách bóng đá của người Ý. Ngoài ra, số đông các nhà cầm quân tại Serie A là những huấn luyện viên quốc nội và trong quan điểm của họ, dù có thay đổi thế nào về chiến thuật thì những giá trị cũ lúc nào cũng bền vững, với niềm tự hào về một triết lý bóng đá bốn lần vô địch thế giới. Nhưng cũng như mọi chiến lược gia bóng đá đỉnh cao khác lúc nào cũng bị đe dọa bởi lệnh sa thải từ những ông chủ khó tính, các huấn luyên viên Ý cũng phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu thành tích. Khi một hệ thống không cho thấy hiệu quả, lập tức nó sẽ bị khai tử. Udinese mùa giải 2010 là một ví dụ điển hình. Lúc đó, huấn luyện viên Francesco Guidolin chấp nhận từ bỏ sơ đồ 4-2-3-1 và 4-2-2-1-1 để chuyển sang 3-5-2 và thu được thành kết ngoài mong đợi vào cuối mùa với vị trí thứ tư chung cuộc.
Trong bối cảnh bóng đá thế giới ngập tràn chiến thuật 4-2-3-1 hay 4-3-3, các đội bóng thi nhau chơi cùng một kiểu rập khuôn và thiếu đi tính sáng tạo. Vì vậy, sự trở lại của 3-5-2, vốn từng bị coi là nhàm chán và thiếu cảm hứng, lại là một bước đột phá về mặt tư duy. Hệ thống này thực sự đã mang đến một làn gió lạ cùng tuyển Ý ở Euro 2012 và Juventus sẽ lại là một trong những đội đáng chờ đợi nhất ở Champions League mùa giải này.
Cũng giống như xu hướng thời trang, chiến thuật trong bóng đá xuất hiện rồi biến mất theo sự thay đổi của thời gian
Huỳnh Ngọc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất