Huỳnh Ngọc Trảng: Truy nguyên cội nguồn của tín ngưỡng

18/08/2013 17:01 GMT+7 | Đọc - Xem


(giaidauscholar.com) - Cuốn Đặc khảo về tín ngưỡng thờ gia thần (NXB Văn hóa văn nghệ, 2013) của Huỳnh Ngọc Trảng và Nguyễn Đại Phúc được viết ra không phải để phục vụ cho nghi lễ thờ cùng, mà là hành trình truy nguyên cội nguồn của tín ngưỡng. Đồng thời, sách cũng chỉ ra cho người đọc thấy rằng trong muôn vàn lễ nghi của người Việt từ Bắc chí Nam là một nền tảng triết lý phong phú, sâu sắc và có quan hệ hỗ tương với nhau.

Huỳnh Ngọc Trảng (sinh 1952, Quảng Ngãi) là tác giả và đồng tác giả của hơn 60 đầu sách, chiếm phần quan trọng trong số này là các sách về văn hóa, mỹ thuật và tâm linh, tín ngưỡng của vùng đất Nam bộ. Thế nhưng, cách viết của nhà nghiên cứu này ít khi nào dừng lại ở một thực thể hay vấn đề riêng lẻ, mà là xâu chuỗi và mở rộng biên độ một cách tối đa, nhằm tìm kiếm sự so sánh để nhận ra nét tương đồng và dị biệt.

Nghiên cứu kiểu “3 cùng”

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng. Ảnh: NS Tuấn Khanh
Phương pháp nghiên cứu văn hóa của Huỳnh Ngọc Trảng rất gần với cách của giới nghiên cứu dân tộc học và xã hội học quốc tế hiện nay, đó là kiểu “tiếp cận thấu hiểu”, biến mình thành người trong cuộc để trình bày, cắt nghĩa vấn đề. Nói một cách nôm na, đây là phương cách “3 cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng làm với cộng đồng hay thực thể văn hóa mà mình muốn nghiên cứu.

Trước đây, các nhà nghiên cứu thường lấy mình hoặc nền văn hóa của mình làm trung tâm để từ đó chiếu rọi ra các thực thể văn hóa khác, rồi so sánh hay/dở, cao/thấp, văn minh/lạc hậu. Cách thứ hai là dùng thước đo sẵn có từ các trường phái nghiên cứu (trung tâm) để cắt nghĩa các thực thể văn hóa ngoại vi, thiểu số.

Qua thời gian, cả hai cách này đều tỏ ra bất cập vì luôn rơi vào trạng thái phiến diện. Cách “3 cùng” giúp người nghiên cứu cắt nghĩa thực thể văn hóa như nó vốn vậy, nên tránh được các phiến diện.

Cuốn Đặc khảo về tín ngưỡngthờ gia thần không đề cập đến chuyện hay/dở, mà cố gắng trở lại ngọn nguồn để thử trả lời xem tại sao có tín ngưỡng thiết thân này. Trong bất kỳ thực thể văn hóa nào cũng bao gồm “lý” và “sự”, sách này không chủ tâm đề cập đến “sự”, mà truy nguyên về “lý” để chạm đến “tín lý”. Bên cạnh đó, sách còn tìm cách xâu chuỗi, so sánh các tín lý này với nhau để có cái nhìn đa diện và khách quan hơn. Ví dụ như chuyện thờ Ông Táo, Huỳnh Ngọc Trảng không chỉ tìm về ngọn nguồn từ Trung Hoa, mà còn đi vào nhiều địa phương, nhiều tộc người để nhận diện những phái sinh về hình tượng và triết lý.

Cuối cùng, dù sách về chuyện xưa tích cũ nhưng quan điểm và cách hành văn rất hiện đại, đôi chỗ có tính “cà rỡn” để tạo sự gần gũi, vui thú cho độc giả. Bởi quan điểm của Huỳnh Ngọc Trảng từ lâu đã là: “Tôi muốn lưu ý đến tâm lý phổ biến là việc quá chú tâm đến bản sắc văn hóa dân tộc mà coi nhẹ mặt tiên tiến, lấy truyền thống đối lập với cái mới, cái hiện đại. Bảo vệ truyền thống là nỗ lực đảm bảo cho sự liên tục của văn hóa, tránh sự đứt gãy, chứ không phải ôm giữ cái truyền thống cốt đừng suy suyển. Ở đây đòi hỏi đi sâu nghiên cứu để tìm ra cái gene di truyền của di sản văn hóa, tiến hành cuộc tổng hợp với các vật liệu mới để tái cấu trúc một thực thể văn hóa mới”.

Lật vấn đề

Trong hành trình truy nguyên về tín lý thờ gia thần và phong tục, tín ngưỡng của người Việt, quan điểm của Huỳnh Ngọc Trảng thường gây ấn tượng mạnh bởi cách lật lại vấn đề.

Cũng về việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, ông từng thẳng thắn chỉ ra các sai lầm trong việc đi từ thái cực này sang thái cực kia. Ông nói: “Đơn giản là lúc coi tín ngưỡng, lễ hội là duy tâm, truyền thống là lạc hậu, là xấu ác phải đấu tranh xóa bỏ tất tật và rồi khi ngộ ra rằng “quá tả” thì lại khẳng định các thứ kia không xấu ác, mà tốt, là thiện mỹ phải nỗ lực bảo tồn và phát huy… kẻo để mất đi bản sắc. Đã đành Cao Ly sâm… là dược thảo trân quý, bổ thượng hạng, nhưng cứ thử doping nửa ký lô hay một ký lô thì sẽ biết nguy hiểm như thế nào. Toa thuốc nào cũng có lời cảnh báo “chống chỉ định”. Nói cách khác mọi việc đều có liều lượng của nó và luôn cẩn trọng đối với các trường hợp cụ thể. Có vậy mới hạn chế được những tình thế cực đoan”.

Chính vì mấy chục năm lăn lộn thực tế, với phương cách “3 cùng” và quan niệm nghiên cứu như vừa nêu mà Đặc khảo về tín ngưỡng thờ gia thần là một cẩm nang xác tín, sinh động về tập tục đã gắn liền với đời sống người Việt từ xa xưa. Sách không chỉ “nối gót người xưa” bảo vệ tập tục, mà còn dũng cảm lật lại vấn đề để cắt nghĩa nguyên do của sự tồn tại và mất đi.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm