Hơn 17.000 tỷ đồng dự trữ hàng thiết yếu cho Tết

17/01/2025 17:43 GMT+7 | Tin tức 24h

Theo Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, sức mua trên thị trường tăng mạnh trong tháng 12/2024 và tháng 1/2025 do giá các mặt hàng cà phê, tiêu, hạt điều, lúa gạo, mía đường có xu hướng tăng so với năm trước.

Theo đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng khởi sắc đã tác động tích cực đến đời sống người dân. Dự báo tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ dịp cuối năm ước đạt trên 6.200 tỷ đồng, riêng giá trị hàng hoá lương thực, thực phẩm thiết yếu dự trữ phục vụ dịp Tết Nguyên đán của các hệ thống bán lẻ tăng từ 15-30%.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều phương án nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa dồi dào, bình ổn giá và đặc biệt tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hoá, an toàn thực phẩm.

Hơn 17.000 tỷ đồng dự trữ hàng thiết yếu cho Tết - Ảnh 1.

Các sản phẩm hàng Tết dồi dào, đa dạng, phong phú. Ảnh: Đồng Thúy-TTXVN

Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai Đào Thị Thu Nguyệt khẳng định, ngành đã yêu cầu các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Công Thương và của tỉnh về quản lý, điều hành và bình ổn giá cả dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 với mục tiêu là không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa hoặc tăng giá bất thường. Các doanh nghiệp, siêu thị và các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã sớm lên kế hoạch dự trữ các mặt hàng thiết yếu với tổng giá trị lên đến hơn 17.000 tỷ đồng.

Tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku, bà Nguyễn Thị Diệu Trinh, Tổ trưởng Tổ Marketing Siêu thị Co.op Mart Pleiku cho biết, đơn vị đã dự trữ hàng hóa Tết trị giá hơn 115 tỷ đồng, tập trung vào thực phẩm tươi sống, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo và các sản phẩm đồ gia dụng, hàng may mặc... Để đảm bảo chất lượng hàng hoá, siêu thị tăng cường tần suất kiểm tra chất lượng hàng hóa gấp 2-3 lần so với ngày thường, đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng luôn đạt tiêu chuẩn cao nhất.

Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, dịch vụ cũng tích cực tham gia chương trình bình ổn thị trường, đưa hàng Việt về nông thôn. Điển hình là Công ty cổ phần Thương mại Gia Lai đã phát huy vai trò chủ lực với hệ thống hơn 40 xe tải phân phối đầy đủ hàng hóa đến tay người dân vùng sâu, vùng xa.

Để ngăn ngừa hàng giả, hàng kém chất lượng, sản phẩm nhập lậu, thực phẩm bẩn thâm nhập thị trường, Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát tránh thiệt hại cho người tiêu dùng. Chỉ trong hơn 2 tháng mở đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước Tết Nguyên đán 2025, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai đã kiểm tra 76 vụ, phát hiện 22 vụ vi phạm và xử lý phạt hành chính trên 530 triệu đồng.

Riêng lĩnh vực an toàn thực phẩm, lực lượng đã kiểm tra 15 vụ, phát hiện 2 vụ vi phạm, xử phạt hành chính 35 triệu đồng. Nhiều hàng hóa không đảm bảo chất lượng bị tịch thu và tiêu hủy gồm: 600 hộp kẹo, 2.400 chai siro, hơn 1.600 cây xúc xích, hơn 9.800 bánh Trung thu và 993 kg thịt heo không rõ nguồn gốc, cùng hàng chục nghìn sản phẩm bánh kẹo khác.

Ông Đinh Văn Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai cho biết trong giai đoạn cao điểm cuối năm và Tết Nguyên đán, lực lượng Quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại, đặc biệt chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, các nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp Tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường.

Ngoài ra, lực lượng cũng sẽ tập trung kiểm tra các mặt hàng thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu tại các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa nhằm phát hiện kịp thời và xử lý các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, ngăn chặn hàng hóa không rõ nguồn gốc tràn vào thị trường.

Hoài Nam - Xuân Huy/TTXVN

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm