28/06/2022 06:49 GMT+7 | Italy
(giaidauscholar.com) - Hợp đồng của Paulo Dybala với Juventus chỉ còn 4 ngày nữa là kết thúc, nhưng đến lúc này, anh vẫn chưa tìm được bến đỗ mới. Từ chỗ là một ngôi sao “cành vàng lá ngọc”, chân sút người Argentina bỗng hóa món hàng bị ghẻ lạnh trong phiên chợ Hè đang sôi động.
Không phải mọi thứ về Dybala đều đẹp đẽ, bởi phong độ và thể trạng của anh thời gian qua luôn bị đặt dấu hỏi, nhưng nói gì thì nói, tiền đạo 29 tuổi này vẫn là một cầu thủ hàng đầu ở Serie A. Chỉ có điều, đòi hỏi cao về đãi ngộ khiến anh đang bị các đội bóng lớn ngó lơ.
Bị Inter bội ước
Dybala đã ở rất, rất gần Inter, cho đến khi thương vụ Lukaku khiến mọi việc đổ vỡ. Sau khi mượn được Lukaku, Inter đã ngừng đàm phán với Dybala. Lý do ai cũng hiểu là khoản lương vốn được nhắm dành cho Dybala giờ sẽ để trả cho Lukaku. Muốn có Dybala, Inter phải giải phóng được những Sanchez, Vidal, mà đó là việc rất không đơn giản. Tờ La Gazzetta dello Sport số ra hôm 25/6 khẳng định “Inter không bỏ cuộc, nhưng cần thời gian để thu xếp”, nhưng ngay cả các fan của Inter cũng cho rằng, đấy chẳng qua là động thái chữa ngượng của Inter mà thôi, bởi sau khi có Lukaku, Inter không cần Dybala nữa. Sự có mặt của Dybala sẽ phá vỡ tính cân bằng cả trong đội hình lẫn bảng lương, nhưng Inter cũng không thể ngay lập tức hất bỏ những hứa hẹn trời biển mà họ đã vẽ ra trước đó với Dybala. Họ cần từ chối một cách lịch thiệp và muốn Dybala tự hiểu ý mà tìm bến đỗ khác.
Cơ hội sở hữu Dybala với giá 0 euro chuyển sang cho Milan, Roma, Napoli hay thậm chí cả Fiorentina, nhưng đến thời điểm này, chưa có bất kỳ đội nào chính thức đặt vấn đề. Tất cả đều e ngại về đòi hỏi lương lên đến 7 triệu euro/năm của Dybala, bên cạnh yếu tố tuổi tác và cả thể trạng của cầu thủ này. Ngay cả khi có Dybala miễn phí, đây vẫn là một vụ đầu tư tốn kém và mạo hiểm với mọi CLB. Tất nhiên, bao gồm cả Inter, đội có vẻ muốn rút khỏi thương vụ này một cách êm đẹp.
Tốn kém và mạo hiểm
Giả sử Milan dành cho Dybala hợp đồng 4 năm với lương 7 triệu euro (tức 28 triệu euro trong suốt hợp đồng), tổng lương sau thuế họ phải chi sẽ là 56 triệu euro (thuế thu nhập 100%). Thêm khoảng 5-10 triệu euro tiền lót tay cho người đại diện, Milan sẽ phải bỏ ra tổng cộng 61-65 triệu euro. Nếu Milan mua một cầu thủ trẻ tiềm năng, giả sử là Charles De Ketelaere (Brugge) với giá 30 triệu euro, cùng mức lương 2 triệu euro/năm cho hợp đồng 5 năm (10 triệu) và phí lót tay là 5 triệu euro, tổng chi phí họ phải bỏ ra cũng chỉ là 50 triệu euro (cầu thủ đến từ nước ngoài chỉ phải nộp thuế thu nhập 50%), trong khi cầu thủ người Bỉ này mới 21 tuổi, còn một tương lai rộng dài ở phía trước. Khả năng để bán Dybala trong tương lai là cực thấp, trong khi cơ hội để bán De Ketelaere là rất cao, thậm chí là với giá gấp đôi. Đâu là hướng đi đúng hơn, hẳn ai cũng có câu trả lời.
Đó là lý do khiến Milan chỉ để mắt đến Dybala nếu cầu thủ này chịu giảm lương xuống còn 4,5-5 triệu euro/năm. Các đội bóng khác ở Italy cũng vậy, trong khi sự quan tâm từ các giải đấu khác tại châu Âu là hầu như không có. Sevilla thậm chí chỉ có thể trả 3 triệu euro/năm. Ngôi sao có biệt danh La Joya (viên ngọc) đang ở trong tình cảnh không dễ chịu chút nào.
Cái giá của sự tham lam
Dybala sẽ không phải triệu phú duy nhất rơi vào cảnh “vô gia cư” trong những ngày tới, bởi Franck Kessie cũng đang đối diện với tương lai bất định, cho dù anh đã đạt thỏa thuận gia nhập Barcelona. Đáng lẽ ra, Kessie chỉ chờ ngày ra mắt đội bóng mới, nhưng hiện tại anh thậm chí còn chưa biết có ngày đó hay không, khi Barca chưa tìm ra hướng giải quyết khủng hoảng tài chính để có thể chính thức đăng ký Kessie (và trung vệ Christensen của Chelsea) vào đội hình. Nếu Barcelona không thể đăng ký (nhiều khả năng), Kessie sẽ phải liên hệ với các đội bóng khác để tiếp tục sự nghiệp, nhưng khi đó thì quyền chủ động trong đàm phán chắc chắn không thuộc về anh nữa.
Hai ngôi sao nói trên không lâm vào tình cảnh hiện tại nếu như họ không quá tham lam, đòi những mức lương “trên trời” trong đàm phán gia hạn hợp đồng. Dybala khước từ mức lương 8 triệu euro/năm mà Juventus đưa ra, muốn có 12 triệu, còn Kessie đòi tới 9 triệu euro/năm, chê mức 6,5 triệu Milan đề xuất. Bây giờ thì cả hai có lẽ chỉ dám mơ đến mức lương mà họ từng ngoảnh mặt đó. Bernardeschi (Juventus) và Romagnoli (Milan) cũng thế. Cả hai đều từ chối đề xuất lương 2,5-3 triệu euro từ đội chủ quản, để rồi bây giờ cũng chẳng có đội bóng nào sẵn sàng trả cho họ con số cao hơn.
Juventus: Mua 1 người, bán vạn người Ở “phiên chợ Hè” này, Juventus mới chỉ chính thức chiêu mộ 1 tân binh là tiền vệ Paul Pogba theo dạng miễn phí từ MU (anh sẽ ra mắt ngày 4/7), trong khi danh sách họ cần phải giải phóng khỏi đội hình thì rất dài. Hiện có 3 người đã ra đi là Chiellini (LAFC), Dybala (?) và Demiral (Atalanta). Những cái tên tiếp theo phải xách vali tạm biệt là Ramsey (Juve muốn thanh lý hợp đồng), Arthur, Rabiot, Kean, Mandragora (trở về sau hạn mượn ở Udinese), Pellegrini, cùng với các cầu thủ trẻ là Zanimacchia, Brunori, Vrioni và Israel, những người có thể bị bán hoặc đem cho mượn để tích lũy kinh nghiệm. Oái oăm thay, cầu thủ có khả năng cao nhất rời Juventus lúc này lại chính là trung vệ trụ cột De Ligt, người Juve không hề muốn bán. Mức phí giải phóng hợp đồng của De Ligt là 120 triệu euro, con số có thể bị Chelsea kích hoạt bất cứ lúc nào. Hiện Chelsea đã đề xuất mức 100 triệu euro hoặc 50 triệu cộng với tiền đạo Werner. Juventus đang nỗ lực hết sức để trói chân ngôi sao 23 tuổi, tuy nhiên, khả năng họ phải chấp nhận để anh ra đi cũng là không nhỏ. |
Nguyễn Vinh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất