19/04/2012 06:03 GMT+7 | Giải Âm nhạc Cống hiến
(TT&VH Cuối tuần) - Cả hai đều là những tên tuổi “nổi tiếng lâu năm” trong làng ca nhạc, nhưng đây là lần đầu tiên hai giọng hát đẹp một cách tự nhiên này có nhiều cơ hội ngang nhau để chạm tới chiến thắng ở cả hạng mục Album của năm (album Vòng tròn của Hồng Nhung và Ngôn ngữ cơ thể - Body Language của Thu Minh) lẫn hạng mục Ca sĩ của năm giải âm nhạc Cống hiến (*).
* Hồng Nhung: Diva của những cái nhất
Nổi tiếng sớm nhất
Trong số 4 diva của Việt Nam, Hồng Nhung là người nổi tiếng sớm nhất. Năm 1988, cô xuất hiện trên ti vi gầy gò, không xinh đẹp nhưng rất ấn tượng, và đặc biệt là giọng hát đầy nội lực. Cô ghi vào lòng khán giả hình ảnh của một nữ ca sĩ vừa qua tuổi thiếu niên, trong sáng, có sức hút đặc biệt với Papa (nhạc Canada), Đàn sếu (nhạc Nga), The final count down (của ban nhạc Europe), Tôi về đây nghe sóng (Nguyễn Cường), Lời của gió, Hãy đến với em (Duy Thái)… Chương trình này được phát đi phát lại trên truyền hình (lúc đó thường toàn những chương trình rất “hộp” được sản xuất theo kiểu làm khoán), làm say mê rất nhiều thế hệ thời bấy giờ, từ học sinh phổ thông đến sinh viên đại học, công chức nhà nước, trung niên…
Đề tài về Hồng Nhung được bàn luận ngay tại sân trường trong các giờ ra chơi, sự tranh luận về yêu ghét diễn ra tại các cơ quan xí nghiệp. Điều đó nghiễm nhiên khiến cô trở thành một ngôi sao ca nhạc (danh xưng “ngôi sao” ở thời đó có giá trị khác hẳn bây giờ và nó do chính người hâm mộ phong tặng chứ chẳng dựa vào báo chí công luận hay giới chuyên môn nào) và trở thành cái tên đảm bảo cho các chương trình ca nhạc hiếm hoi lúc đó, được tổ chức theo hình thức gala, nhạc hội, biểu diễn khắp trong Nam ngoài Bắc vào năm 1989-1990 (Gala 89, Nhạc hội 90). Trong những chương trình này, Hồng Nhung được đứng ngang hàng với Bảo Yến, Ngọc Bích, Cẩm Vân…, được khán giả háo hức chờ đợi.
Vài năm sau, Hồng Nhung chuyển vào Sài Gòn sinh sống và ca hát. Sự di chuyển đó là bình thường, là hợp lẽ tự nhiên với một ca sĩ nhạc nhẹ trong con đường phát triển sự nghiệp, nhưng cô đã làm cho nhiều khán giả miền Bắc thấy tiếc, thấy nhớ. Họ chỉ thật sự thấy lại dấu ấn của cô khi Nhung xuất hiện trên truyền hình trong chương trình Khách mời của VTV3, bên cạnh cô là nhạc sĩ Bảo Chấn.
Ra nhiều album nhất
Album đầu tiên của Hồng Nhung được xuất bản dưới dạng băng cassette vào năm 1988, Tiếng hát Hồng Nhung, do Dihavina thực hiện. Đây có lẽ là album đầu tiên của ca sĩ miền Bắc đậm đặc màu sắc nhạc nhẹ, khiến khán giả vốn chỉ được biết đến những album kiểu “đài tiếng nói Việt Nam”, thấy lạ lẫm và hấp dẫn với không chỉ giọng hát Hồng Nhung mà còn vì tiếng nhạc cụ điện tử cùng các âm sắc hiện đại. Còn các nhạc công thì say sưa nghe không chỉ vì nhạc nền được phối khí rất kỹ, có sự dụng công tìm tòi mà còn vì âm sắc của trống điện tử xuất hiện trong một sản phẩm âm nhạc được sản xuất ở phía Bắc khiến họ thấy hào hứng vì thứ nhạc cụ hiếm hoi thời đó, trong khi trước giờ họ chỉ thấy tiếng trống da thô sơ.
Đến bây giờ, Hồng Nhung đã có khoảng hơn 30 album (3 diva còn lại chỉ có dưới 20 album). Hai album được cho là xuất sắc nhất của Hồng Nhung là Ngày không mưa và Khu vườn yên tĩnh được làm với nhạc sĩ Dương Thụ, Quốc Trung. Trong Ngày không mưa, có thể nói Hồng Nhung hát nghe dễ chịu nhất bởi sự hòa trộn rất vừa vặn giữa cái hay của giọng hát, kỹ thuật và của cảm xúc đến ngưỡng, tất cả được đặt trong một tổng thể chỉn chu với sự dày công thực hiện từ việc biên tập đến hòa âm. Với giới làm nghề, album này còn được chú ý bởi nó ra đời vào năm 2002, thời điểm mà các nhạc sĩ hòa âm phối khí Việt Nam bắt đầu chớm vào vòng quay của công nghệ với việc làm nhạc bằng máy tính, họ bắt đầu biết đến khái niệm sample (âm mẫu). Quốc Trung lúc đó là một trong những nhạc sĩ tiên phong trong việc sử dụng sample, với khả năng của mình, anh đã tạo ra những âm thanh, âm sắc rất hay, lạ và gần với các sản phẩm của các nền âm nhạc tiên tiến cho album này.
Còn Khu vườn yên tĩnh được cho là đột phá nhất trong sự nghiệp âm nhạc của Hồng Nhung khi cô chuyển sang một địa hạt khác không phải pop. Ở thời điểm đó, đây là một album đậm đặc màu sắc đương đại. Quốc Trung và Dương Thụ đã mang đến cho mọi người thấy rằng ở Việt Nam có những nhà sản xuất, nhạc sĩ làm việc rất văn minh, họ đã hướng đến sự phát triển chung của âm nhạc ngoài biên giới Việt. Người Việt vốn có thói quen bài hát rất quan trọng về nội dung, diễn biến câu chuyện trong đó nên những ca từ nhẹ nhàng, mơ hồ mang nhiều tính tượng thanh (đó là đặc trưng cần có của thể loại nhạc mà Khu vườn yên tĩnh chọn) trong album này có vẻ không thu hút họ (một phần cũng vì sự phát triển tư duy nghe nhạc của người Việt Nam chưa theo kịp tư duy của các nhà sản xuất âm nhạc). Tuy nhiên, Hồng Nhung đã lựa chọn con đường quay lại với công chúng pop hơn là dấn thân trên con đường world music, bởi vậy mà Khu vườn yên tĩnh sớm khép cửa để lại không ít tiếc nuối.
Và nhiều khán giả nhất
Là diva duy nhất Nam tiến, Hồng Nhung cho thấy cô đã rất coi trọng việc đặt sự sống còn của mình trong lòng công chúng, đó là “thuộc tính” của các ca sĩ ở phía Nam. Vào Sài Gòn, Hồng Nhung kết hợp với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và tạo ra một hiện tượng rất gây chú ý với các khán giả miền Nam trước đó vốn chỉ quen nghe nhạc Trịnh với tiếng hát Khánh Ly. Ở thời kỳ Làn sóng xanh, giữa một lực lượng ca sĩ trẻ đông đảo như Phương Thanh, Phương Uyên (3 Con Mèo), Lam Trường, Minh Tuyết - Cẩm Ly, phía Bắc là Mỹ Linh, Hà Trần, Bằng Kiều, nhóm Tik Tak…, Hồng Nhung vẫn ăn khách, vẫn sôi động và trẻ trung dù đã thuộc thế hệ đàn chị. Việc kết hợp với nam ca sĩ Quang Dũng những năm 2007-2008 cũng thể hiện nỗ lực của Hồng Nhung gần gũi với công chúng. Và đến giờ, trên sân khấu các chương trình thường kỳ của nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Trung ương, chương trình của nhạc sĩ Phú Quang…, dù chủ đề của chương trình là nhạc Văn Cao, Trịnh Công Sơn hay Phú Quang…, Hồng Nhung vẫn luôn được nhà tổ chức dành cho vị trí vedette, bởi Hồng Nhung ngoài giọng hát hay còn có rất nhiều điều khác khiến công chúng bị thu phục. Cô rất quan trọng việc giữ hình ảnh trước công chúng nên cách xuất hiện trên sân khấu, những lời dẫn dắt cho phần trình diễn… đều được đầu tư. Ngay cả khi khán giả cho rằng cô “diễn”, họ vẫn không thể tránh được việc bị thu hút.
Trên con đường âm nhạc, dẫu không làm những cuộc “cách mạng” như 3 diva còn lại, nhưng đến nay, sau gần hơn 20 năm ca hát, Hồng Nhung có lẽ là diva có đối tượng công chúng rộng nhất. Ở tuổi 42, việc thực hiện album nhạc điện tử Vòng tròn với những tiết tấu sôi động khiến cô phải nhảy với vũ đoàn trên sân khấu khi biểu diễn cho thấy Hồng Nhung sẽ tiếp tục là “Icon” trong mắt người nghe nhạc thế hệ 9x, thậm chí là 00x!
* Thu Minh: Đường diva lận đận
Lần ngược lại con đường ca hát của Thu Minh, khán giả quan tâm tới cô sẽ hẳn dễ thắc mắc về giai đoạn gần 10 năm, từ 1993 tới 2002, và có thể hỏi vì sao một người hội tụ đủ mọi yếu tố để thành ngôi sao - xinh đẹp, có giọng hát thiên phú trong veo cao vút và thành công rất sớm khi đoạt giải cao nhất cuộc thi hát danh giá và đáng mơ ước bậc nhất khi ấy (Tiếng hát truyền hình1993) - lại không để lại dấu ấn đáng kể gì trong cuộc thăng hoa kỳ thú của nhạc Việt giai đoạn 1997-1999. Cô đã ở đâu khi các ca sĩ Hà Nội làm mưa làm gió và thăng hạng diva; khi nhiều đồng nghiệp Sài Gòn tỏa sáng trở lại sau thời miệt mài chạy sô tụ điểm và nhiều gương mặt mới vụt lên thành ngôi sao? Phải tới năm 2002, khi album đầu tay (Ước mơ) xuất hiện, có bài “hit” (Nhớ anh), con đường tới một ngôi sao như ngày hôm nay dường như mới chính thức bắt đầu.
Ở đâu?
Thực ra trong quãng thời gian nhắc tới ở trên, Thu Minh không đi đâu cả, không ẩn dật và nếu nói lép vế thì cũng bất công cho cô. Cô vẫn chạy sô miệt mài, thu âm rất nhiều và lên truyền hình không ít. Nhưng chỉ có vậy. Rất khó để người ta nhớ ra phong cách của cô hay dấu ấn của cô (nhớ tên thì có). Những bài hát giúp cô được giải như Bóng cây Kơ-nia,Tình ca cho em tất nhiên khiến nhiều đồng nghiệp phải nể nhưng không thể giúp cô thành ngôi sao.
Trong một bài trả lời phỏng vấn vào năm 2002, Thu Minh nói rằng bước ngoặt đáng kể với cô trước Ước mơ là giai đoạn cô chuyển qua hát nhạc ngoại quốc. Cô say sưa “cover” lại từ Whitney Houston tới Celine Dion... Thu Minh tự đánh giá là mình thành công ở mảng ca khúc này, nhất là khi có nhiều người khen cô hát Saving All My Love For You hay All By Myself hay không kém, thậm chí còn có phần ấn tượng hơn cả 2 diva thế giới kia (tất nhiên là quá lời, nhưng fan mà!). Nhưng có lẽ chính Thu Minh cũng không nhận ra, hay hơi nhầm lẫn, rằng thực ra việc miệt mài đi theo các diva quốc tế chỉ giúp cô hoàn thiện phần nào giọng hát của mình và có thêm tiếng vỗ tay ở các tụ điểm ca nhạc hay phòng trà, chứ để nói là thành công theo nghĩa tạo dấu ấn, tạo tên tuổi và nhất là đẳng cấp thì không thể.
Giọng của Thu Minh như thế nào mà phải nhờ tới hàng loạt “bài tập” cover như thế mới hoàn thiện? Nếu ai từng nghe Thu Minh hát thời “hậu” Tiếng hát truyền hình qua hàng loạt bản thu âm vội vã cho rất nhiều hãng đĩa sẽ cảm thấy tiếc cho giọng hát ấy. Giọng Thu Minh trong trẻo, rất “sạch”, âm vực rộng, lên nốt cao rất nhẹ nhàng nhưng cách hát rất cứng và gượng ép, một thời gian dài không thoát ra khỏi lối hát nũng nịu làm dáng quá đáng. Có lẽ Thu Minh khi đó quá chủ quan vào chất giọng trời phú của mình và thiếu một người thầy thực sự hiểu giọng hát của cô để giúp phát triển thay vì chỉ làm sao hát cho to, cho khỏe. Sau này, khi hát nhạc của Whitney, của Celine, phải “gò” giọng mình sao cho càng sát với “nguyên bản” càng được khen là hay, Thu Minh đã vô tình “lượm được bí kíp”. Giọng cô trở nên mềm mại, cách điều chỉnh âm thanh khi hát đã tinh tế hơn nhiều và những nốt cao giờ được đặt đúng chỗ. Nhưng nếu chỉ hát nhạc ngoại thì dù có hát hay cỡ nào, có lên được nốt cao hơn bản gốc, thì không gian cho sự nổi tiếng cũng sẽ chỉ bó hẹp lại sân khấu tụ điểm, tầm ảnh hưởng sẽ gần như không có.
Trong những năm tháng ấy, Thu Minh có một người đồng hành và câu chuyện tình của họ cũng khá nổi tiếng trong giới nghệ sĩ - Hoài Sa. Sau này, khi Thu Minh đã nổi tiếng, khi họ đã trở thành bạn bè và cùng nhau làm ra một số album giúp Thu Minh “thăng hạng” và Hoài Sa vẫn là nhạc sĩ hòa âm phối khí hàng đầu ở TP.HCM, nhiều người cũng đã hỏi: “Vậy Hoài Sa đã ở đâu trong giai đoạn “chìm” của Thu Minh?”. Câu trả lời là Hoài Sa không đi đâu cả, chừng ấy năm anh chủ yếu hoàn thành tốt nhiệm vụ một nhạc công, một người đệm piano mà Thu Minh khen là hay nhất đối với cô. Và chỉ có vậy. Khi chuyện tình không còn, cả hai bỗng nhiên đều thành công rực rỡ trên con đường đi riêng của mình, kể cả có hợp tác với nhau hay không. Trong cái dở có cái hay là thế.
Và về đâu?
Thu Minh của ngày hôm nay đã khác xưa rất nhiều (tất nhiên). Những vốn liếng tích tụ, trong đó có cả vốn của một học sinh trường múa ngày nào đều có phần trong thành công của Thu Minh hôm nay. Giọng hát ngày càng điêu luyện, nhan sắc đang thời rực rỡ, hình ảnh trên sân khấu luôn lộng lẫy, bài “hit” xuất hiện liên tục, đắt show khủng khiếp và cát-sê cao ngất, ảnh hưởng đến lớp ca sĩ đàn em thể hiện rất rõ ở các cuộc thi hát kiểu Idol. Có lẽ cô đã lên tới đỉnh thành công về mặt thị trường, điều hoàn toàn xứng đáng sau gần 20 năm ca hát. Khán giả dù mới hay cũ đều mừng cho cô về điều đó.
Nhưng, lại nhưng (khổ lắm nói mãi), câu hỏi diva kia vẫn chưa chịu biến mất.
Theo dõi con đường của Thu Minh, từ 10 năm trước (2002), lấy mốc là các album của cô, sẽ không khó để tìm câu trả lời (dù chưa hẳn đã hoàn toàn thỏa đáng). Sau album đầu tay mang nhiều dáng dấp phong cách Hà Nội, Thu Minh có ngay một đĩa nhạc rất “thị trường” (giai đoạn cô cộng tác với trung tâm băng nhạc Rạng Đông), rồi sau một thời gian loay hoay cái gì cũng hát, ra cả đĩa “nhạc đỏ”, ngoài sự gây tò mò thì không tạo ấn tượng đáng kể, tưởng suýt quay lại “ngày xưa ơi” thì cô có sản phẩm đột phá - album nhạc dance điện tử Thiên đàng với bài “hit” Chuông gió đình đám.
Xin dừng một chút trên con đường mang tên Thu Minh để nói về album này và nhà sản xuất đã góp phần làm nên Thu Minh thực sự xứng với chữ “đẳng cấp”- nhạc sĩ Võ Thiện Thanh. Trước đó, Thu Minh hát nhiều, nhưng dấu ấn riêng lại không đáng kể, chính là bởi cô không có được một cộng sự đáng giá để làm ra thứ âm nhạc dành riêng cho cô (thành công của 4 diva nhạc Việt đã minh chứng cái “riêng” này quan trọng thế nào). Âm nhạc của Thiên đàng chẳng phải quá cao siêu gì, và chẳng phải vì hát được nó mà thành “đẳng cấp”, nhưng nó được làm ra nhắm đến Thu Minh, dành cho Thu Minh, được “đo ni đóng giày” nên thành công và sức lan tỏa thực sự mạnh mẽ. Thu Minh định vị lại được mình, nổi bật hẳn lên, chính là nhờ đĩa nhạc này. Nếu cô tiếp tục đà ấy thì…
Cô không bước tiếp. Phản xạ của một ca sĩ có quá nhiều năm chạy sô tụ điểm, nơi thành công được đo đếm tức khắc bởi tiếng vỗ tay của một lượng khán giả đủ thành phần, khiến cô không đủ yên tâm với một thành công, và có lẽ cô cũng không đủ kiên nhẫn để chờ bước lên bậc cao hơn (nếu có). Thế là trong khi các fan trẻ vẫn đồn đoán về một Thiên đàng 2 hứa hẹn bùng nổ hơn, thì Thu Minh hài lòng với những đĩa nhạc có tính “giao thời” như I Do hay cực kỳ thị trường như Giác quan thứ Sáu rồi lại về với dance nhưng ở mức độ thấp hơn với Body Language. Những album ấy tiếp tục đem lại thành công cho cô ở góc độ “đắt sô” và cũng tiếp tục đẩy cô xa hơn cái vị trí diva nhạc Việt bao người vẫn chờ đợi.
Nhưng có lẽ bản thân Thu Minh không còn kỳ vọng điều đó nữa. Cô dường như rất thoải mái với những gì mình đã và đang làm. Chính sự hồn nhiên vô lo ấy giúp cô đứng vững gần 10 năm qua, chỉ lên không xuống và khán giả luôn thấy một Thu Minh hát hết mình bằng giọng hát trời cho của mình. Cô không tạo ra cuộc “cách mạng” lớn nào trong âm nhạc dù có công làm nhạc dance thêm thịnh hành hơn một chút ở Việt Nam, bù lại cô có một tinh thần nghệ sĩ cùng đam mê ca hát cháy bỏng và truyền được cảm hứng tới người xem một cách mạnh mẽ.
(*) Giải thưởng âm nhạc Cống hiến do báo TT&VH khởi xướng và tổ chức từ năm 2005. Lễ công bố và trao giải Cống hiến 2011 do báo TT&VH phối hợp cùng công ty Smart sẽ được tổ chức vào ngày 22/4/2012 tại TP.HCM, truyền hình trực tiếp trên VTV1 lúc 21 giờ. |
Mio - Nguyễn Minh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất