Cầu lông Việt Nam: Chưa ai thay được Tiến Minh

29/09/2014 05:44 GMT+7 | Thể thao

(giaidauscholar.com) - Đã từ lâu, khoảng trống phía sau tay vợt số 1 Việt Nam Nguyễn Tiến Minh là chủ đề được nhắc đến nhiều. Lo ngại là có thực nhưng việc tìm được người thay thế tay vợt này là chuyện cực kỳ khó khăn.

Trước giờ lên đường dự ASIAD 17, Tiến Minh cho rằng với những gì đang diễn ra, cầu lông Việt Nam khó tiếp cận đỉnh cao thế giới. “Một trong những điều khiến các tay vợt Việt Nam không thể nâng cao trình độ là việc tập trung ĐTQG. Nếu các quốc gia có nền cầu lông phát triển ĐTQG tập trung với nhau dài hạn ở một nơi thì đội tuyển cầu lông Việt Nam rất khó tập luyện cùng nhau. Việc tập luyện chung với nhau thường xuyên giữa các tay vợt có đẳng cấp tương đương sẽ giúp các VĐV trưởng thành hơn mà không cần thi đấu quốc tế nhiều” - Tiến Minh cho biết. Khi ĐTQG tập trung thường xuyên, chi phí sẽ tiết kiệm đáng kể. Thay vì phải đấu quốc tế để cọ xát, các VĐV trẻ sẽ có đối tượng tập huấn ngay trong nước để rèn luyện bản thân tiến bộ hơn.

Tiến Minh là điển hình vượt khó mang vinh quang về cho Thể thao Việt Nam trên trường quốc tế. Cầu lông vốn là môn thể thao vốn không nhận được sự quan tâm nhiều của xã hội nhưng với niềm đam mê vô hạn, Tiến Minh đã vượt lên tất cả. Tại ASIAD 17 ở tuổi 31, Tiến Minh đã chơi một trận sòng phẳng với Lee Chong Wei và chỉ chịu thua tay vợt số 1 thế giới ở thời điểm quyết định set 3. Tiến Minh đã từng chia sẻ cầu lông đã ăn vào máu và không tưởng tượng ra cuộc sống của mình nếu không được chơi cầu lông thì sẽ như thế nào. Khi bước ra sân, Tiến Minh luôn nỗ lực hết sức mình. Với những VĐV trẻ kế cận, rất ít người có đầy đủ những phẩm chất như tay vợt số 1 Việt Nam hiện tại. Khi các VĐV trẻ không có được nhiều cơ hội tập luyện trong nước thì chuyện đi nước ngoài tập huấn đòi hỏi rất nhiều chi phí tốn kém càng khó hơn. Không nhiều tay vợt Việt Nam đi theo nghiệp VĐV chuyên nghiệp như Tiến Minh.

Tiến Minh cho biết: “Các tay vợt nước ngoài, đặc biệt là những tay vợt trẻ họ tiến bộ theo tháng, theo ngày chứ không phải theo năm nữa. Khi gặp họ ở giải đấu vài tháng trước thì họ thi đấu khác, vài tháng sau họ chơi tiến bộ lên hẳn, nó là kết quả của kế hoạch chuẩn bị đúng đắn. Trong khi đó, các VĐV Việt Nam thời gian tiến bộ có thể phải đếm bằng năm nên không thể so bì với người ta được”.

Trong làng cầu lông Việt Nam hiện tại, điểm đi điểm lại chỉ có duy nhất Phạm Cao Cường có  tiềm năng thay thế Tiến Minh. Nhưng với những gì đã trải qua, tay vợt sinh năm 1996 cho thấy để từ tốp 10 trẻ thế giới lên tốp những tay vợt hàng đầu thế giới là một khoảng cách rất xa. So với Tiến Minh, Cao Cường đến với nghiệp VĐV sớm hơn và có nhiều điều kiện cọ xát hơn khi còn trẻ. Tuy nhiên, lối đánh của Cao Cường không biến hóa và rất dễ thua khi đối thủ đã bắt bài. Đặc biệt ở những trận đấu sang set 3, Cao Cường khó có cơ hội đánh bại đối phương. Điểm yếu của Cao Cường cũng tương tự như tay vợt nữ số 1 Việt Nam hiện tại Vũ Thị Trang.

Trước ASIAD 17, Tiến Minh cho biết sẽ chỉ theo đuổi sự nghiệp đỉnh cao trong khoảng 1, 2 năm nữa trước khi chuyển sang làm HLV.

Từ đây đến lúc Tiến Minh giải nghệ, cầu lông Việt Nam sẽ vẫn phải trông chờ vào những khoảnh khắc thăng hoa cuối cùng của anh.

Phan An
Thể thao & Văn hóa

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm