28/06/2012 11:02 GMT+7
(TT&VH) - Đức và Italia đều đã xây dựng danh tiếng của nền bóng đá bằng cách ưu tiên việc phá lối chơi của đối phương, hơn là giành giật thế trận và chủ động tiêu diệt. Nhưng hãy tạm xếp kiểu chơi rình rập cũ kỹ của người Đức và Catenaccio qua một bên, vì đây là thời điểm của bóng đá tấn công và nghệ thuật dồn ép đối thủ.
Từ sự tiến bộ vượt bậc về thể lực
Đội tuyển Đức trước những năm đầu thế kỷ XXI có sức mạnh tranh chấp tuyệt vời, nhưng không phải những người bền bỉ về mặt thể lực thực sự. Họ thường chơi ở trạng thái cầm chừng trong 3/4 thời gian thi đấu, và chỉ bung sức có thời điểm. Đội tuyển Italia cũng vậy: Khả năng tổ chức và những tiểu xảo phá lối chơi giúp họ điều tiết thể lực cực tốt, đủ tỉnh táo để đứng vững rồi sau đó khai thác sai lầm của đối phương.
Nhưng giai đoạn mà bóng đá Đức suy thoái cũng gắn liền với giai đoạn mà điểm yếu thể lực của họ bộc lộ. Chiến thắng 5-1 của đội tuyển Anh trước Đức trong một trận giao hữu năm 2001 đã phơi bày hạn chế rõ ràng ấy của người Đức: Họ hụt hơi và bị nghiền nát trong một hệ thống hoạt động với công suất cao trong cả trận của người Anh, vốn đã quá quen với các trận đấu tốc độ cao và rất ít cắt còi trong suốt 90 phút ở Premier League. Tương tự, đội Italia hùng mạnh của năm 2002 cũng đã gục ngã tại Cúp thế giới trước Hàn Quốc của Guus Hiddink, một đội bóng chạy như điên ngay cả khi hiệp phụ bước sang những phút cuối cùng.
Bóng đá hiện đại đã cuốn bay những toan tính, và bắt Italia lẫn Đức lao vào cuộc cách mạng thể lực. Bây giờ, thì Đức là một trong những đội tuyển châu Âu có cường độ hoạt động khủng khiếp nhất trong một trận đấu. Với Italia, thì tại EURO lần này, họ là một trong những đội chạy nhiều nhất, với trung bình trên dưới 110 cây số mỗi trận. Andrea Pirlo, bộ não của Italia, thậm chí đã chạy xấp xỉ 50 cây số trong 4 trận vừa qua của đội thiên thanh.
Italia của Andrea Pirlo (trái) có thể “đâm” trúng yết hầu của đội tuyển Đức trong trận đấu này? - Ảnh: Getty
Đến sự linh hoạt và biến hóa về lối chơi
Italia hiện tại có khả năng chuyển từ hệ thống 4-4-2 với hàng tiền vệ hình kim cương sang sơ đồ 3-5-2 một cách uyển chuyển và chóng vánh. Các bài báo nước ngoài viết về hệ thống chiến thuật của Italia ở giải lần này cũng đánh giá rằng hàng tiền vệ hình kim cương, trái tim của đội thiên thanh, được duy trì với hình dạng và cự ly rất chuẩn mực một cách liên tục trong trận.
Tính linh hoạt không chỉ được thể hiện ở hệ thống, mà còn ở ý đồ chơi bóng. Italia chuyển từ phòng ngự sang tấn công rất nhanh, với nhiều tiền vệ cơ động và cần cù (Nocerino, Marchisio), với hai cầu thủ hậu vệ biên hoạt động cường độ cao (Balzaretti và Abate) thường xuyên hợp với hàng tiền vệ kim cương tạo thành nhân sự tấn công đông đảo, và cặp tiền đạo Balotelli - Cassano cũng là những người tham gia rất tích cực vào lối chơi. Hướng tấn công (hoặc phản công) của họ cũng tiềm ẩn nhiều bất ngờ, nhờ khả năng giữ bóng và phân phối rất đa dạng của Pirlo, người có thể đưa ra các đường chuyền ở cự ly ngắn, trung bình và dài chính xác như nhau.
Sự linh động và biến hóa của đội tuyển Đức thể hiện rõ ràng nhất ở khả năng di chuyển, hoán đổi và dồn ép liên tục của hàng tiền vệ năm người (cặp tiền vệ trung tâm và ba hộ công), cộng thêm những pha đột kích như một tiền vệ biên của Lahm vào trung lộ. Và khả năng cầm bóng dựa trên sự nhuần nhuyễn, khoa học trong từng bài phối hợp là thế mạnh rõ rệt của đội tuyển Đức, cộng thêm sự vây ráp hợp lý vốn có, họ nhiều khả năng sẽ chiếm được nhiều bóng hơn Italia.
Yết hầu phơi ra trước lưỡi kiếm
Kịch bản dễ xảy ra nhất ở trận này có thể sẽ giống với kịch bản của trận Italia – TBN ở vòng bảng: Đức sẽ chiếm nhiều bóng hơn, và chìa khóa Pirlo nhiều khả năng sẽ không có thời gian điều phối bóng một cách thoải mái như trận gặp đội tuyển Anh, trận đấu mà anh đã tung ra tổng cộng 117đường chuyền thành công (trận gặp TBN, con số đó chỉ là… 32).
Italia: Buffon - Abate, Barzagli, Bonucci, Balzaretti - Marchisio, Pirlo, Nocerino, Motta - Balotelli, Cassano
Nhưng dù số đường chuyền có bị giảm thiểu, thì Pirlo vẫn sẽ biết cách đảm bảo cho thế trận của Italia không đổ gãy bằng khả năng giữ bóng giảm nhịp độ, đóng vai trò một vị trí định hướng ở tuyến tiền vệ, tương tự trận gặp TBN, và trên cơ sở đó, chờ đợi thời cơ mà yết hầu của đội tuyển Đức lộ ra.
Đến một đội tấn công với khả năng chống phản công và vâp ráp đoạt bóng thượng thừa như TBN cũng đã bị lưỡi kiếm Italia đâm thủng trong một tình huống mẫu mực (Pirlo chọc khe cho Di Natale thoát xuống sửa bóng vào góc xa). Vậy thì chúng ta hoàn toàn có thể nghi ngờ vào sự an toàn trong hệ thống phòng thủ của người Đức, nhất là khi họ không có một tiền vệ chuyên trách phòng ngự nào cả, và cặp trung vệ chơi chưa thực sự chắc chắn, nhất là vị trí của Holger Badstuber.
Đức sẽ lãnh trách nhiệm tấn công nhiều hơn, và nếu họ không thể tìm ra phương pháp khoan thủng hàng thủ Italia trong hiệp một, Pirlo, người dò tìm yết hầu đối thủ, có thể sẽ lại khiến họ phải trả giá.
Dự đoán: 1-1 (Italia thắng 2-1 trong hiệp phụ)
Ban Cầm
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất