01/02/2012 10:59 GMT+7 | Đọc - Xem
(TT&VH) - “Chậm không chỉ dăm mười năm mà còn lâu hơn rất nhiều, bởi một liên hoan thơ như thế này cần được tổ chức ngay khi Việt Nam vừa bước vào thời kỳ đổi mới. Ngần ngại và dè dặt khi tiếp xúc với nền văn hóa của những quốc gia có nhiều khác biệt với mình, chúng ta cũng quên một điều: thi ca là ngôn ngữ nhanh nhất để các nền văn hóa cùng tìm tiếng nói chung về vẻ đẹp của con người và tình yêu...” - Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trao đổi cùng TT&VH.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN, ông cũng là người “đầu trò” cho LH thơ sẽ khai mạc vào ngày mai (2/2) tại Quảng Ninh với 82 nhà thơ quốc tế và hơn 40 nhà thơ trong nước. Một cách tuyệt đối, đây là LH thơ quốc tế lớn nhất tại VN từ trước tới nay.
Nhà thơ nói tiếp:
- Tất nhiên, tư duy e ngại đó là do lịch sử quy định. Lỗi của chúng ta là để nó diễn ra quá dài. Để rồi theo thời gian, mọi thứ cũng bắt buộc phải khác đi. Khi đưa ý tưởng tổ chức LH, chúng tôi không gặp bất cứ ý kiến nào theo kiểu bàn lùi. Sự dè dặt, nếu có, đến từ việc chúng ta làm một LH lớn quá và lại là lần đầu tiên.
Những năm qua, quan hệ giao lưu văn hóa của chúng ta chỉ gắn nhiều với Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước bạn bè cũ. Ngoài ra cũng có thể kể tới Mỹ - một quốc gia mà lịch sử đã gắn với VN một mối quan hệ đặc biệt. Bởi thế, việc có thể tìm, chọn và thuyết phục được những nhà thơ lớn nhất của 28 quốc gia tới dự LH là điều không dễ chút nào. Tôi không phủ nhận: trong số các đại biểu dự LH có những gương mặt xuất sắc và cũng có những nhà thơ chỉ ở mức khá tại quốc gia của họ. Nhưng sau mốc đầu tiên này, chắc chắn mọi chuyện sẽ tốt dần trong tương lai.
* Được biết, đa phần trong số các nhà thơ quốc tế dự LH đều phải bỏ tiền túi để mua vé máy bay. BTC đã “mời” theo cách nào để họ nhận lời?
- Thật ra, ngoài chuyện lo ăn ở, phía chủ nhà có hỗ trợ cho các nhà thơ một phần vé máy bay. Có thể là từ 50 – 80% tiền vé, cũng có thể là 100% đối với các đại biểu trong khu vực Đông Nam Á hoặc những tên tuổi lớn như Ko Un (Hàn Quốc)- ứng cử viên của giải Nobel 2011. Tất nhiên, kinh phí để tổ chức LH cho đàng hoàng, không nhếch nhác là điều khiến chúng tôi đau đầu. Phần lớn, đây là nguồn tiền do phía Hội Nhà văn đề xuất và được Chính phủ giúp đỡ, chứ phần xã hội hóa thì rất ít.
Nhìn chung, việc vé máy bay đôi khi không phải là điều khiến các nhà thơ quốc tế để tâm. Sự băn khoăn của họ lại đến từ những câu hỏi như nền văn hóa và thi ca VN thế nào, LH thơ này sẽ tổ chức ra sao. Chẳng hạn, với phía Sri Lanka, chúng tôi phải gửi rất nhiều văn bản để trả lời các câu hỏi và giúp họ tin rằng ở VN cũng có một tổ chức gọi là Hội Nhà văn (cười).
Thêm những sân chơi văn chương ra mắt trong dịp này. Trong ảnh là tờ
“Nghệ thuật mới” ra mắt vào ngày mai, 2/2
* Vậy, ở góc độ chủ nhà, anh nghĩ rằng thơ ca VN đang ở trình độ nào so với những đại diện dự LH lần này?
- Tôi có thể nói không ngần ngại rằng VN là một cường quốc về thơ, ít nhất là trong khuôn khổ châu Á. Tôi là người đọc khá nhiều và do công việc cũng có dịp tìm hiểu về các nền thơ cả trong khu vực. Nếu chúng ta lấy một nhà thơ VN so sánh với một nhà thơ đương đại của Trung Quốc hay Nhật Bản thì khó. Nhưng một nền thơ ca có rất nhiều yếu tố và nhìn ở ý thức sáng tạo, chất lượng chung của đội ngũ nhà thơ, hay việc dịch thơ nước ngoài thì VN xứng đáng ở tốp đầu.
* Một chút nhận xét ngắn của anh về các nhà thơ trẻ trong nước – khi mà Ngày thơ Việt Nam năm 2012 sẽ được đưa vào như một nội dung kéo dài của LH thơ này?
- Tôi nghĩ rằng chúng ta đã xuất hiện một thế hệ nhà thơ mới với tinh thần và ngôn ngữ mới - cho dù rất nhiều trong số họ còn rất trẻ và chưa được chú ý như Tuệ Nguyễn, Trần Lê Sơn Ý, Trịnh Sơn... Và họ cũng bắt đầu khai mở những con đường mà người đọc chúng tôi đầy tin tưởng.
Nhân nói về thơ trẻ, tôi có tham gia biên tập tờ báo Nghệ thuật mới sẽ ra mắt độc giả vào đầu tháng 2 này. Đây là một tờ báo tháng thuần túy văn chương với mục đích một lần nữa khẳng định những giá trị đã có và giới thiệu không rụt rè về những giá trị mới. Cụ thể, trong số 48 trang khổ lớn của tờ báo, chúng tôi dành một phần để tạo dựng lại chân dung và con đường sáng tạo của những cây viết đã được thừa nhận trong xã hội. Một phần lớn nội dung còn lại, chúng tôi dùng để làm cái việc rất hiếm gặp trong văn đàn trước đây: giới thiệu cặn kẽ chân dung từng cây viết trẻ. Có nhiều người hỏi tôi rằng dùng một số lượng trang báo lớn như vậy để giới thiệu về một nhà văn trẻ liệu có gây ảo tưởng với họ không? Xin thưa, đủ bản lĩnh để đi qua mọi sự khen chê là một đức hạnh rất lớn của người cầm bút. Người viết trẻ nếu không đủ sức trụ vững trước những lời khen ngợi hay chê trách quá đà thì cũng không thể có khả năng sống mạnh mẽ và sáng tạo đến tận cùng trong sự im lặng của mình...
* Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Cúc Đường (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất