Vì sao Inter không thể hồi sinh?

13/11/2011 10:53 GMT+7 | Bóng đá Italy

(TT&VH)- Một thống kê nhỏ được tổng hợp từ thành công của Inter trong quá khứ, của Milan mùa giải trước và của Juve trong giai đoạn đầu mùa này cho thấy sự sa sút của Inter là tất yếu và vì sao họ sẽ gần như không thể trở lại là một ứng viên vô địch.

Hãy bắt đầu với… Barcelona. Có rất nhiều yếu tố giúp Barca có sức mạnh không thể cưỡng lại như vậy, nhưng căn bản nhất là họ biết cầm bóng siêu đẳng và dứt điểm hiệu quả. Với tỷ lệ khống chế bóng trung bình mỗi trận lên tới xấp xỉ 70% thời gian bóng lăn và có những "sát thủ" thượng hạng như Messi hay David Villa, thật dễ hiểu khi Barca thường xuyên có những trận đại thắng kiểu "bàn tay nhỏ". Real Madrid cũng sở hữu những chân sút hàng đầu, nhưng việc không thể cạnh tranh về tỷ lệ cầm bóng với Barca đã khiến họ thua hầu hết các trận "Kinh điển" từ năm 2008 đến nay. Ngược lại, Roma mùa này cầm bóng cực tốt nhưng vì không có ít nhất một tay săn bàn đẳng cấp mà họ cam phận lép vế ở Serie A.

Chuyện của các đội khác, nhưng cũng là chuyện của Inter, Milan và Juventus. Bởi trong cuộc chiến giành Scudetto giữa các đội bóng này kể từ sau vụ Calciopoli năm 2006 đến nay, hai điều kiện thành công căn bản nói trên chính là yếu tố quyết định chức vô địch Serie A và cả những thành tích khác nữa. Trong suốt 4 năm từ 2006-2010, qua tay Mancini rồi Mourinho, Inter chưa từng là đội cầm bóng tốt nhất Serie A (Milan đứng đầu), nhưng họ vẫn vô địch nhờ có những chân sút giỏi hơn đối thủ, mà trong đó Ibrahimovic là tên tuổi nổi bật. Mùa giải 2008-09, Inter cầm bóng trung bình chỉ có 52,9% thời gian mỗi trận (đứng thứ 5 Serie A, trong khi Milan đứng đầu với 59,1%), nhưng Ibra là chân sút giành ngôi "Vua phá lưới" với 25 bàn. Mùa 2009-10, con số chiếm bóng nhích lên 56,3% (Milan 60,3%), nhưng có "sát thủ" Milito ghi được 22 bàn.



Inter đang sa sút thảm hại- Ảnh Getty

Khi Milan vô địch mùa giải trước, chẳng ai đánh giá cao vai trò của khả năng cầm bóng lên tới 59,8%, mà coi trọng sự hiệu quả trên hàng công với bộ ba tiền đạo cùng ghi được 14 bàn (Binho, Ibra, Pato). Những năm trước đó Milan luôn cầm bóng tốt nhất nhưng không thể chạy đua vì thiếu chân sút cự phách. Ngược lại, yếu tố quyết định đến sự hồi sinh của Juventus mùa này là sự tiến bộ vượt bậc về khả năng kiểm soát bóng nhờ sự góp mặt của Pirlo. Các mùa trước, Juve chưa khi nào cầm bóng trung bình trận vượt quá 56% thời gian (mùa trước tệ nhất, chỉ 49,9%, đứng thứ 10), nhưng qua 9 trận đầu mùa này, con số đã lên tới 60,4% và chiếm luôn vị trí độc tôn của Milan, đội không còn quá chú trọng đến yếu tố kỹ thuật nữa (58,9%). Tương quan này rõ ràng nhất ở trận Juve hạ Milan 2-0 hôm 2/10, khi Juve chiếm 56% thời lượng bóng so với 44% của Milan.

Còn quá sớm để biết Juve có vô địch hay không, khi họ cũng như Milan trước đây, thiếu một chân sút giỏi và ổn định cỡ Ibrahimovic, nhưng không hề sớm để nhận định rằng Inter sẽ khó (nếu không nói là không thể) trở lại nhóm các đội cạnh tranh Scudetto khi họ thiếu cả hai yếu tố cầm bóng và dứt điểm. Chưa khi nào Inter cầm bóng ít như mùa này, chỉ còn trung bình 51,1% mỗi trận, trong khi hàng tiền đạo cùn vẹt bởi sự ra đi của Eto'o, người đã cứu rỗi đội bóng này mùa giải vừa qua. Chân sút ghi nhiều bàn nhất của Inter mùa này là Milito, ghi 3 bàn nhưng đã có 2 từ penalty và 1 từ pha chạm bóng may mắn.

Có nghĩa là để trở lại như xưa, Inter phải nâng cấp mạnh cả tuyến tiền vệ lẫn tiền đạo bằng những ngôi sao hàng đầu, nhiệm vụ chắc chắn sẽ tốn cực nhiều thời gian và tiền bạc, mà nếu chủ tịch Moratti "run tay" bởi Luật công bằng tài chính của UEFA, họ sẽ không bao giờ hoàn thành. Mà ngay lúc này, hàng thủ Inter cũng là yếu ớt bậc nhất Serie A và cần phải cải tổ quyết liệt. Tiền nào cho đủ? Thế mà, Inter lại còn đang muốn bán đi Sneijder…

Bách Việt


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm