11/02/2025 15:47 GMT+7 | Thể thao
Trước những lo ngại về vấn đề thể lực của VĐV, Liên đoàn Cầu lông thế giới (BWF) đã có đề xuất thay đổi luận và thử nghiệm ngay trong năm nay. Tuy nhiên, điều này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí tay vợt huyền thoại Lee Chong Wei cho rẳng điều đó làm cầu lông mất đi bản sắc.
Mấy ai nghĩ rằng, môn thể thao đơn giản như cầu lông, dễ chơi, dễ tập luyện lại là một trong những môn thi đấu có cường độ cao nhất. Khác xa những trận đấu nghiệp dư hay các giải cầu lông phong trào thường thấy, một vận động viên cầu lông chuyên nghiệp thường xuyên duy trì nhịp tim ở mức 160-180 nhịp/phút, tương đương khi đang chạy nước rút. Hơn cả bóng đá, khi trung bình các VĐV cầu lông tiêu tốn 600-1200 calo mỗi giờ (trong khi bóng đá chỉ tiêu tốn trung bình 500-700 calo/giờ) – theo số liệu của tạp chí Journal of Sports Medicine and Physical Fitness.
Chắc hẳn người theo dõi môn thể thao này đều nhớ trận so vợt kinh điển giữa hai tay vợt huyền thoại là Lee Chong Wei và Lin Dan tại Olympic 2012. Ở thời kỳ đỉnh cao phong độ, hai tay vợt này đã cống hiến cho khán giả một trong những trận đấu hay nhất lịch sử.
Đây là trận tái đấu của chung kết Bắc Kinh 2008, và được mong chờ là cơ hội để Lee Chong Wei phục thù. Tuy nhiên, Lin Dan đã thể hiện phong độ cực kỳ xuất sắc và chiến thắng 2-1 (15-21, 21-10, 21-19) để giành huy chương vàng thứ hai liên tiếp. Chiến thắng này giúp Lin Dan trở thành tay vợt đầu tiên trong lịch sử giành hai huy chương vàng Olympic liên tiếp ở nội dung đơn nam.
Theo thống kê, cả hai VĐV đã di chuyển trung bình 8 km trong hơn 80 phút, với gần 400 pha cầu được thực hiện. Chưa kể, các động tác bật nhảy, tiến, lùi, chạy ngắn được thực hiện với cường độ cao, liên tục sẽ bào mòn thể lực của vận động viên rất nhanh.
Với cường độ thi đấu khủng khiếp tại các giải chuyên nghiệp, quả thực cũng có những điểm hợp lí trong đề xuất thay đổi luật chơi của cầu lông. Liên đoàn Cầu lông Thế giới (BWF) nhận thấy cường độ thi đấu hiện tại đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tuổi thọ sự nghiệp của VĐV, bởi vậy mới đây đã đưa ra đề xuất thay đổi hệ thống tính điểm từ 21 điểm mỗi set sang 15 điểm mỗi set. Cách tính điểm này sẽ bắt đầu được áp dụng thử nghiệm tại một số giải từ tháng 4/2025 đến tháng 10/2025.
Nếu chương trình thử nghiệm thành công, sẽ là lần đầu tiên sau hơn 20 năm, cầu lông chuyên nghiệp thay đổi cách tính điểm, và thậm chí có thể thay đổi hoàn toàn định hình của một bộ môn thể thao. Những chiến thuật vốn đòi hỏi tính kiên nhẫn trong các set đấu dài sẽ phải thay thế bằng lối chơi nhanh, hiệu quả trong khoảng thời gian ngắn.
Trên lý thuyết, giảm thang điểm sẽ rút ngắn thời gian thi đấu, giảm áp lực thể chất đối với VĐV, các trận đấu cũng gọn gàng và kịch tích hơn vì điểm số sẽ khan hiếm hơn. Nhưng điều này cũng làm dấy lên những mối lo ngại từ chính những VĐV đang bị bào mòn hàng ngày.
Lee Chong Wei – một trong những tay vợt vĩ đại nhất của làng cầu lông thế giới, nhanh chóng đã lên tiếng phản đối luật mới của BWF. Anh cho rằng, nếu một set đấu được rút ngắn chỉ còn 15 điểm, cầu lông sẽ mất đi những giây phút kịch tính nhất, nơi sức bền và tinh thần thép của VĐV được thử thách.
Cầu lông từ lâu đã được biết đến là một môn thể thao rèn luyện sức bền, sự kiên nhẫn và khả năng chịu áp lức cao. Nếu thay đổi, bộ môn này dường như mất đi bản sắc vốn có.
"Nếu họ đổi luật, đây sẽ không còn là cầu lông nữa. Việc thay đổi một hệ thống mà các VĐV đã quen thuộc không phải là điều dễ dàng. Nó có thể mang lại lợi ích cho một số nhóm, nhưng tổng thể thì không phải là ý kiến hay" – tay vợt huyền thoại chia sẻ với Scoop.my.
Ở bất kỳ lĩnh vực nào, thay đổi là điều tất yếu. Tuy nhiên, thay đổi khi nào và bằng cách nào mới là vấn đề quan trọng. Rút ngắn thời gian của set cầu chắc chắn sẽ đem lại tác động tích cực khi các báo cáo nội bộ của BWF cho thấy số lượng chấn thương mãn tính ở đầu gối, cổ chân và lưng của VĐV đã gia tăng đáng kể, nhất là ở những giải đấu kéo dài.
Song, chính những người trong nghề, thậm chí một VĐV tầm cỡ hàng đầu thế giới như Lee Chong Wei lại phản đối. Điều đó cho thấy tính cạnh tranh gay gắt của thể thao, nếu dễ thì ai cũng làm được. Người ta nói "lửa thử vàng", để có được những tài năng kiệt xuất như Lee Chong Wei, hẳn thể thao vẫn luôn phải rất khốc liệt.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất