16/09/2017 07:35 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Vào một buổi sáng mùa Xuân năm 1965, Keith Richards thức dậy và nhận thấy rằng cuốn băng cassette nằm trong máy thu âm thử của anh đã được cuộn lại cho đến hết. Còn “lơ mơ” sau giấc ngủ và chẳng thể nhớ đã làm gì với nó đêm qua, Keith bật lên nghe thử.
“Thật bất ngờ”, anh nghe thấy một đoạn riff guitar kèm theo tiếng… ngáy. Sau một lúc trấn tĩnh lại thì câu chuyện của đêm hôm trước cũng trở về “rõ mồn một” trong sự ngỡ ngàng của Keith.
Giai điệu của những giấc mơ
Buổi tối 7/5/1965, Keith Richards cùng các thành viên còn lại của Rolling Stones trở về sau buổi biểu diễn “kinh hoàng” tại Florida, Mỹ. Sở dĩ nói là “kinh hoàng”, bởi trong số 3.000 fan đến xem thì có 200 bạn trẻ đã không ngừng đấu khẩu với đội ngũ an ninh, tạo ra một khung cảnh hỗn loạn và cực kỳ mất kiểm soát.
Một mình Keith Richards tìm thuê phòng tại khách sạn ở Clearwater, Florida (khách sạn ấy đến bây giờ vẫn còn tồn tại) và nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Dường như dư âm từ buổi biểu diễn vẫn còn khá nặng nề, khiến cho giấc ngủ đến với Keith theo cách đầy mộng mị. Giữa những ảo giác luẩn quẩn trong giấc mơ, có âm thanh của một đoạn riff guitar mà sau này đã trở thành một “chuẩn mực” trong giới nhạc rock.
Bật dậy từ giấc ngủ, Keith quờ quạng trong bóng tối với lấy cây guitar, rồi đến máy thu cassette. Anh ấn nút đỏ và chơi luôn giai điệu đang luẩn quẩn trong đầu, đi kèm với tiếng hát lẩm nhẩm “I can’t get no satisfaction”. Xong xuôi anh nằm xuống ngủ tiếp, thậm chí quên luôn cả tắt máy ghi âm.
“Trong cuốn băng ấy bạn có thể nghe tiếng tôi vứt đồ xuống” - Keith hồi tưởng lại - “Còn lại là tiếng ngáy của tôi!”.
Rolling Stones khi ấy đang “ngập đầu” trong chuyến lưu diễn vòng quanh nước Mỹ lần thứ 2 với vị thế của những ngôi sao hàng đầu. Trước đó họ đã ghi danh với 2 bản hit nằm trong Top 10: Time Is On My Side và The Last Time. Tuy nhiên để mà nói trong hàng ngũ của “làn sóng Anh quốc” đang xâm lấn nước Mỹ, Rolling Stones vẫn bị đánh giá là đứng sau một số cái tên như The Beatles hay Herman’s Hermits. Một đĩa đơn để “lên đỉnh” là cú hích cần thiết.
Keith Richards ban đầu không nhận ra rằng đoạn riff ngẫu hứng trong phòng khách sạn ấy lại chính xác là những gì Rolling Stones đang tìm kiếm. Anh từng chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ đề cao tính thương mại của nó để có thể trở thành một single”.
May mắn thay các “mảnh ghép” còn lại của Rolling Stones thì nghĩ khác. Nghệ sĩ bass Bill Wyman sau này nói rằng Keith hình thành nó “như một bài hát dân ca, chắc chắn là sự bổ sung tốt cho album tiếp theo của chúng tôi”.
Còn Mick Jagger thì nhanh chóng được truyền cảm hứng bởi ý tưởng và viết xong toàn bộ phần lời dựa theo câu lẩm nhẩm “I can’t get no satisfaction” (Tôi không thể thấy thỏa mãn)của Keith:“Tôi nghĩ rằng Keith cho nó hơi đơn điệu. Thực tế thì chỉ bởi anh ấy chưa nghe nó một cách thấu đáo. Anh ấy đã gần chạm đến nó rồi nhưng lại bị ngăn cản bởi ý nghĩ đó chỉ là một đoạn riff ngớ ngẩn”.
Đoạn riff “ngớ ngẩn” đó chính là “hạt giống” cho bản hit đột phá (I Can’t Get No) Satisfaction làm nên tên tuổi của Rolling Stones ở cả 2 bờ Đại Tây Dương và sau này là toàn thế giới.
Không cách nào khác ngoài “một công đôi việc”
Dù đang như “lửa đốt” với việc bắt tay vào sản phẩm mới, Rolling Stones cũng không thể đành lòng gác lại chuyến lưu diễn dở dang. Thế là “những hòn đá lăn” Rolling Stones không còn cách nào khác lại cùng nhau “du ca” trong cuộc hành trình không mệt mỏi với đam mê âm nhạc. Ở mỗi điểm dừng chân, họ đều “lăn” vào một phòng thu nào đó để lắp ghép dần các ý tưởng.
Ngày 10/5, chỉ 3 ngày sau cái đêm “định mệnh” của Keith Richards, họ bước vào phòng thu Chess ở Chicago. Là “nhà” của những cái tên có ảnh hưởng lớn đến phong cách âm nhạc của Rolling Stones như Chuck Berry, Bo Diddley và Muddy Waters, phòng thu này có vẻ là nơi lý tưởng cho một bài hát “trong mơ”.
Với quản lý Andrew Loog Oldham trong vai trò nhà sản xuất, họ thực hiện một phiên bản Satisfaction mang âm hưởng acoustic country mộc mạc nghe giống như kiểu nhạc của Bob Dylan. Nghe xong, Andrew Oldham phán một câu xanh rờn: Chưa đạt yêu cầu!
Tiếp tục 2 ngày sau, tại Los Angeles, cả nhóm bước vào phòng thu nổi tiếng RCA ở Hollywood. Lấy cảm hứng từ tiềm năng của chiếc Maestro FuzzTone pedal mà Keith Richards mới kiếm được, Rolling Stones xuất xưởng một phiên bản “hùng hổ” hơn. Họ cũng áp dụng công nghệ fuzz, bóp méo tiếng guitar để tạo sự khác biệt.
“Charlie Watts tạo ra một nhịp điệu khác” - Keith Richards chia sẻ với tạp chí Blender- “và với sự cộng hưởng của nốt cao tạo ra bởi guitar, chúng tôi đã đạt đến một thứ âm thanh cực kỳ thú vị”.
Và trong sự phấn khích của các thành viên, nhà phối khí Jack Nitzsche đình đám tại LA đã thêm vào tiếng trống lục lạc và piano cho phiên bản hoàn chỉnh của Satisfaction quyến rũ và đột phá hơn. Cơ bản của nhạc nền vẫn dựa trên đoạn riff guitar của Keith Richards.
Keith Richards - Người nhạc sĩ không biết hài lòng
Trong lúc Rolling Stones hãnh diện với sản phẩm mới, thì Keith vẫn “ngúng nguẩy” với chính “đứa con” của mình.
Anh cho rằng đáng lẽ đoạn riff guitar chỉ là bản nháp để dành cho kèn cor, chứ không phải để nó luôn ở phần nền như vậy. “Phải để nó đấy đã. Bài hát tốt, nhưng nó cần thêm nữa” - Keith nói.
Mặc kệ Keith Richards với những suy nghĩ cầu toàn có phần thái quá, trong khi Rolling Stones đang bận “cháy” trên các sân khấu khắp nước Mỹ, quản lý Andrew Oldham đã âm thầm quảng bá cho bài hát mới thông qua đĩa đơn ra mắt vào 27/5 tại Mỹ. Trước đó, Andrew cũng không quên “xóa sổ” một vài đoạn lời như “trying to make some girl” (cố gắng chinh phục một vài cô gái)vì biết rằng lời lẽ ướt át có thể cản bước tiến xa của bài hát.
“Tôi cho là Andrew đã nghĩ rằng: Họ có thể đầu tư cho bài hát tùy thích, nhưng tất cả chỉ vì thời gian không còn. Cuối cùng thì đó lại là tất cả” - Keith Richards chia sẻ với tạp chí Blender.
Satisfaction khi mới ra mắt đã vấp phải một số phản ứng tiêu cực, thậm chí họ còn gọi Rolling Stones là “bộ ngũ đểu cáng” và cho rằngSatisfaction có ý gợi liên tưởng đến vấn đề tình dục. Bài hát đã vấp phải một số lệnh cấm nhỏ tại Mỹ và chỉ được phát trên sóng phát thanh riêng tư ở Anh.
Bất chấp những cản trở ấy, hơn 1 tháng sau khi phát hành,Satisfaction đã leo lên vị trí đầu hàng loạt các BXH ở cả 2 bờ Đại Tây Dương. Về sau, Satisfaction đã được vinh danh trong hàng loạt cuộc bình chọn của các tạp chí âm nhạc danh tiếng là “Bài hát rock vĩ đại nhất”, “Đĩa đơn hàng đầu của thời đại”, “Bản thu âm gây sửng sốt cả thế giới”. Đoạn riff guitar cũng trở thành một “chuẩn mực” trong giới chơi nhạc rock.
Tuy nhiên, sau hơn 40 năm biểu diễn Satisfaction, Keith Richards vẫn không rũ bỏ được định kiến “Nếu như cho tôi lựa chọn, Satisfaction sẽ không bao giờ được ra mắt. Và tôi vẫn cho rằng âm thanh fuzz - guitar thật sự vô nghĩa”.
“Hòn đá lăn” phiêu lãng Rolling Stones hay The Rolling Stones là nhóm nhạc đến từ Anh thành lập vào năm 1962. Theo đuổi thể loại rock’n’roll pha trộn với nhạc blues, họ là thế hệ nghệ sĩ đi đầu trong làn sóng nhạc Anh quốc xâm lấn nước Mỹ vào đầu thập niên 1960. Ý nghĩa cái tên Rolling Stones dịch theo nghĩa đen là “hòn đá lăn”, nhưng cũng dùng để chỉ phong cách lãng tử, phiêu du và bụi bặm mà Rolling Stones đã trở thành một hình mẫu, giúp phân biệt họ với cái tên đình đám khác là The Beatles với hình ảnh có phần thư sinh. Rolling Stones được vinh danh tại Sảnh danh vọng Rock and Roll vào năm 1989. Tạp chí mang tên Rolling Stone cũng là một trang thông tin nổi tiếng về âm nhạc, đặc biệt là nhạc rock. |
Hà My
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất