Hưng 'Kính' bị phạt 4 năm tù về tội 'Cưỡng đoạt tài sản'

26/07/2019 10:24 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Sau hai ngày xét xử, sáng 26/7, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phạt bị cáo Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng “Kính”, sinh năm 1963, trú tại phố Hàng Đậu, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cùng bốn đồng phạm trong vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” xảy ra tại chợ Long Biên (Hà Nội).

Xét xử Hưng 'kính' và đồng phạm cưỡng đoạt tài sản tại chợ Long Biên

Xét xử Hưng 'kính' và đồng phạm cưỡng đoạt tài sản tại chợ Long Biên

Sáng 25/7, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng “kính”, sinh năm 1963, trú tại phố Hàng Đậu, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” xảy ra tại chợ Long Biên (phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội).

Bị cáo Nguyễn Kim Hưng bị Tòa tuyên phạt 4 năm tù về tội "Cưỡng đoạt tài sản", đồng thời áp dụng hình phạt bổ sung đối với Hưng “Kính” là phạt 30 triệu đồng.

Chú thích ảnh
Cảnh sát dẫn giải bị cáo Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng “kính”) về trại giam sau khi tòa tuyên án. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Bốn đồng phạm của Hưng “Kính” trong vụ án này gồm: Nguyễn Hữu Tiến (tức Tiến “Hói”) bị Tòa tuyên phạt 3 năm tù; Dương Quốc Vương (tức Vương “Lợn”), Lê Thanh Hải (tức Hải “Gió") và Nguyễn Mạnh Long (tức Long “Cao”) cùng bị Tòa tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù về cùng tội "Cưỡng đoạt tài sản".

Bản án sơ thẩm nhận định, các bị cáo trong vụ án có đủ nhận thức để biết việc cưỡng đoạt tài sản là vi phạm pháp luật nhưng các bị cáo vẫn thực hiện, gây ra hàng loạt khó khăn cho việc kinh doanh của hộ gia đình bị hại, buộc bị hại phải nộp một khoản tiền lớn trong thời gian dài. Trong khoảng thời gian từ 14/3/2018 đến ngày 1/9/2018, dưới sự chỉ đạo của Hưng "Kính", nhóm bị cáo đồng phạm đã thu của chị Nghiêm Thúy Nga (sinh năm 1981) và chồng là anh Hoàng Anh Hà (sinh năm 1972) cùng trú tại Ba Đình, kinh doanh hoa quả tại chợ Long Biên hơn 28 triệu đồng, nhưng chỉ nộp về Ban quản lý chợ Long Biên 3,2 triệu đồng.

Trên cơ sở đó, Hội đồng xét xử xác định nội dung cáo trạng truy tố các bị cáo tội cưỡng đoạt tài sản là đúng. Việc các luật sư bào chữa cho rằng, các bị cáo không phạm tội cưỡng đoạt tài sản là không có cơ sở. Các bị cáo phạm tội với tính chất nghiêm trọng, vi phạm quyền sở hữu tài sản của công dân, gây bất bình cho những hộ kinh doanh ở chợ Long Biên và dư luận. Hành vi của các bị cáo cần xử lý nghiêm để phòng ngừa chung.

Bị cáo Nguyễn Kim Hưng giữ vai trò chính. Với vai trò, mức độ phạm tội và nhân thân của Hưng, cần xử phạt bị cáo nghiêm khắc với mức án cao hơn các bị cáo khác. Các bị cáo còn lại cần có mức hình phạt tương xứng để giáo dục, phòng ngừa chung.

Tại tòa những bị cáo này đã ăn năn hối cải, nhưng thành khẩn có mức độ. Các bị cáo đã nộp tiền khắc phục hậu quả. Theo quy định, các bị cáo phải chịu thêm hình phạt bổ sung là phạt tiền. Bị cáo Hưng phải chịu hình phạt bổ sung này. Còn các bị cáo khác có hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không áp dụng thêm hình phạt bổ sung.

Bản án sơ thẩm cũng nêu rõ, trong vụ án này, còn một số hành vi khác của các bị cáo mà cơ quan điều tra đã tách ra để điều tra, xử lý sau. Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến sai phạm của Ban quản lý chợ Long Biên, tách ra tiếp tục điều tra xử lý sau.

Về trách nhiệm dân sự, do phía bị hại không yêu cầu bồi thường nên Hội đồng xét xử không xem xét vấn đề này.

Sau khi Hội đồng xét xử tuyên bản án sơ thẩm, chị Nghiêm Thúy Nga (bị hại trong vụ án) cho biết, khi quyết định tố cáo các đối tượng bảo kê chợ Long Biên, chị không mong muốn bản án cao đối với các bị cáo mà chỉ mong muốn công việc kinh doanh của chị được thuận lợi, không bị gây khó dễ. Chị Nghiêm Thúy Nga chia sẻ: “Khi mạnh dạn đứng lên tố cáo các bị cáo trong vụ án này, tôi mong muốn ngoài bản thân tôi ra, các tiểu thương khác cũng có cuộc sống yên ổn để làm ăn, vì công lý luôn thuộc về lẽ phải".

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm