23/05/2019 08:36 GMT+7 | Thế giới Sao
(giaidauscholar.com) - “Sự nhiệt tình không mệt mỏi, sự thẳng thắn và can đảm của ông vẫn còn đó. Ông là hình mẫu và chuẩn mực cho tất cả chúng ta. Rời xa khỏi công chúng, ông là người chồng, người cha và người ông đầy yêu thương. Ông sẽ luôn được mọi người nhớ đến”, thông báo của gia đình Niki Lauda phát đi vào đêm 20/5, vài giờ sau khi ông qua đời ở tuổi 70.
Lauda là tay đua từng 3 lần vô địch thế giới, là Chủ tịch của đội đua lừng danh Mercedes. Ông cũng là một phi công, một doanh nhân thành đạt đã thành lập 2 hãng hàng không và thi thoảng làm cơ trưởng trong các chuyến bay. Nhưng Lauda sẽ được nhớ đến nhiều nhất bởi nỗ lực vượt qua nghịch cảnh để nuôi dưỡng đam mê với F1 sau tai nạn kinh hoàng trên đường đua Nurburgring, Grand Prix Đức năm 1976.
Tai nạn kinh hoàng
Đã rất nhiều lần Niki Lauda đề nghị chấm dứt chặng đua tại Nurburgring. Chặng Nordschleife dài 22,8 km xoắn qua những ngọn núi của cao nguyên Eifel khiến Lauda lo lắng về khả năng đội cứu hộ có thể tiếp cận hiện trường nhanh chóng trong trường hợp có tai nạn xảy ra. Nhưng chẳng ai bận tâm tới cảnh báo của Lauda. Cuộc đua vẫn tiếp tục diễn ra. Và những gì xảy ra vào ngày 1/8 năm đó đã chứng minh rằng Lauda đúng.
Chiếc Ferrari do Lauda cầm lái bị mất kiểm soát ngay trước góc cua có tên Bergwerk trước khi đâm vào bờ kè bốc cháy dữ dội. Đội ngũ nhân viên cứu hỏa với trang bị nghèo nàn đã hầu như không kịp phản ứng. Lauda được kéo ra khỏi xe bởi 4 tay đua Arturo Merzario, Guy Edwards, Brett Lunger và Harald Ertl trong tình trạng bỏng nặng.
Tại bệnh viện, Lauda được xác nhận bị bỏng độ 3 ở đầu và mặt, hít phải khí độc làm hỏng phổi. Các bác sĩ đã tiên lượng điều xấu nhất cho gia đình ông. Nhưng Lauda không đáp lại tiếng gọi từ thần chết. Lauda đã chiến thắng trong cuộc chiến giành giật sự sống.
40 ngày sau, Lauda trở lại đường đua với gương mặt bị biến dạng vì những vết sẹo non, tai phải gần như đã biến mất. Ông cán đích thứ 4 ở chặng Grand Prix Italia. Cuối chặng đua đó, những vết thương ở mặt Lauda vẫn chưa lành hẳn. Máu rỉ ra thấm đẫm chiếc mặt nạ chống cháy. Khi Lauda cố gỡ lớp quấn mặt nạ ra khỏi mặt, nó dính vào lớp băng vết thương khiến ông phải xé toạc ra trong sự đau đớn. Đầy ám ảnh nhưng đó là một trong những hành động dũng cảm nhất trong lịch sử thể thao.
Tai nạn xảy ra vào thời điểm Lauda đang đến gần với chức vô địch thứ 2 liên tiếp cho Ferrari. Quyết tâm trở lại của tay đua người Áo đã bị ngăn cản bởi sự cạnh tranh từ tay đua James Hunt của đội McLaren. Lauda và Hunt đã biến mùa giải năm đó trở thành một trong những cột mốc đáng nhớ trong lịch sử F1, khởi đầu cho sự phổ biến của môn thể thao này trên toàn cầu.
Đến vòng đua cuối cùng tại Nhật Bản, Lauda chỉ hơn Hunt 3 điểm. Cơn mưa xối xả ở đường đua năm đó khiến Lauda từ chối đua vì quá nguy hiểm, một quyết định sau này ông thừa nhận là “hối hận”. Hunt cán đích với vị trí thứ 3, đủ để giành danh hiệu, hơn Lauda đúng 1 điểm. Trận chiến của họ là nguồn cảm hứng tạo nên bộ phim “Rush” của Hollywood. Trong phim Lauda được khắc họa như một thiên tài trầm tĩnh, đầy cẩn trọng và được trời phú cho tài năng mà anh tự nhận là “mông tôi có thể cảm nhận được mọi chiếc xe như thế nào”.
Vay tiền đua F1
Đó là chương ấn tượng và truyền cảm hứng nhất trong cuộc đời của Lauda, một con người cá tính, độc lập, theo đuổi đến cùng vì đam mê. Lauda đến với F1 vào năm 1971 nhờ một khoản vay ngân hàng theo chính sách bảo hiểm nhân thọ, đi ngược lại với mong muốn của gia đình giàu có. Hai năm sau, Lauda nhờ một khoản vay khác để chuyển từ đội March tới BRM. Từ đây, sự nghiệp của Lauda bắt đầu phát triển.
Lauda gây ấn tượng với đồng đội Clay Regazzoni. Khi Clay Regazzoni được Ferrari ký hợp đồng năm 1974, ông đã giới thiệu Lauda cho hãng xe này. Một năm sau, Lauda đưa Ferrari thống trị F1 bằng chiếc 312T huyền thoại. Sau thất bại trước Hunt năm 1976, Lauda một lần nữa đăng quang ở mùa giải 1977.
Nhưng sự hỗ trợ hời hợt của ông chủ Enzo Ferrari sau tai nạn ở Nurburging và mâu thuẫn với đồng đội mới Carlos Reutemann khiến Lauda quyết định rời Ferrari chuyển tới đội Brabham của Bernie Ecclestone năm 1978. Chiếc Brabham tuyệt đẹp xét về thiết kế nhưng động cơ Alfa Romeo của nó không đủ cạnh tranh. Lauda dần mất hứng thú với F1. Tại Grand Prix Canada mùa 1979, Lauda ra khỏi xe giữa chừng một buổi tập, nói với Ecclestone rằng ông giải nghệ vì quá chán “chạy xe quanh những vòng tròn”.
Lauda rời xa F1, trở về Áo điều hành hãng hàng không do chính mình sáng lập, Lauda Air. Hai năm sau, Lauda bị ông chủ của McLaren, Ron Dennis, kéo trở lại F1 bằng mức lương 3 triệu USD, đãi ngộ cao nhất dành cho một tay đua vào thời điểm đó. Lauda trở lại F1 và vinh quang đến với ông một lần nữa. Năm 1984, Lauda lần thứ 3 đăng quang F1 ở Long Beach, California. Ông gắn bó với đội thêm 1 năm trước khi giã từ vô lăng ở tuổi 36.
Tuy nhiên, kết thúc sự nghiệp đua xe của Lauda không có nghĩa là kết thúc mối liên kết giữa ông với F1. Ông được mời trở lại làm cố vấn cho Ferrari, làm lãnh đội Jaguar và sau cùng là Chủ tịch danh dự Mercedes kể từ năm 2012. Chính Lauda là người thuyết phục Lewis Hamilton đầu quân cho Mercedes, đem đến kỷ nguyên thành công cho đội đua này…
Cả cuộc đời Lauda là một cuộc chiến. Sau đường đua, ông chống chọi với những di chứng về sức khỏe sau tai nạn năm 1976. Lauda trải qua 2 lần phẫu thuật ghép gan vào năm 1997 và 2005. Tháng 7/2018, Lauda được chẩn đoán nhiễm trùng phổi nặng, phải tiến hành ghép phổi. Tháng 1/2019, Lauda bị viêm phổi, phải nhập viện khẩn cấp. Đã có những thông tin khả quan, cho rằng Lauda sẽ sớm trở lại làm việc bình thường. Nhưng đến ngày 20/5, ông không qua khỏi.
Lauda ra đi để lại người vợ thứ 2 Birgit và cặp song xinh Max- Mia sinh năm 2009. Với vợ cũ Marlene Knaus, Lauda có 2 con trai Lukas và Mathias. Ông còn có con trai Christoph với một phụ nữ không rõ danh tính.
Khánh Đan
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất