02/02/2023 11:00 GMT+7 | Văn hoá
Ngày 5/2 (rằm tháng Giêng) tới đây, như thông lệ, Ngày thơ Việt Nam và các hoạt động tôn vinh thơ ca sẽ được tổ chức tại Hà Nội và nhiều địa phương trên toàn quốc. Đáng chú ý, tại TP.HCM sẽ có hội thảo "Trong dòng thơ giữa phố".
1. Nội dung hội thảo Trong dòng thơ giữa phố rất thời sự, nhưng cũng rất truyền thống. Thời sự vì chúng ta được bàn về thì hiện tại của một dòng văn hóa đang chảy tới một khúc cua, một ngã rẽ "giữa phố", ở giao điểm của 7 nhánh nghệ thuật trong khuôn viên Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TP.HCM. Dòng sông này chảy vào đây khi thành phố đông dân nhất nước đang đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá, đang số hóa nữa, để tới được vạch đích văn minh, hiện đại thật nhanh! Và, sự tăng tốc diễn ra bên cạnh nhịp điệu văn hóa đều đều, chầm chậm như câu hát ru lục bát xưa nói chung, nhịp thơ ca nói riêng.
Nhưng vấn đề bàn trong hội thảo cũng thật truyền thống, rất truyền thống! Trong phạm vi một vài thế kỉ, thì đây chính là "tham luận" thơ ca bâng khuâng của Trần Tế Xương: "Sông kia rày đã nên đồng/ Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai/ Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò".
Xa hơn là kiến nghị của Nguyễn Công Trứ, từ một con thuyền văn nghệ, ban đầu thi thảnh thơi, thân ái, tự tin, chan hòa: "Gió trăng chứa một thuyền đầy/ Của kho vô tận biết ngày nào vơi" rồi bực bội, hờn giận, xa lánh: "Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo/ Giữa trời vách đá cheo leo/ Ai mà chịu rét thì trèo với thông" .
Xa hơn nữa, một thi sĩ, cũng là nhà chiến lược đại tài Nguyễn Trãi, hướng thơ về loài cây ấy nhưng không trốn đời và sớm nghĩ tới kiếp sau như hậu sinh Nguyễn Công Trứ, mà dấn thân, hiện sinh, xuống núi với nhân gian. Ông viết về cây tùng: "Đống lương tài có mấy bằng mày?/ Nhà cả đòi phen chống khoẻ thay/ Cội rễ bền dời chẳng động / Tuyết sương thấy đã đặng nhiều ngày/ Tuyết sương thấy đã đặng nhiều ngày/ Có thuốc trường sinh càng khỏe thay/ Hổ phách phục linh nhìn mới biết/ Dành còn để trợ dân này".
Từ truyền thống tới hiện đại, vấn đề thơ tồn tại như thế nào, bằng cách nào, trong thực tế đời sống chung đã được bàn tới! Trôi xuôi hòa ca hay tách dòng như Cửu Long chia nhánh để mở cửa tìm cơ hội sáng tạo và đóng góp, chính là câu chuyện khoa học trong bàn tròn này. Chính đây là diễn đàn để mỗi cá nhân thi sĩ, thể hiện cảm hứng, thi pháp, kĩ năng thơ ca của mình, nếu nuốn tồn tại và có dấu ấn "trong dòng thơ giữa phố", theo nghĩ rộng nhất!
Chỉ tiếc một điều, trong chương trình lễ và hội kéo dài trong 2 ngày cuối tuần, không có các nội dung dành cho các em học sinh phổ thông, và sinh viên (nếu không đánh đồng sinh viên sư phạm, văn khoa, kinh tế, khoa học tư nhiên… vào 1 chữ "trẻ", hay chữ "thanh niên", cho dù học sinh, sinh viên, đang và sẽ là bạn đọc đông đảo của thơ ca, nếu không nói là đông đảo nhất, nghiêm túc và hào hứng nhất.
2. Xem lại nhật kí phóng viên, tôi thấy những ghi chép thật thú vị vào ngày 12/2/2006. Đó chính là ngày Thơ Việt Nam lần thư 4 tổ chức vào đúng đêm Nguyên Tiêu, rằm tháng Giêng, năm Bính Tuất tại sân trường Đại học Sư phạm Đồng Tháp.
Trước khi trăng lên, cả ngày hôm ấy, đường vào trường là con đường thơ. Hai bên đường, xếp nối nhau những tranh Xuân và bức chữ của sinh viên. Trên các bức chữ, những câu thơ, bài thơ hay của các nhà thơ Việt Nam, từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du tới Hồ Chí Minh, từ Tố Hữu, Huy Cận tới Hoàng Cầm… được trình bày theo lối thư pháp Việt ngữ và Hán ngữ.
Vào giờ trăng lên, sân khấu thơ dựng trên đường thơ bắt đầu sáng đèn, soi sáng lá cờ thơ cỡ đại, mỗi chiều 2m.
Thầy hiệu trưởng trân trọng khai cuộc: "Lại thêm một ngày "đất nước hóa thành thơ…". 18 nữ sinh viên áo dài trắng, mỗi em tay cầm hai trái bóng bay màu đỏ có treo các bức chữ thư pháp ghi lại 36 bài thơ, câu thơ tiêu biểu của thơ ca Việt Nam (bắt đầu từ bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt và kéo dài tới câu Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn của Chế Lan Viên). Theo giọng đọc thơ truyền cảm, lần lượt từng nữ sinh đưa những câu thơ ra trình diễn dưới ánh đèn sân khấu.
Thơ bước theo người, thơ thành một đạo cụ sang trọng, cổ điển trong điệu múa của 18 cô gái hiện đại. Khi cả 36 bức thơ cùng 18 nữ sinh xếp thành đội hình đẹp nhất, các em buông tay thả thơ bay lên. Thơ, vào lúc ấy có vẻ đẹp của những thông điệp mặt đất gửi bầu trời.
3. Để Ngày thơ Việt Nam được liên tục và mỗi năm mỗi hay hơn, được chờ đợi như một hội Xuân, để thơ Việt Nam (và thơ ca nhân loại) từ các trang sách giáo khoa bước xuống sân trường, tôi xin kiến nghị:
Hằng năm, tổ chức đồng loạt Ngày thơ Việt Nam trong buổi chào cờ đầu tuần, vào đúng tuần lễ có Tết Nguyên Tiêu, có ngày thơ Việt Nam. (Năm nay là mùng 9 Tết, thứ Hai 30/1/2021 sau 10 ngày nghỉ). Trong buổi lễ này bên dưới cờ tổ cuộc là cờ thơ, theo mẫu của Hội Nhà văn Việt Nam. Một giáo viên giới thiệu thật ngắn gọn về Ngày thơ Việt Nam, rồi tiến hành các cuộc chơi thơ, mà thời gian cho phép: Chạy chữ thơ, điền ô chữ thơ, giải câu đố thơ, diễn ngâm thơ, hát thơ, kịch thơ…
Xin bàn riêng về các trò chơi thơ nếu có dịp, và xin nhắc, ngày xưa mỗi đồng dao, có một trò chơi vận động kèm theo để các em, vừa chạy, nhảy, vung tay, xòe ngón… vừa đọc thành bài, "chi chi chành chành", "thả đỉa bà ba" hay, "xỉa cá mè đè cá chép"…
"Khát vọng phương Nam" trong ngày thơ
Ngày thơ Việt Nam năm 2023 tại TP. HCM sẽ diễn ra trong 2 ngày 4 và 5/2 (lễ khai mạc chính thức vào sáng 5/2) tại khuôn viên Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh (số 81 Trần Quốc Thảo, quận 3) với chủ đề Khát vọng phương Nam. Chương trình được thiết kế, bài trí hấp dẫn với đường thơ, sân khấu chính, sân khấu thơ trẻ, các dãy lều thơ... giúp khán giả nghe thơ, xem thơ và giao lưu với các tác giả.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất